Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhận thức chưa đi đôi với thực hành

Vũ Trang| 12/10/2015 10:40

Mặc dù các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đã nâng cao nhận thức, nhưng việc thay đổi hành vi vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) còn khá phổ biến.

ADQuảng cáo

NHIỀU LÝ DO ĐỂ VI PHẠM

Tại cơ sở tạp hóa Thanh Nhân ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, bảo quản không đúng quy định vẫn được bày bán cùng với nhiều mặt hàng khác. Khi được hỏi, bà Lê Kim Thanh, chủ cơ sở cho biết, một số thực phẩm cơ sở chỉ bán theo nhu cầu của khách hàng, chủ yếu là công nhân của Nhà máy Alumin.

Thực ra, cơ sở cũng không biết loại thực phẩm đó được chế biến từ nguyên liệu gì vì trên nhãn mác không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Còn đối với một số thực phẩm hết hạn sử dụng, thì chỉ giữ lại để đổi trả cơ sở sản xuất chứ không bán.

Đoàn kiểm tra VSATTP của tỉnh phát hiện nhiều vi phạm tại cơ sở Thanh Nhân (Đắk R’lấp)

Đây cũng là lý do mà nhiều chủ cơ sở đưa ra khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thực phẩm hết hạn sử dụng như cơ sở Đức Sang ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), cơ sở Vissan ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức)... Điều đáng nói, mặc dù là hàng đổi trả, nhưng những sản phẩm này đều được bày bán chung với những mặt hàng khác. Như vậy, nếu không bị kiểm tra, phát hiện, những thực phẩm này có thực sự để đổi trả hay sẽ tiếp tục bán cho người tiêu dùng ?

Không những vi phạm các quy định về VSATTP mà một số cơ sở còn có thái độ không hợp tác khi cơ quan chức năng yêu cầu xử phạt hành chính và tiêu hủy thực phẩm vi phạm. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Văn Khóa, chủ cơ sở tạp hóa Khóa Dinh ở xã Đắk Búk So. Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra vấn đề đảm bảo VSATTP, cơ sở có rất nhiều hàng hóa đã hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, khi được nhắc nhở, đề nghị xử phạt và tiêu hủy thực phẩm hết hạn sử dụng, chủ cơ sở không những không hợp tác mà còn có những thái độ tiêu cực. Ông Khóa cho biết: “Ở đây, việc vi phạm các quy định về VSATTP rất nhiều. Nếu muốn xử lý cơ sở của tôi thì trước hết phải xử lý hết những cơ sở khác đã” (?).  

Rõ ràng, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều nhận thức rõ vấn đề VSATTP nhưng vì lợi nhuận, họ vẫn vi phạm. Và khi bị kiểm tra, phát hiện, họ vẫn có rất nhiều lý do để giải thích cho những vi phạm của mình.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Tiêu hủy thực phẩm vi phạm chất lượng VSATTP tại cơ sở Đức Sang ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp)

VIỆC QUẢN LÝ CÒN THIẾU CHẶT CHẼ

Thực tế cho thấy, hiện nay, công tác quản lý chất lượng VSATTP tại một số địa phương vẫn chưa chặt chẽ. Một phần  là do phần lớn các sơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn là nhỏ lẻ, không tập trung. Hiện toàn tỉnh có 3.378 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì hơn 50% là cơ sở nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí, phương tiện, nhân lực của cơ quan chức năng cũng là một trong những khó khăn trong công tác đảm bảo VSATTP, nhất là ở tuyến cơ sở. Một số cán bộ chuyên trách về VSATTP tuyến cơ sở cho biết, việc phối hợp giữa các ngành trong vấn đề quản lý chất lượng VSATTP rất bất cập. Sở dĩ như vậy là do tại tuyến cơ sở, các ngành công thương, nông nghiệp hầu như đều không có chuyên trách riêng về lĩnh vực VSATTP.

Ngoài ra, việc xử phạt đối với các cơ sở vi phạm vẫn còn mang tính  “giơ cao đánh khẽ” nên chưa tạo được sự răn đe cần thiết. Nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện tại tuyến cơ sở hầu như không bị xử phạt mà chủ yếu chỉ nhắc nhở nên hiệu quả chưa cao. Chỉ tính riêng trong đợt thanh, kiểm tra VSATTP mới đây, qua thanh tra, kiểm tra 1.121 cơ sở thì có 257 cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, số cơ sở vi phạm bị xử lý chỉ là 28 cơ sở, chiếm 2,5%.

CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, QUYẾT LIỆT

Hiện nay, VSATTP là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm nhiều nhất. Thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân đối với vấn đề này. Thế nhưng, để thay đổi hành vi của cơ sở sản xuất, kinh doanh, thiết nghĩ các ngành chức năng cần phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thì vấn đề thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý vi phạm là việc cần phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hơn nữa. Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cần được chú trọng hơn để xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Việc đảm bảo VSATTP là một quá trình xuyên suốt từ khâu nuôi, trồng đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và cung ứng đến người tiêu dùng... Bất kỳ một giai đoạn nào trong quá trình trên đều có những tác động có thể dẫn đến tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn. Do đó, bên cạnh việc tham gia quản lý chất lượng VSATTP của các cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng cần phải nêu cao vai trò của mình trong việc giám sát, phát giác các hành vi vi phạm VSATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhận thức chưa đi đôi với thực hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO