Giải pháp thích ứng với giá phân bón tăng cao

Văn Tâm| 29/11/2021 10:09

Vụ đông xuân là thời điểm người dân tập trung sản xuất cây ngắn ngày và chăm sóc cây dài ngày sau thu hoạch. Tuy nhiên, do vật giá đầu vào, nhất là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng cao, khiến người dân phải thay đổi kế hoạch sản xuất.

ADQuảng cáo

Từ đầu năm đến nay, giá vật tư nông nghiệp không ngừng gia tăng. Trong đó, các loại phân bón như DAP, urê, NPK, kali… có loại tăng từ 30 – 40%. Thậm chí, có những loại tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá các loại thuốc BVTV cũng tăng bình quân vài chục phần trăm so với năm 2020...

Gia đình ông Trần Xuân Nghĩa, xã Nam Đà (Krông Nô) xuống giống hơn 3 sào lúa vụ đông xuân. Do giá phân bón tăng quá cao, nên đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của ông.

Theo ông Nghĩa, giá phân NPK 16-16-8 đang ở mức 890.000 đồng/bao; Urê 850.000 đồng/bao; phân DAP 1.200.000 đồng/bao; Kali đỏ 860.000 đồng/bao… Đa số các loại phân này đều tăng từ 300.000 – 400.000 đồng/bao so với đầu năm.

Với 3 sào lúa đông xuân, ông Nghĩa phải bón trên 250 kg phân các loại, với tổng chi phí gần 5 triệu đồng. Cùng với chi phí thuê máy cày, máy gặt đập cũng tăng theo, nên vụ mùa này ông dự tính chỉ “lấy công làm lãi”. Chính vì thế, ông đang tính toán cắt giảm bớt lượng phân bón để giảm chi phí.

Ông Trần Xuân Nghĩa, xã Nam Đà (Krông Nô) phun chế phẩm tạo dinh dưỡng để gieo sạ lúa vụ đông xuân

Vào thời điểm này, nhiều bà con đã thu hoạch xong cà phê và đang tiến hành bón phân, dùng thuốc ngừa nấm bệnh để phục hồi vườn cây. Bà con đều cần một lượng lớn phân bón, thuốc BVTV.

Với giá bán hiện tại, người dân sẽ mất chi phí gần 50 triệu đồng/ha cà phê. Do đó, nhiều hộ đã phải thay đổi kế hoạch chăm sóc vườn cây theo hướng cắt giảm lượng phân bón.

ADQuảng cáo

Thế nhưng, việc thay đổi này cũng mang đến nhiều lo ngại. Ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho hay: “Nếu gia đình tôi không đủ khả năng bón đầy đủ 3 – 4 đợt phân như mọi năm thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng suất vụ tới”.

Trước thực tế này, tại Hội nghị triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2021 – 2022 các tỉnh, thành khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên diễn ra mới đây, Bộ NN – PTNT đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ người dân.

Theo đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần có giải pháp hướng dẫn, khuyến khích người dân chủ động áp dụng các biện pháp bón phân cân đối, tiết kiệm, hiệu quả.

Ngành Nông nghiệp cũng cần tăng cường công tác khuyến nông, dự báo tình hình thời tiết, diễn biến sâu bệnh, giúp nông dân chủ động các phương án chăm sóc các loại cây trồng hiệu quả, tiết kiệm được chi phí.

Về phía người dân, cần tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: “1 giảm, 5 phải”; “3 giảm, 3 tăng”; tăng lượng phân hữu cơ vi sinh… để giảm thiểu chi phí sản xuất.

Trong đó, bà con cần chú trọng hơn đến “5 nguyên tắc vàng” trong bón phân. Đó là bón đúng loại phân, bón đúng nhu cầu sinh lý của cây, bón đúng nhu cầu sinh thái, bón đúng thời tiết, bón đúng phương pháp.

Theo Sở NN - PTNT, hiện đơn vị đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với tình thế hiện nay. Trước hết, ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân tiết kiệm, giảm chi phí đầu tư, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân linh hoạt áp dụng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để giúp vụ đông xuân đạt được kết quả tốt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thích ứng với giá phân bón tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO