Triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ

Hồng Thoan thực hiện| 16/06/2016 09:59

Mùa mưa lũ đang đến gần, thời gian này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn công trình hồ đập. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã trao đổi với ông Trịnh Văn Tường, Phó Giám đốc Công ty vấn đề này.

ADQuảng cáo

PV: Ông có thể cho biết, công tác bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ năm nay đã được chuẩn bị như  thế nào?

Ông Trịnh Văn Tường: Năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều công trình hồ đập cạn nước. Để đảm bảo nước tưới, Công ty đã triển khai giải pháp là đắp gần 50 đập dâng, đập tạm, đập bổi tại các hệ thống suối nhỏ để tích nước chống hạn.

Vừa hết đợt cao điểm hạn thì mùa mưa lũ đến gần, do đó hiện nay Công ty đang chỉ đạo các chi nhánh tập trung tháo dỡ các đập dâng, đập tạm này. Công tác này đang được đẩy nhanh vì hầu hết sông suối đều có đặc điểm là độ dốc lớn, nếu để tồn tại kéo dài khi mưa lũ tới dồn dập sẽ tạo thành cái bẫy chết người. Việc đảm bảo an toàn hồ chứa trong năm nay trở thành một nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm hơn bởi theo dự báo mưa lũ sẽ diễn ra với mức độ cao hơn, thất thường hơn.

Cùng với đó, các chi nhánh theo dõi, cập nhật thường xuyên số liệu về khí tượng, thủy văn, báo cáo tình hình mực nước từng hồ theo định kỳ 1 lần/tháng đối với hồ chứa dưới 1 triệu m3 nước và 2 lần/tháng đối với hồ chứa trên 1 triệu m3 nước. Từ đây, đơn vị có những sự chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Nhân viên Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Krông Nô phát quang xung quanh công trình thủy lợi ở xã Đắk Nang để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ

PV: Kế hoạch đối với những công trình hư hỏng xuống cấp có nguy cơ gây mất an toàn như thế nào thưa ông?

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Ông Trịnh Văn Tường: Ngay trong mùa khô, đơn vị đã tiến hành các bước khảo sát, điều tra thực tế từng công trình với những hư hỏng, xuống cấp cụ thể. Hiện nay, Công ty đã lên phương án giải quyết cho từng vấn đề trên cơ sở ưu tiên các yếu tố như tính cấp bách, có vốn. Theo đó, công trình nào cần sửa chữa, tu bổ, thay mới, nâng cấp đều được tính đến gắn với phương án vận hành hồ vừa đảm bảo tích nước để phục vụ mùa khô, vừa phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất dân sinh vùng hạ du. 

Đơn vị cũng đã xây dựng dự toán kinh phí hàng năm, từng giai đoạn nhằm nâng cấp, sửa chữa các công trình có nguy cơ cao trong mùa mưa lũ cũng như các công trình thiết yếu để cấp nước, nâng cao diện tích tưới cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp quản lý điều hành, điều tiết hồ chứa đúng quy trình kỹ thuật.

Hiện nay, đơn vị đang quản lý 190 công trình, trong đó có 162 hồ chứa, 17 đập dâng, 5 hệ thống trạm bơm, 6 hệ thống  kênh tiêu úng. Trong đó, Công ty đang tập trung triển khai các công trình như xử lý tạm thời các bè mảng cỏ trong lòng hồ, tại các công trình trên địa bàn toàn tỉnh. Đơn vị còn đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang triển khai dở dang, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa hoặc không bị ảnh hưởng trong mùa mưa lũ 2016. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện 61 công trình, trong đó đã hoàn thiện đưa vào sử dụng 45 công trình, đang thi công 16 công trình với kinh phí 48,6 tỷ đồng.

PV: Cùng với sự chủ động của đơn vị thì việc bảo đảm an toàn hồ chứa cũng cần có sự phối hợp với các bên liên quan như thế nào?

Ông Trịnh Văn Tường:  An toàn công trình hồ chứa là một vấn đề lớn, bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị thì rất cần sự phối hợp, vào cuộc của ngành chức năng, địa phương. Theo đó, Công ty cũng đã đẩy mạnh sự phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp cho cộng đồng dân cư nắm rõ các nguy cơ có thể gây mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Đối với những hộ nằm trong vùng dễ ảnh hưởng, nguy cơ cao thì cần thực hiện các biện pháp phòng tránh ngay từ đầu, kể cả biện pháp di dời nhà cửa, tài sản, nhất là đối với vùng sau các nhà máy thủy điện, nhất là đối với thủy điện Buôn Kốp để đưa ra lịch xả, dung lượng xả phù hợp.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn để kịp thời điều chỉnh lưu lượng xả lũ, xả đón, xả muộn nhằm giảm thiểu ngập lụt vùng sau nhà máy và đảm bảo an toàn cho công trình...; đặc biệt, chú ý tới việc tích nước để phục vụ cho việc chống hạn ở mùa khô năm  2017.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO