Nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết: Cần có quy chế trong công tác chuẩn bị

Nguyễn Hiền| 06/03/2017 14:19

Nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành nghị quyết là một trong những nội dung được đề cập tới trong nhiều cuộc họp của HĐND tỉnh Đắk Nông. Tại Hội nghị rút kinh nghiệm sau kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa III mới đây, nhiều ý kiến đã thẳng thắn mổ xẻ, phân tích và kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh họp thẩm tra nghị quyết trình kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa III

“Điểm mặt” những hạn chế

Theo đánh giá của nhiều đại biểu HĐND tỉnh, mặc dù UBND tỉnh đã kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chuyên môn được phân công chuẩn bị báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, nhưng việc nộp các văn bản hầu hết đều không đúng theo tiến độ quy định.

Điển hình như “Nghị quyết về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách thuộc tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2017-2020”, “Nghị quyết thông qua Đề án định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017”, hay “Nghị quyết quy định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2017-2020”.

Điều đáng nói nữa là một số đề án, dự thảo nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gây bị động cho các cơ quan thẩm tra, ảnh hưởng đến công tác gửi tài liệu để đại biểu nghiên cứu trước kỳ họp. Điển hình như “Nghị quyết quy định mức thu, quản lý, sử dụng các loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”, “Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2016-2020”...

Cũng theo nhận định, việc xây dựng chương trình nghị quyết năm 2016 vẫn chưa bảo đảm chặt chẽ. Vì vậy, việc đề nghị đưa ra hoặc bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp vẫn còn diễn ra.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Đạo, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: “Việc thẩm tra các nghị quyết không tập trung, trong khi hầu hết thành viên các Ban HĐND tỉnh lại kiêm nhiệm nhiều việc nên khó khăn trong việc bố trí thời gian. Chính thời gian cập rập khiến đại biểu không đủ sức để nghiên cứu, có được những ý kiến chính xác đối với các văn bản. Trong nội dung báo cáo của các cơ quan liên quan do UBND tỉnh phân công, do vội vàng nên khi làm thiếu sự phối hợp, khi thẩm tra các cơ quan liên quan, cơ quan này nói một ý, cơ quan kia nói một ý”.

Tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khẳng định: Việc ban hành nghị quyết là để phục vụ cho sự phát triển của địa phương, phục vụ nhân dân, tạo cho người dân có cuộc sống thuận lợi hơn, tốt hơn và tin tưởng hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, xây dựng nghị quyết thời gian qua còn những hạn chế, một phần là do thiếu ý thức trách nhiệm. Một số sở, ngành chưa nhận thức rõ tầm quan trọng, vị trí, yêu cầu của một nghị quyết mà mình sắp trình cho HĐND tỉnh. Việc làm chậm, làm không chất lượng cần phải có chế tài mạnh để xử lý. Vì vậy, việc ban hành văn bản quy định chế tài trong công tác xây dựng văn bản để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị được phân công chuẩn bị cho các kỳ họp cần nghiêm túc nghiên cứu triển khai.

Đồng chí Lê Diễn cũng yêu cầu, khi HĐND tỉnh mời tham gia các kỳ họp thì giám đốc các sở, ngành phải trực tiếp đi, không để cấp phó đi thay, trừ trường hợp thật đặc biệt. Khi kết thúc các nghị quyết, dù có ban hành mới hay không, UBND tỉnh cũng cần tổ chức sơ kết, tổng kết để nắm bắt thêm các ý tưởng mới; đồng thời khắc phục những hạn chế trong thực tiễn, tránh trường hợp làm theo cảm tính. UBND tỉnh cần xác định rõ trước mỗi kỳ họp cần trình nội dung gì, ai chuẩn bị, ai chỉ đạo và phải chi tiết hóa các mốc thời gian thực hiện, tránh trường hợp “nước đến chân mới nhảy”. Khi đã ban hành chính thức chương trình kỳ họp thì UBND tỉnh cần chỉ đạo, thông báo ngay cho các sở, ngành liên quan và yêu cầu nộp các bản chi tiết tiến độ làm việc để Văn phòng UBND tỉnh giám sát.

Xử lý trách nhiệm cụ thể các cá nhân, đơn vị liên quan

Liên quan đến việc rút kinh nghiệm kỳ họp, đồng chí Trần Xuân Hải, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, cần xây dựng quy chế trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp về cả thời gian, nội dung để xử lý trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân, đơn vị liên quan không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với những báo cáo, dự thảo nghị quyết làm không đúng thời hạn thì phải tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh lý do vì sao chậm. Cùng với đó, giữa Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh cần tăng cường sự phối hợp trong việc tham gia ý kiến vào các dự thảo nghị quyết. Văn phòng HĐND tỉnh phải ra thông báo sớm về nội dung kỳ họp, để các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu trước. Văn phòng UBND tỉnh phải phân công nhiệm vụ viết các báo cáo, dự thảo một cách chi tiết, cụ thể. Người được giao viết phải là người chủ chốt trong các sở, ngành để đánh giá, nhìn nhận một cách toàn diện vấn đề.

Ông Nguyễn Đình Đạo, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng cho rằng, để xử lý những hạn chế trên, UBND tỉnh cần đưa ra những chế tài khắt khe đối với các cơ quan tham mưu được giao nhiệm vụ soạn thảo đề án, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh. Về nội dung, cần có hình thức xử lý cụ thể, nếu phải chỉnh sửa nhiều lần và nếu nội dung không được thông qua thì phải “trị” ngay người đứng đầu cơ quan đó.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết cần huy động sự tham gia tích cực của các chuyên gia, đại diện các Ban HĐND tỉnh để đóng góp ý kiến ngay từ đầu. Các đơn vị được giao xây dựng dự thảo nghị quyết cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn, nhất là hình thức góp ý qua cổng thông tin điện tử. Đối với những chương trình, chính sách lớn có tác động trực tiếp đến người dân thì thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cũng có thể thông báo để lấy ý kiến đóng góp của cử tri.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết: Cần có quy chế trong công tác chuẩn bị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO