Đam mê với cà phê, ông Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, từng bước đưa sản phẩm của mình đạt OCOP, tạo cơ hội lớn trên thị trường.
Đam mê và khởi nghiệp với cà phê
Doanh nhân Trương Công Toàn hiện là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, tọa lạc tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông.
Trong một buổi sáng đầu mùa thu, khi tiếp chúng tôi tại cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, ông Toàn vui vẻ chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình.
"Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đắk R’lấp, nên có tình cảm sâu đậm với cây cà phê. Sau khi hoàn thành học phổ thông, tôi trở về làm rẫy cùng gia đình. Tuổi đôi mươi, tôi và gia đình đã bắt tay vào việc đào đất, cuốc cỏ và trồng cà phê. Cứ chăm sóc tỉ mỉ, vườn cà phê ngày một xanh tốt và tôi ngày càng mê cây trồng này".
Hiện nay, ông Toàn đã 56 tuổi và mái tóc đã điểm bạc, nhưng những kỷ niệm về tuổi trẻ với tình yêu đối với cây cà phê vẫn còn tươi mới trong trí nhớ của ông.
Ông Toàn chia sẻ: "Mình phải có đam mê mới có thể gắn bó lâu dài!".
Theo ông Toàn, ban đầu ông làm việc cùng gia đình, sau đó tích lũy và mở rộng kinh doanh. Ông khởi nghiệp vào năm 1994 với hình thức hộ kinh doanh cá thể. Đến năm 2005, ông thành lập doanh nghiệp với tên gọi Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng.
Sau 40 năm gắn bó với hạt cà phê, ông Toàn đã gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực này. Hiện tại, Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng liên kết với nông dân tại các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức và TP. Gia Nghĩa để sản xuất cà phê trên diện tích 2.000ha đạt chứng nhận cà phê bền vững.
Đặc biệt, vào năm 2022, sản phẩm cà phê bột rang xay của Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng đã vinh dự được UBND tỉnh Đắk Nông chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Gầy dựng sản phẩm OCOP
Trong cuộc trò chuyện, ông Toàn thể hiện niềm vui khi chia sẻ rằng, vào tháng 7/2021, sản phẩm cà phê natural Toàn Hằng đã được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao.
Ông cho biết, sản phẩm đạt OCOP nên ngày càng được thị trường biết đến, được phân phối rộng rãi đến nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Người tiêu dùng thường mua sản phẩm về sử dụng, làm quà biếu hoặc kinh doanh và đều khen ngợi hương vị ổn định, chất lượng tốt, vị thơm dịu nhẹ.
"Để đạt được hương vị này, ngoài việc sản xuất khắt khe để có những hạt cà phê robusta nguyên chất, chúng tôi còn thêm một tỷ lệ cà phê arabica", ông Toàn chia sẻ.
Cà phê natural Toàn Hằng đã trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt của Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP Đắk Nông. Nguyên liệu của sản phẩm được sản xuất từ diện tích 10ha cà phê canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Theo ông Toàn, để đạt tiêu chuẩn cà phê bền vững, nông dân phải hạn chế sử dụng phân hóa học, phải áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Do đó, sản lượng cà phê thấp hơn so với sản xuất thông thường nhưng chất lượng sản phẩm lại cao hơn.
Quy trình sản xuất cà phê natural rất khắt khe. Nguyên liệu đầu vào phải là quả cà phê chín 100%. Sau khi hái, quả cà phê được phơi nguyên trái trong nhà kính từ 15 - 20 ngày để ủ hương.
Điều này giúp cà phê giữ được hương thơm nguyên bản. Vị cà phê khi sử dụng hơi đắng nhưng sau đó lại ngọt dịu, tạo cảm giác rất dễ chịu.
Thành công ban đầu của cà phê OCOP natural Toàn Hằng không thể không nhắc đến sự đồng hành của hơn 1.000 nông dân. Ông Đào Vũ, một trong những đối tác lâu năm của Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng cho biết, ông liên kết với công ty từ khi còn thanh niên và đến nay đã 27 năm. Dù giá trị của nhiều cây trồng khác có cao hơn, nhưng cà phê vẫn mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình ông. Hiện gia đình ông có 2.000 cây cà phê, mỗi năm thu hoạch khoảng 7 tấn nhân. Nhờ cà phê OCOP, kinh tế gia đình ông đã vững chắc và nhà cửa ngày càng khang trang.
Dù đã đạt những thành công, nhưng ông Toàn cũng trăn trở về tình hình sản xuất cà phê. Theo ông Toàn, giá cà phê hiện nay biến động mạnh và chưa có sự ổn định.
"Dù cà phê OCOP của chúng tôi có giá trị cao hơn nhiều so với cà phê thông thường, nhưng đầu ra vẫn khó khăn. Điều này làm lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp chưa được bảo đảm", ông Toàn chia sẻ.
Doanh nhân Trương Công Toàn là một trong những người tiên phong trong việc xuất khẩu cà phê Đắk Nông ra thế giới. Mỗi năm, Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng cung cấp khoảng 20.000 tấn cà phê cho các tập đoàn trong nước và xuất khẩu khoảng 3.000 tấn.
"Từ năm 2016, chúng tôi bắt đầu xuất khẩu cà phê trực tiếp sang Đức, sau đó là Anh và Hà Lan. Chúng tôi đang đẩy mạnh liên kết để sản xuất cà phê chất lượng cao, viết nên câu chuyện đẹp về cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế", ông Toàn chia sẻ.
Với chiến lược dài hạn, doanh nhân Trương Công Toàn tin tưởng rằng, sản phẩm OCOP sẽ được thị trường công nhận rõ ràng hơn. Ông hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, tăng sản lượng và sản phẩm cà phê sẽ đạt hạng 4 sao để đẩy mạnh xuất khẩu.
Chia tay doanh nhân tâm huyết với vùng đất Đắk Nông và hạt cà phê natural, chúng tôi kỳ vọng ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, cống hiến và góp phần khẳng định vị thế của cà phê Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.