Đắk R’lấp, công tác hòa giải ở cơ sở góp phần giữ gìn đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm

Ngọc Lê| 25/02/2016 09:26

Xác định công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, huyện Đắk R’lấp đã quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở.

ADQuảng cáo

Theo đó, hiện nay, ở tất cả 110 thôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều đã thành lập được tổ hòa giải, với đội ngũ hòa giải viên lên tới 736 người. Các tổ hòa giải trung bình có từ 3-5 thành viên, gồm đại diện Ban tự quản thôn, bon, tổ dân phố, các đoàn thể và những người có uy tín, được nhân dân tôn trọng tại địa phương.

Với tinh thần trách nhiệm, không vì lợi ích cá nhân, bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, đội ngũ hòa giải viên đã tích cực, chủ động, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc, góp phần đem lại đời sống ấm êm, hạnh phúc cho người dân.

Đơn cử như vào đầu tháng 1/2015, tổ hòa giải ở thôn 10, xã Kiến Thành tiếp nhận sự việc tranh chấp tài sản giữa ông D.C.K với gia đình ông N.V.H. Theo hồ sơ vụ việc, vào tháng 6/2/2012, gia đình ông N.V.H có vay ông D.C.K số tiền 20 triệu đồng và theo thỏa thuận đến 20/9/2012 phải trả hết số nợ gốc và tiền lãi.

Tuy nhiên, mãi từ đó đến đầu năm 2015, ông D.C.K vẫn chưa nhận được số tiền nêu trên, nên việc tranh chấp tài sản giữa hai bên cứ thế diễn ra trong suốt thời gian qua. Trước thực tế trên, tổ hòa giải thôn 10 đã phối hợp UBND xã Kiến Thành vào cuộc tổ chức gặp mặt các bên để nắm bắt sự việc và cùng nhau bàn bạc, thương lượng, giải quyết sự việc.

ADQuảng cáo

Trước sự phân tích vừa có tình, vừa có lý của tổ hòa giải, gia đình ông N.V.H đã trả hết số nợ cho ông D.C.K trước sự chứng kiến của các cấp chính quyền, góp phần giữ hòa khí xóm làng, bảo đảm trật tự trị an ở địa phương.

Không riêng gì vụ việc này, chỉ tính riêng trong năm 2015, các tổ hòa giải trên toàn huyện đã tiếp nhận 70 vụ việc, qua đó hòa giải thành công được 58 vụ việc cũng như hướng dẫn các đương sự đến các cấp thẩm quyền tiếp tục giải quyết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Bình, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đắk R’lấp cho biết: Ở cơ sở, mâu thuẫn chủ yếu xuất phát từ tranh chấp đất đai giáp ranh, hôn nhân gia đình, vay mượn tiền bạc... Vì vậy, các tổ hòa giải cơ sở không chỉ phải giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn nhất thời này mà còn giúp nhân dân hàn gắn tình làng, nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Do đó, những người làm công tác hòa giải rất dễ va chạm với quyền lợi của người dân, nên họ phải có cái tâm, trách nhiệm thì mới bám trụ được với công việc.

Điều đáng mừng đối với huyện Đắk R’lấp, thời gian qua, công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm nên đội ngũ làm công tác hòa giải không ngừng được củng cố cả về số lượng lẫn chất lượng. Qua đó, hoạt động hòa giải cơ sở từng bước đi vào chiều sâu, nền nếp, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư.

Cũng theo ông Bình thì hiện nay, các vụ việc, mâu thuẫn xảy ra ở cơ sở rất đa dạng nên đòi hỏi các hòa giải viên phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật mới linh động áp dụng được. Vì vậy, trong thời gian tới, để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả cao hơn, ngành tư pháp huyện sẽ tích cực tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, giúp đội ngũ làm công tác hòa giải nắm vững những văn bản pháp luật mới ban hành nhằm giải quyết tốt các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng,  xây dựng ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế – xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R’lấp, công tác hòa giải ở cơ sở góp phần giữ gìn đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO