Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực biên giới giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020

Tin,ảnh: Phan Tân| 28/09/2016 14:52

* Phấn đấu đến năm 2020 các xã biên giới cơ bản đạt được các tiêu chí nông thôn mới.

Ngày 28/9, Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực biên giới giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Các đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Úy, UVTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 05, tình hình khu vực biên giới của tỉnh đã có bước phát triển mới, kinh tế tăng trưởng khá, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của vùng. Diện tích, sản lượng và năng suất cây trồng tăng hàng năm; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng cây công nghiệp dài ngày, giá trị cao hơn.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bằng mức bình quân chung toàn tỉnh. Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, cơ sở sản xuất phát triển cả về số lượng và quy mô, bước đầu hình thành 1 cụm công nghiệp và một số nhà máy. Hoạt động thương mại phát triển, mở rộng cả về loại hình và mạng lưới, đáp ứng tốt nhu cầu hàng hóa của người dân.

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông huyết mạch, thủy lợi, điện... cơ bản đáp ứng nhu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân khu vực biên giới. Giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu giáo dục con em trên địa bàn. Mạng lưới y tế phát triển đến tận thôn, bon, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các chương trình an sinh xã hội, phát triển vùng biên giới, cải thiện đời sống về vật chất lẫn tinh thần cho người dân được tập trung thực hiện tốt. Hệ thống tổ chức đảng, chính quyền các cấp vùng biên giới được củng cố, hoàn thiện.

Công tác đối ngoại, thương mại song phương giữa hai tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri (Campuchia) nói riêng và giữa 2 vùng biên giới nói chung có bước phát triển.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới cơ bản được giữ vững, bảo vệ vững chắc đường biên giới, thế trận quốc phòng, biên giới lòng dân được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế vùng biên giới thay đổi chậm, các tiềm năng lợi thế chưa được khai thác. Công tác bảo vệ và quản lý rừng thiếu hiệu quả, còn để xảy ra tình trạng mất rừng nghiêm trọng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với những cơ sở quy mô nhỏ lẻ, máy móc thiết bị lạc hậu, chưa tạo được bước chuyển biến đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.

Tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào còn tiếp diễn, chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Chất lượng và năng lực quản lý, định hướng và tổ chức điều hành, vận động nhân dân của hệ thống chính trị các xã biên giới chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới…

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp theo nghị quyết 05 là xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện và bền vững, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng biên giới.

Đồng chí Ngô Thanh Danh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng Ngô Thanh Danh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05. Trong đó, chính quyền các cấp cần chủ động lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, triển khai bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư trung hạn 2016 – 2020. Phấn đấu đến năm 2020, các xã biên giới cơ bản đạt được các tiêu chí nông thôn mới theo tiêu chí đặc trưng của tỉnh. Việc đầu tư nâng cấp cửa khẩu Bu Prăng ở huyện Tuy Đức và Đắk Peur, ở huyện Đắk Mil để tăng cường phát triển mạng lưới thương mại và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia lưu thông hàng hóa, tạo động lực cho sản xuất, dịch vụ phát triển ở khu vực biên giới cần được quan tâm. Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, toàn tỉnh cần tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) trên các lĩnh vực, để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị khu vực biên giới tiếp tục tập trung kiện toàn, củng cố, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Video clip:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực biên giới giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO