Công tác trợ giúp pháp lý lưu động: Góp phần đưa pháp luật đến với người dân vùng sâu, vùng xa

Phan Tuấn| 04/06/2014 09:24

Theo thống kê của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh (Sở Tư pháp), từ đầu năm 2014 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 30 đợt trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động về vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn về kinh tế - xã hội.

ADQuảng cáo

Trong đó, có trên 1.650 lượt người dân đến dự, được nghe các chuyên đề về pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày và 277 trường hợp được tư vấn trực tiếp những vướng mắc về các lĩnh vực pháp luật.

Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động ở huyện Đắk Glong

Điển hình như, từ ngày 22-28/5 vừa qua, sau khi khảo sát nhu cầu thiết thực của người dân, Trung tâm đã tổ chức TGPL lưu động ở hai xã Nâm N’jang và Thuận Hà (Đắk Song). Tại buổi TGPL, đông đảo người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách… đã được các cán bộ tư vấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật, nói chuyện chuyên đề  về một số nội dung Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Dân sự…

Qua thực tế cho thấy, nhờ chuẩn bị chu đáo từ khâu khảo sát cho đến tuyên truyền, nên công tác TGPL lưu động đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho những người dân ở đây giải quyết những thắc mắc về pháp lý.

Mặt khác, thông qua công tác TGPL, các cán bộ làm công tác tư vấn còn nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu tư vấn của người dân để kịp thời phản ánh với với chính quyền các cấp có biện pháp khắc phục. Từ đó, người dân nâng cao tính chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật, tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật tại nơi mình sinh sống, làm việc.

Có thể nói, để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian qua, Trung tâm TGPL tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương làm tốt công tác TGPL lưu động cho đông đảo người dân thuộc đối tượng được tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Hoạt động TGPL lưu động tập trung hướng đến vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng không có khả năng về kinh tế, phương tiện đi lại, giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người dân. Qua đánh giá, hoạt động truyền thông, TGPL ngày càng được đổi mới, đa dạng hóa về hình thức, nâng cao tính hiệu quả, giải quyết nhanh những vụ việc phát sinh ở trong dân.

Qua đó, góp phần tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo được sự tin cậy cho người dân trong việc tìm hiểu, giải quyết những vấn đề khúc mắc về mặt pháp luật.

Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh thì hiện nay, hoạt động TGPL đã đạt được nhiều kết quả, nhưng thực tế cũng còn gặp một số hạn chế, bất cập. Trong đó, đội ngũ cán bộ trợ giúp viên pháp lý còn ít; Một số thành viên trong Câu lạc bộ kiến thức pháp lý còn thiếu kỹ năng sinh hoạt cũng như kinh phí cho các cuộc TGPL lưu động còn khó khăn.

Bên cạnh đó, cùng với việc giao thông đi lại khó khăn thì rào cản ngôn ngữ các dân tộc, sự phối hợp của một số cơ quan, chính quyền địa phương trong công tác này còn chưa được thực hiện một cách chặt chẽ...

Để khắc phục tình trạng này, các cán bộ của Trung tâm đã phải vận dụng kinh nghiệm thực tế, giản lược các từ ngữ chuyên ngành, nội dung ngắn gọn, súc tích, để chuyển tải được những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân.

Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác TGPL lưu động xuống các thôn, bon, vùng sâu, vùng xa, biên giới… Đồng thời, các bảng thông tin TGPL ở trụ sở tiếp dân cũng sẽ được lắp đặt nhiều hơn để giúp nhiều người dân đến tìm hiểu pháp luật, nâng cao nhận thức,  góp phần giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác trợ giúp pháp lý lưu động: Góp phần đưa pháp luật đến với người dân vùng sâu, vùng xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO