Hoạt động khám, chữa bệnh tư nhân: Cần chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý

Hoa Lý| 23/02/2017 09:47

Sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân đã góp phần đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của người dân. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng đang bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến những quy định về điều kiện kinh doanh, hành nghề, quy định về khám, chữa bệnh...

ADQuảng cáo

Sôi động dịch vụ khám, chữa bệnh tư nhân

Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có hơn 160 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tư nhân được cấp phép hoạt động. Số lượng các cơ sở KCB tư nhân có xu hướng tăng theo từng năm. Trung bình mỗi năm, Sở Y tế cấp mới giấy phép hoạt động cho khoảng 30-40 cơ sở hành nghề y tư nhân.

Ở thị xã Gia Nghĩa, dọc theo tuyến đường Hùng Vương, ở phường Nghĩa Trung chưa đầy 1 km, nhưng tập trung rất nhiều phòng khám tư nhân, bao gồm cả phòng khám đa khoa và nhiều phòng khám chuyên khoa.

Đường Hùng Vương ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) tập trung nhiều cơ sở KCB tư nhân

Thực tế cho thấy, mặc dù giá dịch vụ y tế cao hơn so với bệnh viện công, nhưng người bệnh được đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, các phòng khám tư nhân được nhiều người ưu tiên lựa chọn, nhất là đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả.

Theo Sở Y tế thì mấy năm gần đây, các phòng khám tư nhân có xu hướng chuyển dịch từ khám chuyên khoa sang đa khoa, giống như một bệnh viện thu nhỏ. Tại đây, chủ cơ sở đứng tên trưởng phòng khám, hợp tác với các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng để tổ chức khám đa khoa, thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, nội soi, điện tim, X-quang... Các kết quả khám, xét nghiệm, siêu âm, X-quang… do cơ sở KCB tư nhân thực hiện đều có giá trị pháp lý và bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện các kỹ thuật, cho ra kết quả chẩn đoán đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bộc lộ nhiều bất cập

Không thể phủ nhận rằng, hệ thống KCB tư nhân đã góp phần không nhỏ trong công tác KCB cho người dân, cũng như “giảm tải” cho các bệnh viện công lập. Nhiều cơ sở KCB tư nhân đã ứng dụng kỹ thuật cao, cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Y tế thì không phải cơ sở nào cũng chấp hành tốt các quy định của Nhà nước. Một số cơ sở chưa bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng KCB chưa cao. Một bộ phận y, bác sĩ chưa đặt sức khỏe người bệnh lên hàng đầu, chạy theo lợi nhuận, vừa khám bệnh vừa kê đơn bán thuốc, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.  

Qua tìm hiểu tại một số phòng khám Nhi trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, rất ít bác sĩ khám bệnh mà không kèm theo bán thuốc. Thực tế cho thấy, do bán thuốc “chui” nên giá thuốc, chất lượng thuốc tại các cơ sở KCB tư nhân không được kiểm soát chặt chẽ, khiến cho giá thuốc  bị “đội” lên rất nhiều.

Một bất cập nữa trong hoạt động của hệ thống KCB tư nhân đó là việc “loạn” giá dịch vụ y tế. Theo quy định của Nhà nước thì các cơ sở KCB tư nhân được quyền quyết định phí dịch vụ, nhưng phải niêm yết công khai giá dịch vụ để bệnh nhân và người nhà họ được biết và chịu sự quản lý, giám sát của Sở Y tế. Tuy nhiên, việc niêm yết giá dịch vụ tại một số cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng mỗi nơi thu mỗi kiểu.

Theo Sở Y tế thì riêng trong năm 2016, toàn tỉnh có 17 cơ sở hành nghề y, y học cổ truyền được kiểm tra thì có đến 10 cơ sở vi phạm, chiếm 71%. Các nội dung vi phạm chủ yếu như: không niêm yết giá dịch vụ y tế; không có chứng chỉ hành nghề; cơ sở hành nghề không có giấy phép hoạt động, biển hiệu không đúng quy định....

Công tác quản lý còn buông lỏng

Hàng năm, Sở Y tế đều chỉ đạo các địa phương thắt chặt công tác thanh, kiểm tra hoạt động KCB tư nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên. Số cơ sở được thanh, kiểm tra mỗi năm khá “khiêm tốn” nên việc phát hiện sai phạm còn hạn chế.

Ngoài ra, việc xử phạt đối với các cơ sở vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe. Nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện hầu như không bị xử phạt mà chủ yếu chỉ nhắc nhở, hoặc nếu có bị xử phạt thì số tiền phạt không đáng kể. Trong số 10 cơ sở phát hiện vi phạm trong năm 2016, có 4 cơ sở bị xử phạt với số tiền chỉ 750.000 đồng.

Theo Sở Y tế, sở dĩ như vậy là do hiện nay, số lượng các cơ sở hành nghề KCB tư nhân nhiều, ngày càng phát triển trên địa bàn rộng. Trong khi đó, lực lượng quản lý mỏng nên khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát.

Thực tế, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố liên tiếp phát hiện các sai phạm nghiêm trọng trong hành nghề y tư nhân, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh cũng như làm mất lòng tin của người dân. Do đó, việc chấn chỉnh, siết chặt hơn nữa công tác quản lý lĩnh vực KCB tư nhân là vấn đề luôn cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và các cơ quan chức năng cũng như sự giám sát chặt chẽ, phản ánh kịp thời của người bệnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động khám, chữa bệnh tư nhân: Cần chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO