Không có nguồn giống tốt, sản xuất khó bền vững

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 02/11/2021 08:22

Giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bảo đảm nguồn giống chất lượng sẽ góp phần phát triển ngành Nông nghiệp ổn định, bền vững.

ADQuảng cáo

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị trực tuyến về kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Hội nghị có sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước, Tổ công tác tiêu thụ nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp - PTNT.

Hội nghị đã ghi nhận, tổng hợp được nhiều ý kiến để tỉnh có thể tham khảo, tiếp thu và đưa ra những giải pháp phát triển nền Nông nghiệp bền vững trong giai đoạn mới.

Trong đó, việc bảo đảm chất lượng giống cây trồng, vật nuôi được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Nhiều đại biểu khẳng định, nguồn giống tốt phải được khảo nghiệm, nghiên cứu, đánh giá kỹ càng.

Giống cây trồng phải được bán tại các cơ sở có đăng ký rõ ràng, có chứng nhận của cơ quan chức năng, có thông báo công khai bằng các hình thức để người dân biết, kiểm soát.

Cơ sở kinh doanh cây giống Trần Bính, phường Nghĩa Phú (TP. Gia Nghĩa) 1 trong những cơ sở được đánh giá đạt chuẩn

Theo ông Phạm Kim An, xã Đức Minh (Đắk Mil), gia đình ông đã phải phá bỏ khoảng 200 cây cà phê do trồng phải giống kém chất lượng. Những cây cà phê này giai đoạn đầu phát triển bình thường.

Thế nhưng, đến thời kỳ cho thu bói, cà phê lại chậm phát triển, lá và ngọn xoắn lại. Sau đó, những cây cà phê này hầu như không cho quả. Ông phải chịu nhiều thiệt hại về kinh tế.

Trước thực tế này, ông An kiến nghị, Nhà nước cần kiểm soát tốt hơn nữa chất lượng cây giống để người dân yên tâm sản xuất. "Giống tốt mới cho sản phẩm tốt, mang lại hiệu quả sản xuất cao", ông An chia sẻ.

Về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, cây giống có chất lượng là yếu tố hàng đầu để Đắk Nông tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Ông Châu nêu ví dụ, huyện Tuy Đức là vùng đã được nghiên cứu, đánh giá phù hợp để trồng mắc ca. Thế nhưng hiện nay, mắc ca của nhiều hộ dân ở đây lại có tỷ lệ đậu quả ít.

Năm 2020, người dân xã Ea Pô (Cư Jút) phải chịu nhiều thiệt hại do giống lúa kém chất lượng

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Cũng vì điều này, không ít ý kiến đã nghi ngờ về tính hiệu quả của cây mắc ca tại huyện Tuy Đức. Mặc dù vậy, nguyên nhân của vấn đề này được xác định là do chất lượng cây giống mắc ca không bảo đảm.

"Việc kiểm soát được chất lượng cây giống với một hệ thống từ sản xuất, phân phối là rất quan trọng. Để từ đó người dân có thể tiếp cận được nguồn giống tốt", ông Châu cho biết.

Cũng về nội dung này, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần ORIVI Higland (Gia Nghĩa) cho rằng, quá trình sản xuất, đơn vị thấy rằng, vấn đề giống của người dân trên địa bàn không đồng bộ cả về chủng loại lẫn chất lượng.

Ví dụ, một vườn cây khoảng dưới 1 ha trồng cùng một loại cây, nhưng lại có từ 4-5 loại giống khác nhau. Như vậy, sản phẩm sẽ vụn vặt, sản lượng nhỏ lẻ, khó đáp ứng khâu chế biến cũng như chiếm lĩnh thị trường.

Cây giống đạt chất lượng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tái canh cà phê

Ông Kiên cho biết, tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế phát triển cây ăn quả, nhưng hiện vấn đề chất lượng cây giống còn nhiều điều phải bàn. Trong đó, tâm lý của người dân còn sản xuất cây ăn quả theo kiểu... thử nghiệm.

Khi thấy trên thị trường có cây gì lạ, mới xuất hiện, người dân liền đem về trồng. Điều này là mạo hiểm và rất khó cho việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung.

Theo ông Kiên, nguồn giống đạt chuẩn sẽ là tiền đề cho việc hình thành vùng nguyên liệu đồng đều, nâng cao chất lượng sản phẩm. "Giống tốt sẽ giúp cho người dân ổn định sản xuất tốt", ông Kiên cho biết.

Theo một số chuyên gia, để bảo đảm được chất lượng giống cây, cần có sự kết hợp, xâu chuỗi các giải pháp giữa quản lý, khoa học, doanh nghiệp, người dân.

Khi kiểm soát được nguồn giống tốt, hình thành được các vùng trồng tập trung, người dân, doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi trong khâu chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 293 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đang hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có 80 cơ sở có đăng ký giấy phép, còn lại đều tự phát, hoạt động theo mùa vụ.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có nguồn giống tốt, sản xuất khó bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO