Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội
Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Đắk Nông lần thứ IV đã xác định khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”, xem đây là giải pháp để tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”.
Tập trung khâu đột phá
Bám sát vào khâu đột phá, cùng với xây dựng kế hoạch triển khai, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp chú trọng đẩy mạnh khai thác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác hội. Qua đó, các cấp hội ngày càng chú trọng khai thác hiệu quả các mặt tích cực của công nghệ, đặc biệt là ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook, trang thông tin điện tử để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, nắm bắt, trao đổi thông tin và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
Hội LHPN tỉnh đã phát động cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội” đến các cấp hội. Kết quả có 15 sản phẩm tham gia dự thi vòng loại cấp tỉnh và lựa chọn được 3 sản phẩm tham gia dự thi vòng loại cấp Trung ương. Hội LHPN tỉnh thực hiện xử lý văn bản hành chính trên môi trường mạng đạt 80%, ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, chỉ đạo điều hành hoạt động trong hệ thống hội. Hội LHPN cấp huyện và cấp xã đang phấn đấu đồng bộ triển khai xử lý văn bản trên môi trường mạng.
Hội LHPN tỉnh Đắk Nông và các huyện Krông Nô, Tuy Đức, Đắk R'lấp đang duy trì hiệu quả trang thông tin điện tử, trang fanpage với số lượt người theo dõi, truy cập ngày càng tăng, phát huy được vai trò thông tin, tuyên truyền đến đông đảo hội viên, phụ nữ.
Mô hình tập hợp phụ nữ trên không gian mạng được nhân rộng, với việc lấy hội viên, phụ nữ làm trung tâm, cán bộ hội làm nòng cốt trong chỉ đạo, thực hiện ứng dụng CNTT. Các cấp hội có sự đổi mới mạnh mẽ, nhất là hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác hội và phong trào phụ nữ. Đến nay, 100% cán bộ hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản như quản lý cán bộ, hội viên, báo cáo thống kê.
Bà Vi Thị Lệ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk R’lấp cho biết: Từ thực tế khó khăn trước đây, các cấp hội trên địa bàn đã nỗ lực ứng dụng CNTT, khai thác các nền tảng mạng xã hội để tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt. Đến nay, các cơ sở hội xây dựng, sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông như: các nhóm zalo, facebook để tập hợp phụ nữ trên không gian mạng.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông cho biết: Để chị em nâng cao nhận thức, tích cực tham gia sinh hoạt hội, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao nâng cao được quyền năng về kinh tế, phát huy vai trò, vị thế trong xã hội. Vì vậy, hội luôn phối hợp liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ.
Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp hội đã tích cực triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua các hoạt động hỗ trợ vốn, ngày công, con giống, sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo. Hiện nay, các cấp hội cơ sở đã tổ chức rà soát và đăng ký hỗ trợ giúp đỡ 355 hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo là chủ hộ thoát nghèo bền vững.
Hội LHPN tỉnh đang tập trung nâng cao hiệu quả việc triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, bằng việc kết nối, mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với chú trọng hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết và hỗ trợ phụ nữ kết nối tiêu thụ sản phẩm, các cấp hội vận động các nữ doanh nhân phát huy vai trò, phát triển kinh doanh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ.
Hoạt động ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hiện dư nợ đạt trên 1.301 tỷ đồng, với 20.691 hộ vay. Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế cũng dư nợ đạt trên 43,508 tỷ đồng, với 1.910 thành viên được vay để đầu tư làm ăn. Chị em còn tham gia gửi tiết kiệm được 59,341 tỷ đồng để làm vốn đối ứng, giúp nhau làm ăn.
Bà Phạm Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuy Đức cho biết: Trong nửa nhiệm kỳ qua, các cấp hội ở huyện Tuy Đức đã giúp 96 hộ nghèo, hộ cận nghèo có phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần thêm phần phong phú nên hội viên tham gia vào tổ chức hội ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng, tăng 4.068 hội viên so với đầu nhiệm kỳ. Hiện nay, Hội LHPN huyện Tuy Đức quản lý 10.589 hội viên/17.253 phụ nữ rộng rãi, thực sự là lực lượng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tiếp tục đổi mới hình thức tập hợp hội viên
Bằng những giải pháp có tính đột phá, qua nửa nhiệm kỳ, số lượng hội viên toàn tỉnh tăng thêm là 26.942 chị; trong đó hội viên đương nhiên 23.673 chị (tăng do rà soát số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đi làm ăn xa) và hội viên địa bàn dân cư được phát triển mới là 3.269 chị. Qua đó, nâng tổng số hội viên trên địa bàn tỉnh lên 110.850 chị/190.397 phụ nữ 18 tuổi trở lên có mặt thường xuyên tại địa bàn, đạt 58,6% chỉ tiêu nghị quyết. Toàn tỉnh hiện có 49/71 cơ sở hội có tỷ lệ thu hút hội viên trên 60%, đạt 69% chỉ tiêu nghị quyết.
Bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông cho biết: Với những kết quả đạt được, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Hội LHPN tỉnh Đắk Nông xác định tiếp tục xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong đó, các cấp hội bám sát phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội” để mở rộng các loại hình tập hợp, đa dạng nội dung hoạt động, đáp ứng nhu cầu nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tự nguyện tham gia tổ chức hội.
Cùng với đổi mới hình thức thu hút, quản lý hội viên phù hợp với từng đối tượng phụ nữ và địa bàn dân cư, các cấp hội tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ cơ sở khó khăn trong công tác tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên. Việc ứng dụng CNTT tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, nhất là trong thông tin báo cáo, quản lý hội viên, phần mềm quản lý văn bản và điều hành từ tỉnh đến cơ sở, kết nối mạng xã hội an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tình hình mới.
Bên cạnh đó, để thu hút phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hội, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội tập trung vào những giải pháp phù hợp với điều kiện sống, văn hóa và nhu cầu cụ thể của hội viên, phụ nữ ở từng địa bàn dân cư.
Cụ thể, thông qua các buổi gặp mặt, hội thảo, các cấp hội cần giới thiệu rõ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia hội, cũng như lợi ích mà chị em có thể nhận được như hỗ trợ phát triển kinh tế, học nghề, tiếp cận chính sách xã hội.
Công tác tuyên truyền, vận động cần sử dụng ngôn ngữ và cách truyền đạt phù hợp như đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, bên cạnh tiếp cận bằng ngôn ngữ địa phương thì cần có thêm các tài liệu, thông tin bằng tiếng dân tộc thiểu số và tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng để giúp bà con dễ hiểu, dễ nghe.
Quan trọng nữa là các cấp hội tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực với đời sống chị em như các chương trình đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn kinh doanh nhỏ lẻ. Trong đó, các cấp hội tiếp tục thực sự là cầu nối với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ vốn, giúp phụ nữ có điều kiện vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Tại các cơ sở hội tiếp tục thành lập, nhân rộng các mô hình như nhóm phụ nữ tương trợ nhau trong cộng đồng, nhóm hợp tác sản xuất, nhóm làm đồ thủ công, nhóm hỗ trợ về vốn và kỹ thuật…
Thực tế cho thấy vẫn còn 22/71 cơ sở hội có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 60%, nên đòi hỏi các cấp hội phải nỗ lực hơn nữa. Muốn tập hợp, thu hút hội viên ngày càng đông đảo, một giải pháp quan trọng nhất là các cấp hội tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, tư duy đổi mới, có kỹ năng vận động phụ nữ và khả năng thích ứng với thực tiễn.
Bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông