Truyền thanh cơ sở - “cầu nối” đưa thông tin tới người dân

Thanh Hằng| 31/10/2022 10:32

Trước sự bùng nổ của nhiều loại hình báo chí, internet, người dân có thể tiếp cận thông tin bằng nhiều phương thức khác nhau. Tuy nhiên, ở một số vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, truyền thanh cơ sở vẫn là “cầu nối” đưa thông tin thiết thực tới người dân.

ADQuảng cáo

Đều đặn 4h30 sáng hàng ngày, ông Huỳnh Xuân Quang, cán bộ phụ trách Đài truyền thanh xã Thuận An (Đắk Mil) rời khỏi nhà để đến phòng làm việc. Là người phụ trách và gắn bó với Đài truyền thanh xã từ năm 2004 đến nay, gần như chưa ngày nào, thói quen, lịch trình ấy bị thay đổi.

Hàng ngày, công việc của ông Quang là tiếp sóng đài Trung ương và đài tỉnh, đồng thời xây dựng, biên tập thông báo của địa phương. Chính nhờ đó, người dân trên địa bàn xã Thuận An nắm bắt kịp thời những thông tin phục vụ đời sống, sinh hoạt, sản xuất.

Với đặc thù là xã biên giới, có đông đồng bào M’nông tại chỗ nên hệ thống truyền thanh của xã trở thành "cầu nối" giữa chính quyền và người dân.

Ông Quang chia sẻ: “Ngày nay có rất nhiều cách thức để tiếp cận với thông tin, nhưng loa phát thanh vẫn là một phần không thể thiếu đối với người dân nơi đây. Tiếng loa len lỏi vào những khu dân cư trong khung giờ quy định, giúp người dân chủ động, thuận tiện nắm bắt được thông tin hơn. Có loa phát thanh, những sự kiện quan trọng của địa phương đến với người dân nhanh và rộng rãi hơn”.

ADQuảng cáo

 Ông Huỳnh Xuân Quang nhiều năm gắn bó với công việc truyền thanh cơ sở

Tương tự, có thời gian dài phụ trách hoạt động Đài truyền thanh xã Quảng Phú (Krông Nô), chị Đỗ Thị Yến Phi, cán bộ UBND xã Quảng Phú cho rằng, hệ thống truyền thanh cơ sở hiện vẫn là kênh hữu hiệu, đưa thông tin tới gần với người dân. Nhất là đối với xã Quảng Phú có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống; trong đó nhiều nhất là đồng bào M’nông. Không chỉ tiếp sóng đài Trung ương,  Đài truyền thanh xã Quảng Phú còn thường xuyên tiếp sóng Chương trình phát thanh tiếng dân tộc của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Đắk Nông. Nhờ đó, những người dân trước đây hạn chế về tiếng Việt  nay có thể tiếp cận được những thông tin hữu ích, thiết thực. Đối với đồng bào Ê đê, Mông, mỗi khi có sự kiện lớn, xã Quảng Phú sử dụng loa di động, đi vào tận khu vực người dân sinh sống để tuyên truyền bằng tiếng của đồng bào.

“Nhờ có hệ thống loa của đài truyền thanh cơ sở, người dân có thể nắm được thông tin thời sự quốc tế, trong nước, địa phương; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những mô hình làm kinh tế hiệu quả, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt hay thông tin cảnh báo, thông báo của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng… Đặc biệt, thời điểm xảy ra dịch Covid-19, hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã phát đi nhiều thông tin hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống dịch”, chị Phi nói.

Ông Y Cam, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú đánh giá, trong thời gian qua, địa phương duy trì, sử dụng hiệu quả các cụm loa truyền thanh và loa di động.

“Người dân địa phương, nhất là người dân ở một số thôn, bon khó khăn tiếp cận thông tin qua hệ thống truyền thanh cơ sở đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. Từ đó, bà con áp dụng vào đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Có thể nói, truyền thanh cơ sở giúp cho công tác tuyên truyền, chỉ đạo điều hành, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân được đầy đủ, chính xác và kịp thời hơn. Đời sống bà con được cải thiện hơn, từng bước thoát khỏi nghèo hiệu quả”, ông Y Cam nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thanh cơ sở - “cầu nối” đưa thông tin tới người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO