Nam thanh niên 22 tuổi bị cây đè tử vong ở đường Trần Duy Hưng, nhiều chung cư lần đầu ngập nước, ngoại thành mất điện diện rộng... trong khoảng 6-7 tiếng bão càn quét thủ đô chiều tối 7/9.
- Trưa 7/9, khi bão hoành hành tại Hải Phòng - Quảng Ninh, mưa cũng bao trùm Hà Nội.
- Từ 14h, mưa nặng hạt kèm gió xoáy mạnh dần làm nhiều cây đổ, nhà không kiên cố tốc mái.
- 20h-21h30, tâm bão đi qua Hà Nội, sức gió mạnh nhất 102 km/h, cấp 10, giật cấp 12. Cấp bão thực tế mạnh hơn các dự báo trước đó, gây hậu quả chưa từng có trong vài chục năm qua với hạ tầng của thủ đô.
- Lần lượt các quận/huyện ngoại thành và một số khu vực nội đô mất điện, sóng viễn thông chập chờn. Trước đó, toàn bộ Quảng Ninh, Hải Phòng cũng mất điện. Tổng công ty điện lực miền Bắc xác định, bão làm hỏng hệ thống lưới điện trung, hạ áp tại 15 tỉnh, thành miền Bắc. Ước tính, hơn 3 triệu khách hàng bị ảnh hưởng. Đến 0h hôm sau, sự cố điện nhiều nơi vẫn chưa thể khắc phục.
- 22h, bão di chuyển về hướng Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên và suy yếu nhanh.
- Thiệt hại tính đến 19h ngày 7/9: một người tử vong; 2.800 cây gãy đổ; 13 ôtô và 6 xe máy hư hại; 9 nhà dân bị tốc mái tại Ba Đình, Sơn Tây, Ba Vì. Nội thành không có điểm úng ngập. Ngoại thành có 47 ha lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập, hơn 6.000 ha lúa rau màu và cây ăn quả bị đổ.
Gần 22h, gió bắt đầu nổi trở lại, rít lớn ở khu vực Hoàng Mai, Cầu Giấy. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, quá trình bão quét qua, có thể có lúc gió lặng xuống rồi tiếp tục trở lại, trước khi hết hẳn.
- Sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 1h ngày 8/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.