Hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính

Đức Hùng-Gia Bình| 15/04/2016 13:36

Mỗi độ tháng Ba (âm lịch), cùng với người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài, các thế hệ con cháu quê hương Phú Thọ trên đất Đắk Nông nói riêng, người dân Đắk Nông nói chung lại hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với tấm lòng thành kính.

ADQuảng cáo

Thực hiện nghi lễ quốc gia dâng hương tại Đền Hùng trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2015. Ảnh: Phan Tuấn

Đã trở thành truyền thống, từ năm 2000 đến nay, cứ trước ngày Giỗ Tổ một ngày, Hội đồng hương Phú Thọ lại quần tụ về xã Đắk Búk So lập bàn thờ, trang trí hội trường, chuẩn bị hoa quả, nhang đèn, bánh chưng, bánh dày để làm lễ Giỗ Tổ một cách trang nghiêm, thành kính. Năm nay, ngoài phần lễ, Hội đồng hương tổ chức thi đấu thể thao từ ngày 8 đến 10/3 (âm lịch), để con cháu có dịp giao lưu vui chơi với nhau trong dịp Giỗ Tổ.

Ông Bùi Văn Lâm – Trưởng Hội đồng hương Phú Thọ tại Đắk Búk So cho biết: “Mặc dù xa quê, nhưng năm nào gần 90 hội viên đang sinh sống rải rác ở các xã trên địa tỉnh, cứ dịp Giỗ Tổ mọi người lại tự giác tề tựu về xã Đắk Búk So, lập bàn thờ tưởng niệm vua Hùng để dâng hương. Ngày Giỗ Tổ vua Hùng, đối với những người xa quê còn là dịp để hàn huyên tâm sự, hỏi han nhau những vui buồn trong công việc, cuộc sống ở vùng đất lập nghiệp, thông tin về quê nhà”.

Hội đồng hương Phú Thọ ở Đắk Nông có trên 1.000 hội viên duy trì từ nhiều năm nay. Các thành viên trong hội thường xuyên giúp đỡ nhau trong kinh tế, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất, những người con Phú Thọ tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn chú trọng thực hiện nhiều hoạt động mang ý nghĩa xã hội như phong trào khuyến học khuyến tài, nhân đạo từ thiện, xây dựng đời sống văn hóa… góp phần dấy lên niềm tự hào dân tộc, phát huy bản chất tốt đẹp của những người con được sinh ra trên Ðất Tổ.

Trong ngày Giỗ Tổ, trước bàn thờ người đại diện hội đồng hương sẽ báo cáo tình hình hoạt động của hội đồng hương trong năm qua; nêu gương những hội viên làm kinh tế giỏi; những hoạt động đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ cho những trường hợp hội viên có hoàn cảnh khó khăn đột xuất... Nhiều hội viên thành đạt, làm kinh tế giỏi, nhiều người trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Điển hình như: Hộ gia đình ông Dương Xuân Trung, trú tại thôn 6, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) vào Đắk Nông với hai bàn tay trắng, đến nay ông đã có 3 khu vườn 15 ha đất trồng tiêu, cà phê, thu nhập hằng năm hàng tỷ đồng.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Chất, trú tại  thôn 6 vào khởi nghiệp chỉ chưa đầy 1 ha đất, hiện ông có khoảng 22 ha gồm cà phê, tiêu, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Từ đó, các hội viên giúp đỡ nhau về giống, vốn, máy móc, phương tiện sản xuất, nhiều hội viên khó khăn giờ đã ổn định cuộc sống. Hàng năm, Hội đồng hương luôn quan tâm thăm hỏi các thành viên ốm đau, gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, nhằm động viên con cháu luôn cố gắng học tập, hướng về đất Tổ, Hội thường tổ chức gặp mặt con cháu là học sinh giỏi trong buổi lễ Giỗ Tổ để khen thưởng. Nhờ vậy, nhiều năm nay, con em Hội đồng hương Phú Thọ có nhiều tấm gương học giỏi.

Xây dựng Đền thờ các Vua Hùng tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức)

Theo Hội đồng hương Phú Thọ tại Đắk Nông thì để có nơi thờ cúng, tưởng nhớ các Vua Hùng tại Đắk Nông cũng như làm nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động, qua một thời gian vận động, quyên góp, Hội đang triển khai xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức), với kinh phí dự kiến khoảng 400 triệu đồng.

Đền thờ Vua Hùng được xây dựng trên diện tích khoảng 2 ha. Đến nay, Đền thờ đã hoàn thành mẫu thiết kế, triển khai thi công mặt bằng. Hội cũng đang làm các thủ tục hồ sơ, giấy tờ theo quy định; đồng thời vận động sự đóng góp xây dựng Đền thờ Vua Hùng trong con cháu đồng hương Phú Thọ nói riêng và các tổ chức, đơn vị, nhân dân trong, ngoài tỉnh nói chung.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Tương tự, cứ đến ngày 10/3 âm lịch là Hội đồng hương Đất Tổ (Phú Thọ) tại thị xã Gia Nghĩa đều tổ chức gặp mặt các thành viên để ôn lại truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của các vua Hùng cũng như chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình về quê hương, đất nước. Ngoài việc tổ chức cúng, dâng hương, hoa, bánh chưng, bánh dày tưởng nhớ các Vua Hùng thì mọi người cùng nhau báo cáo những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua.

Theo bà con tâm sự thì nhớ về quê cha, đất Tổ cũng chính là động lực để bà con người Phú Thọ ở Đắk Nông vươn lên trong cuộc sống, nhất là cống hiến công sức của mình xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Hội trưởng Hội đồng hương Đất Tổ cho biết: “Dù đi đâu, làm gì, chúng tôi luôn nhớ mình là con cháu của Ðất Tổ Hùng Vương. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng sống tốt và không ngừng rèn luyện để giữ vững truyền thống quý báu của cha ông”.

Còn ông Nguyễn Xuân Lộc ở phường Nghĩa Phú lại luôn nhắc nhở con cháu làm gì thì làm phải luôn nhớ về nguồn cội. Do đó, ngoài việc thường xuyên liên lạc, hỏi thăm tình hình ở quê nhà thì hàng năm, ông đều sắp xếp thời gian để về thăm quê, nhất là những ngày đúng lễ 10/3.

Với gia đình ông Nguyễn Xuân Lộc ở phường Nghĩa Phú thì mỗi bức thư, điện tín từ quê nhà luôn được ông nâng niu, theo dõi. Ảnh: M.H

Ông Lộc cho biết: “Vẫn biết ở đâu cũng là quê hương cả nhưng tình cảm thiêng liêng gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên thật không bao giờ nguôi trong tôi. Vì vậy, mỗi khi có dịp thì tôi lại cùng các thành viên trong gia đình sắp xếp công việc về thăm quê hương. Dẫn các con đi thăm một số di tích ở Đền Hùng, tôi luôn nhắc nhở con cái của mình phải luôn tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng, Bác Hồ cũng như những bậc tiền nhân đã cống hiến công sức, trí lực cho nền độc lập của dân tộc để con cháu luôn tự hào về quê hương, đất nước mình và sống tốt hơn”.

Không riêng những người con Phú Thọ sinh sống trên mảnh đất Đắk Nông, mà cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3, mỗi người dân Đắk Nông luôn hướng tấm lòng thành kính, tưởng nhớ đến công ơn dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng.

Bà Đinh Thị Thì ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Ảnh: Mỹ Hằng

Vừa soạn sửa lễ vật, mâm cơm để kính dâng lên các Vua Hùng, bà Đinh Thị Thì ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia cho biết: “Công lao của các Vua Hùng rất to lớn nên con cháu sau này cần phải ghi nhớ và sống tốt hơn. Việc tưởng nhớ vua Hùng xuất phát từ cái tâm, cái tình của con người đối với cội nguồn dân tộc. Nếu không có sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước thì tôi cũng như mọi người đều không có như ngày hôm nay. Vì vậy tôi muốn dâng lên tổ tiên nén nhang thơm và chút lòng thành”.

Có thể thấy, bằng lòng tự hào và niềm kính trọng của mình đối với các Vua Hùng cùng những thế hệ cha ông đi trước, những người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng trên địa bàn tỉnh vẫn luôn ghi nhớ, khắc ghi công ơn và dành lại chút ít thời gian để hướng về nguồn cội, quê cha đất Tổ.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO