Những bản làng Lai Châu ấm no nhờ phát triển du lịch cộng đồng

08/09/2022 17:43

Lên các bản homestay Lai Châu, du khách không chỉ được hòa vào bầu không khí mát lành của núi rừng, nghỉ dưỡng trong những ngôi nhà “tổ chim” trên cây, mà còn được khám phá rừng cây ăn quả ôn đới.

ADQuảng cáo

Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải nằm trên đỉnh núi cao 1.500m so với mực nước biển. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+

Nằm cheo leo trên đỉnh những sườn núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn, với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, những năm gần đây, nhiều thôn bản ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đã khai thác những thế mạnh này để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách trải nghiệm các phong tục, tập quán đặc trưng.

Trong đó, dấu ấn nổi bật là những phòng ngủ, nhà hàng “tổ chim” trên cây của người Mông; bản homestay (dịch vụ lưu trú nhà dân dành cho khách du lịch) kết hợp nghỉ dưỡng.

Những bản homestay khiến khách du lịch “say đắm”

Một ngày cuối tháng Tám, nắng vàng như pha mật ong, chúng tôi tìm đến bản Sì Thâu Chải (1 trong 8 bản của xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) - nơi được biết đến là bản homestay “hút” khách, ở trên đỉnh núi cao 1.500m so với mực nước biển.

Sau chừng gần một giờ chạy xe từ khu vực đỉnh đèo Ô Quy Hồ (thuộc nhóm tứ đại đỉnh đèo), chúng tôi có mặt tại bản Sì Thâu Chải. Nơi đây chủ yếu là người Dao sinh sống. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tới bản homestay là những dãy rừng cây cổ thụ xanh mốc, mạnh mẽ hiên ngang giữa đất trời Tây Bắc, như tượng trưng cho khí phách và lòng dũng cảm, thủy chung của những người dân nơi đây.

Ngay trước cổng chào dẫn vào bản Sì Thâu Chải, là một bãi đất rộng rãi, được dân bản cuốc ủi, san gạt nhằm lấy chỗ phục vụ khách du lịch đỗ phương tiện.

Cổng chào của bản được người dân xây dựng khá đơn giản bằng những vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, nứa nhưng ấn tượng, mang đậm văn hóa của người Dao. Con đường chính dẫn vào bản sạch sẽ, hai bên là những bức tường được xếp bằng đá xen lẫn với hàng cây cảnh điểm xuyết cùng những khóm hoa bài trí đẹp mắt.

Xung quanh đường bản là những vườn trái cây ôn đới, chủ yếu là đào và lê rừng, được người dân trong bản cùng nhau góp công, góp sức, vun vén trồng, chăm - vừa để bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan, vừa để duy trì sinh kế, tăng thêm thu nhập.

Lấp ló dưới những vườn cây, là các dãy ngôi nhà homestay được thiết kế bằng gỗ, với cách bài trí thông thoáng. Trước cửa nhà được gắn tấm biển tự thiết kế thủ công bằng dây thừng hoặc dây mây, thoạt nhìn rất mộc mạc và thân thiện với môi trường, với đầy đủ tên, số điện thoại, thậm chí còn được dịch sang tiếng Anh.

Tất cả những điểm nhấn kể trên đã tạo nên một bản người Dao phát triển du lịch cộng đồng, đã và đang vươn mình đổi mới với hy vọng trở thành “hình mẫu” cho rất nhiều những bản phát triển du lịch homestay ở trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm quan khu bản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồ Thầu Tẩn Thị Nhẫn cho biết những năm trước, đời sống kinh tế của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn. Sau rất nhiều trăn trở, Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã và các cấp, đoàn thể của xã Hồ Thầu đã tìm ra được hướng đi mới, biến những bất lợi thành lợi thế riêng để phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi về địa hình và khí hậu, cùng với vị trí giao thoa gần với những điểm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm nổi tiếng như điểm dù lượn Tam Đường, Khu du lịch Nhà kính Rồng Mây, chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân trong bản sửa sang, cải tạo lại nhà cửa để đón khách du lịch.

Cứ thế, ban đầu là những nhóm nhỏ du lịch theo hướng trải nghiệm leo núi, nhưng dần “tiếng lành đồn xa” về một vùng đất với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp có thể ngắm mây, đón bình minh từ sớm… ngày càng thêm phần hấp dẫn du khách, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế. Hiện nay, trong bản có 5 hộ làm homestay và đến cuối năm con số này có thể tăng lên 15 gia đình.

Cùng được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan tươi đẹp với những lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng như bản homestay Sì Thâu Chải, thời gian gần đây, bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cũng đang trở thành điểm hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan.

Bản Sin Suối Hồ nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 30km. Trên đường vào bản, chúng tôi thường xuyên bắt gặp những căn nhà gỗ được bài trí thông thoáng, với hàng rào đá bao quanh mang nét đặc trưng của người Mông.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sin Suối Hồ Chéo Quẩy Hòa cho biết bản Sin Suối Hồ hiện có có 103 hộ dân với 595 nhân khẩu, trong đó 100% là người Mông, sống tập trung. Với khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tập quán sinh hoạt văn hóa đặc trưng cùng với với phương thức lao động sản xuất thủ công truyền thống, Sin Suối Hồ đã trở thành bản du lịch cộng đồng từ năm 2015.

ADQuảng cáo

Nhà tổ chim trên cây ở bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Ảnh: HV/Vietnam+

Trước đại dịch COVID-19, mỗi năm, bản này đón từ 20.000-30.000 lượt khách, trong đó có cả khách nước ngoài như: Australia, Mỹ, Singapore... Năm 2022 này, lượng khách du lịch đến Sin Suối Hồ có thấp hơn, nhưng cũng đang tăng dần đều.

Chủ tịch Chéo Quẩy Hòa cũng như trưởng bản Vàng A Chỉnh hy vọng năm tới, lượng khách sẽ đạt được hoặc cao hơn mức trước dịch. Hy vọng thế, bởi con đường từ thành phố Lai Châu lên Bản đang được thi công, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm tới, sẽ đưa bước chân du khách nhanh đến với Sin Suối Hồ.

Người dân thiểu số ấm no, vùng cao ngày càng đổi mới

Không chỉ thay đổi diện mạo thôn bản nhờ mô hình phát triển du lịch homestay, Sin Suối Hồ, giờ đây còn trở thành "thủ phủ" của địa lan nổi tiếng của cả nước.

Ông Chéo Quẩy Hòa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sin Suối Hồ cho biết toàn bản Sin Suối Hồ hiện có 38.000 gốc địa lan cung cấp cho các tỉnh, qua đó mỗi năm thu nhập lên tới 3 tỷ đồng. Đến nay, toàn bản Sin Suối Hồ với 103 hộ gia đình đều trồng phong lan và địa lan - hộ ít thì vài chục chậu, nhiều lên đến vài trăm chậu.

Chia sẻ với phóng viên, Vàng A Tủa, một người dân ở bản Sin Suối Hồ cho biết hằng năm, khoảng trước Tết Nguyên đán hai tháng cho đến hết tháng Giêng năm sau, khách mua lan đánh xe từ thành phố Lai Châu lên, từ Sa Pa (Lào Cai) sang mua. Thậm chí, cả từ Hà Nội cũng vượt hàng trăm cây số đến Sin Suối Hồ để lựa những chậu lan nổi tiếng ở vùng Tây Bắc, với giá lên tới vài ba triệu đồng/chậu.

Kết hợp truyền thống và phát triển du lịch nên ngoài trồng lan, gia đình anh Vàng A Tủa và các hộ dân trong bản vẫn giữ cả nghề trồng ngô, nuôi dê, dệt thổ cẩm của người Mông. Đây cũng chính là những sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Ngoài địa lan, theo Vàng A Tủa thì thảo quả cũng đang vừa là cây trồng mang giá trị kinh tế, vừa là sản phẩm du lịch độc đáo của Sin Suối Hồ. “Nếu lên bản vào khoảng tháng Chín, tháng 10, du khách sẽ được lạc vào những rừng thảo quả thơm ngát, mà khi ra khỏi rừng, cả buổi, mùi hương vẫn còn vương vấn trên áo, trên tóc, như một sự lưu luyến của núi rừng,” Vàng A Tủa tự hào chia sẻ.

Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh cho biết những năm qua, nhờ làm kinh tế gắn với phát triển du lịch mà đời sống của người dân đã trở nên ấm no và truyền thống văn hóa dân tộc được giữ gìn. Riêng với gia đình A Chỉnh, nhờ phát triển du lịch homestay và trồng lan, chăn nuôi cũng thu nhập được gần 200 triệu đồng.

Mô hình trồng cây ăn quả ôn đới ở bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+

Tại bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, trong những năm qua, để tạo nên một cộng đồng đoàn kết, cùng phát triển, dưới sự tham mưu của Công an xã, hướng dẫn, sắp xếp của Ủy ban Nhân dân xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường), những hộ dân trong bản Sì Thâu Chải cũng đã tăng cường phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Theo đó, để phát triển kinh tế, người dân trong bản sẽ trồng những cây ăn trái mang đặc trưng của vùng Tây Bắc. Từ đó, những rừng đào, lê, mận được trồng bạt ngàn xung quanh bản, vừa để giữ đất đồng thời cũng phục vụ cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản vật địa phương, tạo sinh kế cho người dân.

Để giải quyết đầu ra, các gia đình có điều kiện làm homestay sẽ mua nguồn thực phẩm, đồ lưu niệm từ những hộ dân khác trong bản để phục vụ du khách cũng như tạo điều kiện cho những hộ này có thêm thu nhập. Du khách cũng được thưởng thức những món ngon, đặc sản địa phương từ chính bàn tay của dân bản làm ra.

Ngoài ra, từ khi hình thành bản du lịch homestay, một đội văn nghệ đặc biệt cũng đã được tập hợp bởi chính những người dân trong bản, sưu tầm, khôi phục, phát triển lại những điệu múa cổ truyền của người Dao để phục vụ du khách.

Đến nay, những nét đặc trưng cùng mô hình phát triển du lịch cộng đồng trên đã và đang góp phần nâng cao đời sống, diện mạo của người dân vùng cao nơi đây.

Theo vietnamplus.vn

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bản làng Lai Châu ấm no nhờ phát triển du lịch cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO