Đắk R’lấp, các trường tiểu học tổ chức bán trú cho học sinh

Nguyễn Hiền| 18/12/2014 09:49

Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Đắk R’lấp còn chú trọng tổ chức bán trú cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

ADQuảng cáo

Điển hình như Trường tiểu học Ngô Gia Tự ở xã Đắk Ru hiện có 369 học sinh thì đã thực hiện bán trú cho 158 học sinh ở tất cả các khối lớp. Đặc biệt, được hưởng lợi từ Chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học giai đoạn 2010 - 2015” (SEQAP) nên phần lớn học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nhà ở xa và có hoàn cảnh khó khăn của trường được hỗ trợ các buổi ăn trưa. Đối với học sinh không thuộc diện hưởng lợi từ chương trình thì phụ huynh đóng góp mỗi ngày 15.000 đồng/em.

Một bữa ăn bán trú của học sinh Trường tiểu học Ngô Gia Tự

Chị Vũ Thị Hoàng, một phụ huynh ở thôn 6 tâm sự: “Nhà tôi ở cách trường gần 10 km, từ ngày trường tổ chức bán trú, con gái được ăn nghỉ tại trường, tôi cũng đỡ phải đưa đón nhiều, nên có thời gian để đi nương rẫy. Không những vậy, sức khỏe cháu cũng ổn định hơn, tăng cân đều và học có tiến bộ hơn trước đây rất nhiều”.

Theo bà Nguyễn Hoàng Yến Danh, Hiệu phó nhà trường thì do điều kiện về cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nên mãi đến năm 2012, trường mới mở rộng và ổn định được việc thực hiện bán trú cho học sinh. Điều đáng mừng là phụ huynh rất đồng tình, ủng hộ, cùng nhau đóng góp để đóng bàn ghế, mua chén bát, các vật dụng phục vụ cho bếp ăn. Hiện tại, trường có 2 bảo mẫu đã được tham gia các lớp tập huấn về các kỹ năng chế biến thực phẩm và có các chứng chỉ về sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Có thể nói, việc thực hiện bán trú rất có ý nghĩa đối với học sinh có nhà ở xa và có hoàn cảnh khó khăn khi học 2 buổi/ngày. Nhờ được học bán trú nên các em được ăn nghỉ trưa tại trường, không mất nhiều thời gian đi lại, các tiết học buổi chiều cũng phát huy được hiệu quả hơn. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng do nhà xa, hoàn cảnh khó khăn đã giảm rõ rệt so với những năm trước đây. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi hàng năm cũng dần tăng lên với khoảng trên 70%.

ADQuảng cáo

Tương tự, Trường tiểu học Bùi Thị Xuân ở thị trấn Kiến Đức cũng đã tổ chức bán trú cho 195/757 học sinh có nhà ở xa và có hoàn cảnh khó khăn từ nhiều năm nay. Để thực hiện bán trú, nhà trường đã xây dựng được  bếp ăn một chiều theo quy định; còn các vật dụng như bàn, ghế, chén, dĩa, muỗng đều bằng Inox, sau mỗi bữa ăn được trụng nước sôi để khử trùng.

Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng ngày, các bảo mẫu thực hiện nghiêm việc lưu mẫu thức ăn; nhà trường ký hợp đồng cung cấp thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Nhờ thực hiện nghiêm túc các bước trong quá trình mua, chế biến thực phẩm nên nhà trường chưa để xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc thức ăn.

Theo bà Bùi Thị Huyền, Hiệu phó nhà trường thì để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho học sinh, thực đơn được thay đổi thường xuyên, sao cho phù hợp với từng mùa. Trong một bữa ăn luôn đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm như: chất bột, đạm, chất béo và các vitamin, khoáng chất cần thiết, nên hầu như không có học sinh nào bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì.

Việc thực hiện bán trú đã góp phần tích cực trong việc giúp nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục một cách hiệu quả. Hàng năm, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi chiếm trên 84%. Nhiều năm trở lại đây hầu như không có học sinh bỏ học giữa chừng do nhà xa hay có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông Bùi Thanh Long, Phó Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk R’lấp thì trên địa bàn huyện hiện có 10/23 trường tiểu học đã thực hiện được bán trú cho học sinh. Những trường học thực hiện bán trú đều có tỷ lệ học sinh khá, giỏi hàng năm cao hơn so với các trường học khác. Hiện tại, hầu như 100% trường đều đã tổ chức học 2 buổi/ngày nên nhu cầu bán trú của học sinh rất cao.

Tuy nhiên, do còn thiếu thốn về cơ sở vật chất nên nhiều trường chưa thực hiện được việc bán trú cho học sinh. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, ngành Giáo dục huyện cũng đang tích cực tham mưu đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu thực hiện bán trú của các trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bậc học một cách toàn diện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R’lấp, các trường tiểu học tổ chức bán trú cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO