Hội nghị gặp gỡ Địa phương - Ngoại giao đoàn khu vực Tây Nguyên: Hiến kế để các tỉnh Tây Nguyên phát huy lợi thế so sánh, khai thác tiềm năng

Đức Diệu| 09/06/2016 16:06

Ngày 9/6, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị gặp gỡ Địa phương-Ngoại giao đoàn khu vực Tây Nguyên nhằm chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư trong phát triển kinh tế toàn khu vực.

Các ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên cùng hơn 20 đoàn cán bộ gồm đại sứ, tổng lãnh sự, trưởng đại diện tổ chức quốc tế, cán bộ phụ trách ngoại giao hiệp hội doanh nhân từ các nước  châu Á, châu Âu , châu Mỹ, châu Phi…đã tới dự.

Đồng chí Trần Xuân Hải, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông tham gia phiên thảo luận 1 với Chủ đề “ Tiềm năng liên kết vùng Tây Nguyên và nâng cao sức cạnh tranh của vùng”

Hội nghị được chia ra 3 phiên thảo luận gồm: Phiên 1 với Chủ đề “Tiềm năng liên kết kinh tế vùng Tây Nguyên và nâng cao sức cạnh tranh của vùng”; Phiên 2 với Chủ đề “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm”; Phiên 3 với Chủ đề “Phát triển du lịch bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa vùng Tây Nguyên”.

Tại mỗi phiên thảo luận, lãnh đạo các tỉnh, cơ quan quốc tế đã đi sâu nêu lên những tiềm năng, lợi thế cũng như những thử thách, hạn chế trong phát triển các lĩnh vực tại khu vực Tây Nguyên. Các ý kiến đều cho rằng: Tây Nguyên có một vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, tiềm năng về mở rộng vành đai phát triển ra các tỉnh, thành, các nước rất cao. Đặc biệt, với 2 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất đỏ ba zan và đất xám cộng với ưu thế về rừng đang là điều kiện thuận lợi để phát triển nông-lâm nghiệp theo hướng chuyên sâu.

Hiện khu vực Tây Nguyên đang cung cấp một lượng lớn các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cao su… cho thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Tây Nguyên cũng đang được nhiều nước biết đến với một tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng. Hiện các tỉnh trong khu vực đang sở hữu chế độ khí hậu khá thuận lợi, cộng với 13 vườn quốc gia, khu bảo tồn, hệ thống sông, suối, với các thác nước hùng vĩ và nền văn hóa đa sắc tộc chính là lợi thế so sánh lớn để phát triển du lịch.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đề xuất một số giải pháp trong thu hút đầu tư vào Tây Nguyên

Tuy nhiên, các đại biểu, nhất là đại biểu đến từ nước ngoài cũng đã chỉ rõ những hạn chế, hiến kế để các tỉnh Tây Nguyên phát huy lợi thế so sánh, khai thác tiềm năng, phục vụ cho mục tiêu phát triển. Trước hết, nhìn một cách tổng quát, khu vực Tây Nguyên đang bị hạn chế bởi hệ thống hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ dẫn đến mức độ lưu thông hàng hóa chậm, giá thành cao, chưa hấp dẫn nhà đầu tư các nước.

Bên cạnh đó, nội vùng Tây Nguyên cũng còn thiếu tính liên kết về chính sách, chia sẻ lợi thế so sánh mà đang phát triển theo dạng tiểu vùng nhỏ lẻ, mang tính đơn độc. Chính vì vậy, sức cạnh tranh của hàng hóa, vai trò quảng bá và thu hút đầu tư vào vùng Tây Nguyên bị hạn chế.

Một số ý kiến cho rằng, do các tỉnh Tây Nguyên chưa phát huy tốt các chuỗi giá trị mà thiên về “chặt khúc, ăn xổi” để phát triển nhanh theo chiều rộng chính là mối lo ngại lớn nhất về một tương lai phát triển thiếu tính bền vững.

Sự thiếu tính liên kết, quảng bá còn thể hiện rõ trong khai thác tiềm năng du lịch toàn khu vực. Vì vậy, tăng cường liên kết vùng, phát huy tốt các chuỗi giá trị và làm tốt công tác quảng bá chính là những nội dung cấp bách mà các tỉnh Tây Nguyên cần xúc tiến trong thời kỳ Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Các đoàn quốc tế tham quan, tìm hiểu gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đắk Nông

Ngoài tham gia các phiên thảo luận, bên lề hội nghị, các đoàn công tác cũng đã có những phiên gặp gỡ song phương để trao đổi sâu thêm một số nội dung đáng quan tâm; tham quan các gian hàng trưng bày những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các tỉnh. Theo chương trình, ngày 10/6, các đoàn quốc tế sẽ có buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông tại thị xã Gia Nghĩa và thăm Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Đắk Song.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị gặp gỡ Địa phương - Ngoại giao đoàn khu vực Tây Nguyên: Hiến kế để các tỉnh Tây Nguyên phát huy lợi thế so sánh, khai thác tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO