Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

Nguồn chinhphu.vn| 20/10/2016 15:30

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sáng 20/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân  trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.986 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 1.174 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1.812 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

I. VỀ TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CHUNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Thời gian qua, đại đa số cử tri và Nhân dân cả nước tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước qua việc tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021, thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp; tích cực khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia; tiếp tục hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực vào giữ gìn hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: Nền kinh tế đất nước phát triển chưa thực sự bền vững [i], năng suất lao động còn thấp và tăng chậm; việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực; tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; ùn tắc giao thông và ngập úng nặng khi có mưa lớn tại thành phố Hà Nội, mưa lớn và triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có xu hướng gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.

II. NHỮNG Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

1. Về hoạt động của Quốc hội và công tác điều hành của Chính phủ

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao các kết quả của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV và thể hiện sự tin tưởng vào các đồng chí lãnh đạo nhà nước được bầu trong nhiệm kỳ mới. Cử tri và Nhân dân mong muốn Quốc hội quan tâm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; đề nghị Quốc hội, đại biểu Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, nâng cao hiệu quả giám sát đối với các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết, trả lời những vấn đề cử tri và Nhân dân đã kiến nghị, đặc biệt là giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là đối với việc giải quyết các vụ việc bức xúc, có dấu hiệu oan sai; giám sát việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, việc mua sắm tài sản và đầu tư công.

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ đổi mới hoạt động điều hành, xây dựng một Chính phủ hành động và liêm chính, phát triển đất nước theo hướng bền vững. Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm soát và đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ nhân dân ở các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường biển. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc giải quyết vi phạm pháp luật công khai, kéo dài như khai thác khoáng sản trái phép, chặt phá rừng, buôn lậu qua biên giới; đẩy nhanh việc xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, qua đó góp phần quan trọng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao thái độ thẳng thắn, ý thức trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong việc xem xét lại các vụ án có dấu hiệu oan sai, nhận trách nhiệm và xử lý các vụ việc oan sai thuộc trách nhiệm của ngành mình, cơ quan mình. Đây là một bước chuyển quan trọng trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp.

2. Về sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội

Cử tri và Nhân dân phấn khởi về những nỗ lực, sáng tạo của ngành nông nghiệp trong thời gian gần đây. Mặc dù chịu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu nhưng sản xuất nông nghiệp đã vượt qua giai đoạn suy giảm, sản lượng và chất lượng một số mặt hàng nông sản chủ lực đã được nâng cao. Tính chung cả năm 2016, xuất khẩu rau, quả có bước tiến vượt bậc, ước tăng 23,5% so với năm 2015 và đạt giá trị 2,6 tỷ USD, lần đầu tiên lớn hơn giá trị xuất khẩu gạo và giá trị xuất khẩu dầu thô. Đây là một kết quả rất có ý nghĩa cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới [ii]. Mặc dù diện tích lãnh thổ Việt Nam chỉ đứng thứ 65 trên thế giới, nhưng hiện nay xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới, trong đó xuất khẩu rau quả đứng vị trí thứ 2. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân phản ánh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhìn chung vẫn còn chậm, đa số các hộ nông dân vẫn sản xuất đơn lẻ, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu do tư thương thực hiện, do đó người nông dân chịu thiệt thòi nhất trong phân chia thu nhập của chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu và quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay; nhanh chóng chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu là hộ đơn lẻ sang mô hình sản xuất hộ nông dân liên kết, hợp tác qua mô hình hợp tác xã kiểu mới và liên kết với doanh nghiệp, hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của đất nước và mỗi tỉnh, thành phố, phát huy sức mạnh liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nước.

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 [iii]; ghi nhận việc Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, người có công với cách mạng với nhiều kết quả hết sức có ý nghĩa [iv]. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm giải quyết các chế độ cho các đối tượng chính sách như: người tham gia kháng chiến trước năm 1975, người bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, hỗ trợ về nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo chính xác, công bằng, kịp thời cho đối tượng được hưởng.

3. Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân[v]. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân một số địa phương cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên 30% kể từ ngày 1/3/2016 là chưa phù hợp với chất lượng dịch vụ y tế hiện nay; việc tổ chức khám, chữa bệnh ở một số bệnh viện còn chưa thật hợp lý; còn một số sai sót rất đáng tiếc về chuyên môn trong ngành y tế dẫn đến hậu quả chết người đã gây bức xúc trong Nhân dân [vi]. Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục kịp thời những sai sót chuyên môn để đảm bảo quyền chính đáng được chăm sóc sức khỏe của người dân.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2021, bước đầu đã có một số kết quả tích cực trong công tác truyền thông và tạo cơ chế thuận lợi để phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn rất lo lắng về tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm chưa bảo đảm an toàn; việc sử dụng chất tạo nạc, phụ gia, hoá chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

4. Về giáo dục, đào tạo và việc làm

Cử tri và Nhân dân ghi nhận việc ngành giáo dục và đào tạo đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015-2016, việc xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở các địa phương, giảm áp lực, chi phí cho gia đình học sinh và xã hội. Học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và các cuộc thi khu vực tiếp tục đạt nhiều giải cao, góp phần tôn vinh hình ảnh trí tuệ và ý chí của người Việt Nam [vii].

Cử tri và Nhân dân tiếp tục phản ánh việc nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm, gây lãng phí lớn đối với xã hội và gia đình [viii]. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã 3 năm liền 2013, 2014, 2015 kiến nghị trước Quốc hội nhưng đến nay Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả [ix]. Việc quản lý dạy thêm, học thêm, đổi mới công tác quản lý các trường cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên phạm vi cả nước còn lúng túng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương có giải pháp để giảm nhanh số người có trình độ đại học, cao đẳng chưa có việc làm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, nhất là của các doanh nghiệp ở Việt Nam và của cả các nước khác; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nhất quán và tổ chức kiểm tra việc dạy thêm, học thêm; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương quản lý thống nhất, rà soát quy hoạch các trường cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề trong cả nước.

5. Về bảo vệ môi trường

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã công bố kịp thời các chính sách hỗ trợ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động các cá nhân và tổ chức phối hợp kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu [x]. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tiếp tục phản ánh và bức xúc trước tình trạng khai thác bừa bãi khoáng sản, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đặc biệt là nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục hoành hành, gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông; việc chặt phá, hủy hoại rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng báo cáo trước Quốc hội về tình trạng này: Nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, ở huyện, ở tỉnh biết, người dân khốn đốn, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng nhưng Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo như thế nào, tác dụng thực tế đến đâu để chấn chỉnh tình trạng trên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 3 lần báo cáo trước Quốc hội vào năm 2015, 2016. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thế nhưng các vi phạm pháp luật của lực lượng khai thác cát và chặt phá rừng không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục một cách công khai [xi]. Cử tri và Nhân dân cho rằng, nạn “cát tặc”, “lâm tặc” xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của “lợi ích nhóm”. Đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng một số ít người công khai vi phạm pháp luật, cướp phá tài nguyên quốc gia, phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng lại không sợ hàng triệu người dân sẵn sàng bảo vệ luật pháp, không sợ chính quyền nhân dân, không sợ Đảng.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương xác minh, kết luận, công bố công khai về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hải sản chết hàng loạt do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra; Công ty phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả sự cố môi trường và giải quyết đền bù cho người dân; Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại ở 4 tỉnh miền Trung [xii]. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tiếp tục kiến nghị việc đền bù cần kịp thời, chính xác và minh bạch; các cơ quan chức năng sớm kết luận cụ thể về mức độ an toàn của nước biển, hải sản; tiếp tục khắc phục ô nhiễm môi trường biển; giám sát chặt chẽ hoạt động của công ty đã vi phạm; thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng; có chính sách hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp bị thiệt hại và có giải pháp phù hợp giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng. Cử tri và Nhân dân cũng cho rằng, nhà đầu tư vi phạm đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm trước Nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm.

Cử tri và Nhân dân phản ánh việc xây dựng và vận hành của một số nhà máy nhiệt điện than tại một số địa phương chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, đang tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe Nhân dân [xiii]. Tiếp thu ý kiến của Nhân dân dân và kiến nghị qua giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong những tháng gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tích cực triển khai các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để các trung tâm nhiệt điện phải tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan, trong phạm vi trách nhiệm của mình rà soát việc quy hoạch các trung tâm nhiệt điện trong cả nước, ban hành các tiêu chuẩn về đánh giá tác động môi trường, tiêu chuẩn hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, nhất là đối với hệ thống xả khí, nước thải và xử lý tro, xỉ; tổ chức tốt việc đánh giá tác động môi trường, nhất là đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động tích lũy của các nhà máy trong các trung tâm nhiệt điện; tăng cường hoạt động giám sát, quan trắc và thông tin công khai, minh bạch về tác động môi trường để phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường và để Nhân dân được biết; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân giám sát.

6. Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Cử tri và Nhân dân bức xúc và lo ngại về tình hình an ninh, trật tự ở nhiều nơi diễn biến phức tạp, một số vụ giết người man rợ, nghiêm trọng ở một số địa phương gây tâm lý bất an trong Nhân dân [xiv]. Tệ nạn ma túy, đặc biệt là mua bán, sử dụng các chất ma túy, việc xuất hiện nhiều loại ma túy mới đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, an toàn xã hội [xv]. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tăng cường nguồn lực bảo đảm công tác phòng, chống ma túy. Đặc biệt, đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét lại cơ chế quản lý đối với những người nghiện ma túy để vừa bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, vừa không tạo ra các khó khăn cho công tác quản lý, không để họ tiếp tục tạo ra các nguy cơ mất trật tự, an toàn xã hội.

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh lại trật tự an toàn giao thông. Tai nạn giao thông đã tiếp tục giảm về số vụ tai nạn, số người bị chết và số người bị thương. Tuy nhiên, số vụ vi phạm về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn cao; các phương tiện xe thô sơ, xe tự chế chở hàng cồng kềnh ngang nhiên trên đường, trái quy định của pháp luật, gây nhiều tai nạn nghiêm trọng. Việc bố trí, quản lý và hoạt động của các trạm thu phí dự án BOT còn nhiều bất cập như: khoảng cách thu phí chưa hợp lý, “phí chồng phí” khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là đối với bà con sinh sống và doanh nghiệp ở gần các trạm thu phí. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà roát việc đầu tư, tổ chức thu phí BOT giao thông, quản lý chặt về mức phí và quy định khoảng cách thu phí hợp lý. Việc quản lý, điều chỉnh quy hoạch ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn chưa hợp lý dẫn đến quá tải về mật độ dân cư đô thị, hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và úng ngập nghiêm trọng khi có mưa lớn hoặc triều cường, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cử tri và Nhân dân, nhất là tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Chính phủ quyết liệt chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch, nâng cao năng lực dự báo và đề cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương nơi xảy ra nhiều tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ngập úng nghiêm trọng.

7. Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đưa ra xét xử 6 vụ án tham nhũng lớn [xvi] và đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực tế là vừa qua việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa nghiêm, việc xử lý các vụ việc tham nhũng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe, công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả còn rất thấp [xvii]. Cử tri và Nhân dân bất bình trước việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, mặc dù làm thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hậu Giang. Vừa qua, ông Thanh đã bị khởi tố bị can. Cử tri và Nhân dân đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân. 

Ngoài 7 vấn đề nêu trên, cử tri và Nhân dân tiếp tục phản ánh, kiến nghị về một số vấn đề bức xúc như: Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng nhiều sân bay, cảng, bố trí vũ khí tại các bãi đá, đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC); công tác quản lý an ninh mạng đã bộc lộ nhiều sơ hở nghiêm trọng; việc tái định cư và ổn định cuộc sống của nhân dân khi xây dựng các nhà máy thủy điện nhiều nơi chưa hiệu quả.

III. KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Chia sẻ và đồng tình với tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố nghiêm túc xem xét, tiếp thu. Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 5 kiến nghị sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng các chính sách và văn bản pháp luật được ban hành; kiên quyết không để xảy ra tình trạng văn bản luật được ban hành có nhiều sai sót hoặc có những quy định không phù hợp với thực tiễn. Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát có trọng tâm, trọng điểm đối với những vấn đề bức xúc mà cử tri và Nhân dân đã kiến nghị với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, của người dân và các cơ quan truyền thông; có biện pháp xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân né tránh hoặc không thực hiện nghiêm túc những kiến nghị xác đáng của cử tri và Nhân dân. Đề nghị Quốc hội tiếp tục đề cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là đối với các dự án, công trình đầu tư quan trọng quốc gia, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả từng đồng tiền đóng thuế của Nhân dân. 

Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới đạt các chuẩn mực cao của các nước ASEAN, trong đó lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của chính quyền, nhất là của chính quyền cơ sở, làm thước đo chất lượng và hiệu quả cải cách hành chính.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng, chống tham nhũng, đề nghị cả hệ thống chính trị khẩn trương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được Trung ương đề ra. Tại kỳ họp này, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm nghiên cứu và đóng góp nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đáp ứng đòi hỏi bức thiết của Đảng và Nhân dân.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát lại quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, hoạt động của các trung tâm nhiệt điện than trong cả nước, có sự tham gia giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và báo cáo Quốc hội trong năm 2017.

Thứ tư, đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát lại tất cả các quy hoạch có liên quan tới giao thông và chống ngập úng; dự báo tình hình ùn tắc giao thông và ngập úng từ nay tới 2021-2025, làm rõ các phương án giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ngập úng, nhu cầu đầu tư từ nay đến năm 2021 để báo cáo Quốc hội, Chính phủ và thông báo rộng rãi cho Nhân dân biết để chia sẻ và góp sáng kiến cùng chính quyền, đồng thời giám sát việc thực hiện.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình giám sát đang thực hiện, đồng thời trong năm 2017 sẽ triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trên đây là ý kiến, kiến nghị chủ yếu của cử tri và Nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV và 5 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./.

**********

[i] Theo dự báo, tăng trường GDP cả năm ước đạt khoảng 6,3-6,5% không đạt kế hoạch 6,7% đề ra trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 của Quốc hội. Nếu nợ công giữ được như dự toán năm 2016 (3.242.000 tỉ đồng) thì tỉ lệ nợ công là 70% GDP, còn nếu nợ công giảm được hơn dự toán, chỉ còn 2.989.000 tỷ thì tỉ lệ nợ công là 64,98% GDP, vượt mức dự toán 63,2% và nợ Chính phủ dự báo là 53,1% GDP, vượt trần 50% GDP. Xuất khẩu ước tăng 6,7%, thấp hơn mức dự toán 10% (xuất khẩu vào các nước ASEAN giảm 7%); lần đầu tiên trong 30 năm đổi mới, tăng trưởng xuất khẩu giảm liên tục 5 năm liền 2012-2016. Bội chi năm 2016 dự báo 5,5% GDP, vượt mức Quốc hội quyết định là không quá 4,95% GDP; nợ xấu đã được VAMC mua mới bán được khoảng 15% (Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017).

[ii] Trong 6 tháng đầu năm, số lượng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2015. Các công ty đã xuất khẩu trên 4.600 tấn trái cây tươi các loại vào 4 thị trường nói trên, số lượng tăng khá mạnh do dịch bệnh được kiểm soát tốt, chất lượng hàng hóa ổn định và nhu cầu tiêu thụ tăng lên khi thị trường được mở rộng. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hết tháng 9/2016, xuất khẩu rau quả thu về 1,813 tỷ USD, tăng 31,8% (Báo cáo của Tổng cục thống kê).

[iii] Đến tháng 9/2016 có 2.045 xã chính thức công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 23%. Bình quân cả nước đạt 13,1 tiêu chí/xã; còn 298 xã dưới 5 tiêu chí (chiếm 3,36%), giảm 28 xã so với đầu năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2016 có khoảng 25% số xã đạt chuẩn. Đã có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 đơn vị so với cuối năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2016 cả nước có khoảng 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017).

[iv] Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu người có công với cách mạng chiếm gần 10% dân số, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ; trên 117.300 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Mẹ Việt Nam anh hùng; gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 185.602 bệnh binh; hơn 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; 9.077 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; trên 16.000 người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; trên 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; trên 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng và hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng huân, huy chương kháng chiến. Hơn 1,4 triệu người đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến và hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

[v] Bộ Y tế tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, ước tính đến hết năm 2016, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 79% và với xu hướng này có thể đạt 90% vào năm 2020 (Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017).

[vi] Một số sai phạm trong chuyên môn điển hình như vụ mổ nhầm chân ở bệnh viện Việt  Đức; vụ sản phụ và con đều chết bất thường sau sinh ở bệnh viện Đa khoa Khu vực quận Thủ Đức (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh), vụ sản phụ tử vong sau sinh tại bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ; vụ Bệnh viện đa khoa Số 10 ở tỉnh Hậu Giang tắc trách trong công tác cấp cứu khiến 3 mẹ con sản phụ tử vong đầu tháng 9/2016.

[vii] Kết quả thi học sinh giỏi quốc tế năm 2016: có 36/37 lượt học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế đoạt giải gồm: 09 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng và 02 Bằng khen. (Năm 2015: có 37/37 lượt học sinh tham dự Olympic Khu vực và quốc tế đoạt giải; gồm 12 Huy chương Vàng; 16 Huy chương Bạc; 6 Huy chương Đồng và 03 Bằng khen) (Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

[viii] Quý 2 năm 2016 cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý I năm 2016. Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên chiếm 17,5%, 94.800 người có trình độ cao đẳng chiếm 8,7% và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm 5,4%. Như vậy, người có trình độ cao đẳng trở lên chưa có việc làm chiếm 26% tổng số lao động chưa có việc làm. (Số liệu được công bố tại hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 2 năm 2016 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê). Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động là 2,27% (khu vực thành thị: 3,18%, khu vực nông thôn: 1,81%) (Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017).

[ix] Các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại các Báo cáo số 422/BC-MTTW-ĐCT, ngày 17 tháng 5 năm 2013, tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII; Báo cáo số 596/BC-MTTW-ĐCT, ngày 19 tháng 5 năm 2014, tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII; Báo cáo số 135/BC-MTTW-ĐCT ngày 18 tháng 10 năm 2015 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

[x] Chương trình phối hợp số 15/CTPH-MTTW-TCTV ngày 19/5/2016 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam về hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. Qua đó chỉ trong hơn 3 tháng triển khai (từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016) đã vận động, hỗ trợ nhân dân các tỉnh miền Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ được 213,238 tỷ đồng (Mặt trận Trung ương: 11,049 tỷ đồng, các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương: 90,138 tỷ đồng, các tỉnh không bị thiên tai: 73,1 tỷ đồng, các tỉnh bị hạn hán xâm nhập mặn vận động tại địa bàn: 39,2 tỷ đồng).

[xi] Công văn số 3357/VPCP-V.III ngày 12/5/2014 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát trái phép theo quy định của pháp luật; các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại các Báo cáo số 135/BC-MTTW-ĐCT ngày 18 tháng 10 năm 2015, Báo cáo số 212/BC-MTTW-ĐCT ngày 20 tháng 3 năm 2016, Báo cáo số 260/BC-MTTW-ĐCT ngày 19 tháng 7 năm 2016 gửi Quốc hội.

[xii] Đối với 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm môi trường biển do xả thải của Formosa, Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp 4.309 tấn gạo cho 40.043 hộ dân và trên 63 tỷ đồng để giải quyết khó khăn trước mắt (Theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường). Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá thiệt hại, xây dựng Đề án tổng thể khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống người dân ven biển, trong đó có việc đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra (Theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 về ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường).

[xiii] Các cuộc khảo sát trong các năm 2014, 2015 của Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tại 567 hộ dân sống gần 5 nhà máy điện than tại Trà Vinh, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Quảng Ninh cho thấy, nước sinh hoạt cũng đang bị ô nhiễm bởi các nhà máy điện (Báo cáo ngày 30/6/2016 của VSEA). Hiện nay, cả nước đã có 20 nhà máy nhiệt điện than hoạt động, tổng công suất đạt là 13.110MW, mỗi năm thải ra hơn 15,7 triệu tấn tro, xỉ. Năm 2020 sẽ có 32 nhà máy, công suất 24.370MW, sẽ thải mỗi năm khoảng 29 triệu tấn tro, xỉ. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) và nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh) mỗi ngày hút hơn 4,5 triệu m3 nước biển để làm mát và xả trở lại biển. Trong dự án nhiệt điện Vĩnh Tân có 5 nhà máy nhiệt điện than, khi đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2020 sẽ hút mỗi ngày từ biển hơn 20 triệu m3 nước biển để làm mát và xả trở lại biển.

[xiv] Một số vụ giết người có tính chất nghiêm trọng ở một số địa phương như: Vụ Bí thư và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái bị sát hại tại trụ sở Tỉnh ủy; vụ 04 người trong một gia đình ở Bát Xát, Lào Cai bị sát hại; Vụ 04 bà cháu cùng bị một người nghiện ma túy giết ở Uông Bí, Quảng Ninh.

[xv] Cả nước hiện có 202.604 người nghiện, tăng 2.470 người so với cuối năm 2015 (200.134 người); xu hướng nghiện ma túy tổng hợp đang tăng nhanh, đặc biệt là người sử dụng nhóm chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) nhất là Methamphetamine (ma túy đá), Cocaine, Cần sa, Cỏ Mỹ, Lá khát, Kẹo cười, Trà sữa. Một số tỉnh, thành phố có nhiều người sử dụng ma túy bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, gia tăng tội phạm gây mất trật tự, an ninh và an toàn xã hội như: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Ninh (Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội).

[xvi] Ngày 01/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã quyết định sẽ đưa 6 vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017, gồm: (1) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank; (2) Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam; (3) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; (4) Vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin; (5) Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh thành phố HCM (phần nội dung bị tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của 5 công ty); (6) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

[xvii] Trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất, số tiền thu hồi cho nhà nước là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất. Như vậy, số tiền thu hồi cho Nhà nước chỉ được khoảng 8% so với tổng số tiền bị thiệt hại do các vụ án tham nhũng gây ra (Báo cáo công tác 10 năm phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO