Trường Phổ thông dân tộc nội trú Krông Nô: Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Nguyễn Hiền| 01/02/2012 10:54

Theo thầy giáo Nguyễn Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT huyện Krông Nô thì toàn trường hiện có 118 học sinh, trong đó phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ...

ADQuảng cáo

Theo thầy giáo Nguyễn Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT huyện Krông Nô thì toàn trường hiện có 118 học sinh, trong đó phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học thì nhà trường còn chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua mỗi tiết giảng, giáo viên thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, để các em tự kể lại những nét đẹp phong tục, tập quán  của dân tộc mình, vừa giới thiệu cho những bạn khác trong lớp được biết vừa thấy tự hào về truyền thống dân tộc. Đặc biệt, để tạo môi trường cho các em được thể hiện khả năng của mình, những năm qua, nhà trường đã thành lập được đội cồng chiêng, thu hút nhiều học sinh tham gia sinh hoạt. Hàng tuần, đội cồng chiêng tổ chức luyện tập vào buổi chiều các ngày thứ Hai và thứ Sáu. Nhà trường kết hợp với Phòng Văn hóa -Thông tin huyện để hướng dẫn cho học sinh cách đánh các bài chiêng. Và khi những bạn đã biết đánh cồng chiêng thành thạo lại tiếp tục hướng dẫn cho những bạn chưa biết. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có 12 em biết đánh cồng chiêng, qua các năm, đến nay toàn trường đã có đến hàng chục em biết đánh thành thạo các bài chiêng cơ bản. Không chỉ các bạn nam tham gia vào đội cồng chiêng mà các bạn nữ cũng rất hứng thú. Em H’Hên, học sinh lớp 9 cho biết: “Em rất tự hào là một trong 4 bạn nữ được tham gia vào đội cồng chiêng của trường. Mới ban đầu tập luyện rất khó nhưng dần dần khi bắt đầu biết đánh, em càng cảm thấy bị lôi cuốn, thu hút theo. Bây giờ, em có thể đánh thành thạo được các bài chiêng cơ bản. Cũng nhờ tham gia vào đội cồng chiêng của trường mà em thường xuyên được đi giao lưu, tham gia biểu diễn trong các ngày lễ kỷ niệm lớn của huyện”.

Lớp học tiếng M’nông của thầy và trò Trường PTDTNT huyện Krông Nô

ADQuảng cáo

Không chỉ duy trì hoạt động của đội cồng chiêng mà nhà trường còn tổ chức dạy tiếng M’nông cho học sinh. Thầy giáo Y Chung B’Đáp là người đảm nhận dạy tiếng M’nông cho biết: “Tôi đã từng được mời dạy tiếng M’nông cho cán bộ ở tỉnh và huyện. Bây giờ, dựa trên những giáo án đó, tôi biên soạn lại sao cho phù hợp để dạy cho các em, mỗi tuần 4 tiết. Vì học sinh của trường thuộc nhiều dân tộc khác nhau nên việc giảng dạy cũng phải tổ chức sao cho phù hợp để lôi cuốn được các em. Đối với những em là dân tộc M’nông thì chỉ dạy chữ vì hầu hết các em đều biết nói tiếng mẹ đẻ. Còn đối với những em thuộc dân tộc khác thì xem như đây là một môn “ngoại ngữ” mới nên khi dạy, giáo viên cũng cần phải kiên trì, nỗ lực hơn”.  Còn em Y Thiết cho biết: “Lâu nay, em biết nói tiếng mẹ đẻ, nhưng lại không biết đọc chữ của dân tộc mình. Việc học tiếng M’nông đã giúp ích cho em rất nhiều, như có thể đọc được những văn bản, các bài thơ, các phong tục, nghi lễ, các bài cồng chiêng bằng chữ viết của đồng bào mình”. Theo đánh giá của nhà trường, hiện nay hầu hết các học sinh từ lớp 8 trở lên đều có thể viết thành thạo chữ M’nông. Xếp loại cuối năm môn tiếng M’nông luôn có trên 30% em xếp loại giỏi, còn lại là khá và trung bình, không có loại yếu.

Có thể nói, các hoạt động như thành lập đội cồng chiêng, dạy tiếng M’nông… không chỉ góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn, phát huy các bản sắc dân tộc mà còn tạo được không khí thoải mái trong nhà trường, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hầu hết học sinh của trường khi tốt nghiệp đều được trang bị những kiến thức, hiểu biết nhất định về bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như những dân tộc anh em khác sinh sống trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Krông Nô: Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO