Hướng tới chuẩn hóa các vùng trồng sầu riêng

Kim Ngân| 08/09/2022 09:08

Sầu riêng đang có nhiều ưu thế mang lại giá trị sản xuất cao ở Đắk Nông. Để giúp sản xuất sầu riêng phát triển ổn định, hiệu quả cao, hướng tới xuất khẩu bền vững, ngành chức năng đã triển khai giải pháp chuẩn hóa các vùng trồng loại cây trồng này.

ADQuảng cáo

Hiện nay, tổng diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt trên 4.500 ha, sản lượng đạt 29.014 tấn/vụ. Các vùng trồng sầu riêng tập trung nhiều nhất là Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Gia Nghĩa, với tổng diện tích chiếm gần 90%.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, sầu riêng đang phát triển theo hình thức quảng canh. Do vậy, năng suất bình quân mới đạt mức 7,6 tấn/ha/năm, thấp hơn từ 30 – 50% so với năng suất sầu riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long (bình quân 10 - 15  tấn/ha/năm).

Dù năng suất thấp, nhưng giá trị sản xuất sầu riêng trên 1 ha đất vẫn đạt 391 triệu đồng, cao gấp 2,8 lần so với mức bình quân chung của các loại cây trồng khác (140 triệu đồng/ha/năm).

Anh Nguyễn Văn Kiệp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ mang lại thu nhập cao

Do canh tác quảng canh, nên diện tích sầu riêng đạt chuẩn của tỉnh hiện còn thấp, mới chỉ có 155 ha. Trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 130 ha, sản lượng 1.570 tấn. Còn lại 25 ha được áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ.

Những diện tích sầu riêng đạt chuẩn đều nằm trong vùng trồng thí điểm của ngành Nông nghiệp. Do đó, phần lớn diện tích sầu riêng của tỉnh hiện đều được người dân sản xuất theo các quy trình riêng lẻ, thiếu đồng nhất về các tiêu chuẩn chất lượng.

Qua thực tế sản xuất, sầu riêng là loại cây trồng khó chăm sóc. Từ kết quả kiểm tra của Sở NN – PTNT cho thấy, hiện có 3,25% diện tích sầu riêng của tỉnh bị bệnh, dịch hại.

Tại một số huyện, tỷ lệ vườn sầu riêng bị hỏng do dịch bệnh xuất hiện nhiều, nhưng hiện chưa có các giải pháp phòng ngừa, xử lý. Theo bà con nông dân, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sầu riêng nhiễm bệnh là do cây giống kém chất lượng.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Khâu chăm sóc sầu riêng tại nhiều hộ gia đình còn thiếu bài bản, khoa học. Đây cũng được coi là một trong những vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển cây sầu riêng tỉnh Đắk Nông.

Nhiều nhà vườn chú trọng chuẩn hóa vườn sầu riêng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ

Bên cạnh năng suất thấp, giá bán sầu riêng nguyên liệu cũng đang là một vấn đề lớn. Theo các nhà vườn, sản lượng sầu riêng trong vụ luôn được thương lái thu mua 100%, luôn trong tình trạng khan hiếm nguyên liệu.

Tuy nhiên, biên độ biến động giá qua các năm có thể ở mức 300%. Mức giá sầu riêng trung bình trong năm 2022 đạt 43 triệu đồng/tấn, song có những thời điểm tăng lên 60 triệu đồng/tấn.

Quả sầu riêng trong điều kiện thời tiết bình thường, bằng phương pháp thủ công chỉ có thể bảo quản dưới 15 ngày. Vì vậy, nếu giá biến động lớn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của hộ trồng sầu riêng.

Hiện nay, sầu riêng đang phát triển khá mạnh tại các huyện, thành phố. Điều này cũng giúp các địa phương có nhiều triển vọng để phát triển thành các vùng trồng sầu riêng tập trung phục vụ xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, để cây sầu riêng phát triển ổn định, hình thành được các vùng trồng bền vững, ngành Nông nghiệp đã triển khai các đề tài nghiên cứu về kỹ thuật chăm sóc, bảo quản sản phẩm, tìm kiếm thị trường...

Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã vận động nông dân chuẩn hóa các vườn sầu riêng. Ngành Nông nghiệp cũng đẩy mạnh các kênh tuyên truyền để người trồng sầu riêng ý thức được việc xây dựng mã vùng trồng.

Ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân đi sâu vào thực hành sản xuất sầu riêng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu...

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới chuẩn hóa các vùng trồng sầu riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO