Kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6/1911 - 5/6/2016: Chủ nghĩa yêu nước nồng nàn thúc giục Người ra đi tìm đường cứu nước

Nguyễn Thị Cẩm Trang| 03/06/2016 09:46

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi!

Bến cảng Nhà Rồng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

Chuyến đi mang theo bao hoài bão và khát vọng lớn lao của người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã trở thành chuyến đi huyền thoại và là cột mốc quan trọng thay đổi vận mệnh nước nhà. Đó là cuộc hành trình tìm đường cứu nước, đồng thời là một cuộc hành trình để tích hợp được văn hóa phương Đông và phương Tây trên nền văn hóa dân tộc vững chắc; đó còn là hành trình chính trị để từ chủ nghĩa yêu nước Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Và cuộc hành trình đó đã đưa Người từ người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa.

Cuộc hành trình đi qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Bằng thiên tài trí tuệ và bản lĩnh cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công hệ quan điểm cách mạng toàn diện, hệ thống và sáng tạo để truyền bá vào Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập tự do.

Bài học về trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh là  “người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì”. Không sợ văn minh phương Tây, ngượi lại Người quyết định “vào hang cọp để bắt cọp”, học chữ Pháp để đánh Pháp. Để rồi, theo hành trình của tàu, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân ở cảng Mác xây, cảng Lơ Havơrơ của Pháp. Những ngày đầu tiên trên đất Pháp, được chứng kiến ở Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam, Nguyễn Tất Thành nhận thấy có những người Pháp trên đất Pháp tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương.

Lý do Người chọn phương Tây là điểm đến, vì muốn làm quen với nền văn minh, mà trước hết là văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ: Tự do, bình đẳng, bác ái… ấy và điều quan trọng nữa là người muốn đến tận nơi, xem cho rõ. Ở Việt Nam cũng có một thực tế “Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ”. Và Người cũng luôn trăn trở về lời bàn của ông nghè Nguyễn Quý Song “Muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải học chữ Pháp”.

Như vậy, với một trí tuệ thông minh, sự hiểu biết từ sớm, một chuỗi sự kiện chứng tỏ Hồ Chí Minh đi sang phương Tây có một chủ đích rõ ràng là cứu nước, cứu dân. Cách nghĩ, cách làm của Người trong những năm tháng tiếp theo cho thấy sự kiên định của Người về dự định của mình. Người luôn sáng tạo, tìm tòi, chịu khổ, làm tất cả những gì có thể làm được, thậm chí vượt sức mình để đạt mục đích lớn.

Thời gian tìm đường cứu nước là 10 năm (1911 – 1920), tư duy và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tiếp tục khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của một trái tim lớn tràn đầy nhiệt huyết cứu nước khi bước đầu đã nhận thức được những bất cập của các con đường cứu nước cũ. Cho đến khi Người  tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong đó có cách mạng Việt Nam từ bản Luận Cương của Lênin, niềm tin ấy là cơ sở tư tưởng để Người vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của Chủ nghĩa Mác – Lênin, đến việc bỏ phiếu cho Đệ tam Quốc tế, tán thành Quốc tế 3...

Tham quan di tích bến Nhà Rồng. Ảnh tư liệu

Ngày nay, chúng ta đang sống trong độc lập tự do cơm no áo ấm, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, kỷ nguyên của hội nhập, chúng ta phải học bài học quý giá từ sự ra đi tìm đường cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh: Có cái gì tốt của Đông phương và Tây phương thì ta phải học lấy để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Theo tinh thần của Lênin và tấm gương Hồ Chí Minh, chúng ta phải biết sử dụng chủ nghĩa tư bản làm lợi cho chủ nghĩa xã hội, khai thác văn minh nhân loại, mà trước hết và hàng đầu là khoa học và công nghệ để tiếp sức cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phục vụ cho công cuộc đổi mới.

Ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ mang theo chủ nghĩa yêu nước là yếu tố có trọng lượng nhất để thực hiện mục đích giải phóng dân tộc, giành lại quyền sống cho con người. Ngày nay, chúng ta phải nâng cao chủ nghĩa yêu nước thành chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa để xóa sự nghèo nàn lạc hậu, làm cho con người có cuộc sống ấm no tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Rời Tổ quốc, Bác muốn làm quen với nền văn minh Pháp, xem các nước họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào.

Ngày nay, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác đáng tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Lúc ra đi, Bác căm thù bọn đế quốc xâm lược và quyết tâm chiến đấu để quét sạch nó đi. Ngày nay, mỗi người Việt Nam phải có thái độ cách mạng chống lại các thế lực thù địch và những lực cản trên con đường phát triển của dân tộc.

105 năm trước, Người thanh niên ấy mang theo khát vọng cháy bỏng là phải luôn luôn nung nấu mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thế hệ Thanh niên hôm nay học tập Người, mỗi đoàn viên, thanh niên cần thấm nhuần khẩu hiệu: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” nhằm xứng đáng hơn nữa với tinh thần thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6/1911 - 5/6/2016: Chủ nghĩa yêu nước nồng nàn thúc giục Người ra đi tìm đường cứu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO