Tòa soạn - Bạn đọc: “Kênh” thông tin quan trọng của nông dân

Thụy Nguyên| 20/06/2016 10:03

Mặc dù luôn tất bật với cây con, phân tro, nương rẫy, nhưng không ít nông dân vẫn dành thời gian để đọc báo. Họ xem báo chí là một kênh thông tin quan trọng để học hỏi kiến thức cũng như là “cầu nối” để giúp đỡ những nông dân có hoàn cảnh khó khăn hơn vươn lên trong cuộc sống.

ADQuảng cáo

Thông qua Báo Đắk Nông, gia đình ông Phạm Thanh Quang, ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) được các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng căn nhà khang trang. Ảnh: Phạm Khánh

Trong một lần đi tác nghiệp tại cơ sở, tôi gặp một nông dân ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) khá am hiểu về báo chí (anh đề nghị không nêu tên). Hàng ngày, không những lên mạng internet đọc báo, anh còn đặt dài hạn cả báo in của tỉnh để theo dõi thông tin trong tỉnh nhà. Có những sự việc xảy ra ở địa phương, anh chủ động thông báo cho các nhà báo đến nắm thông tin kịp thời.

Một điều khiến tôi ấn tượng hơn về anh, đó là qua những lần trao đổi, khi biết được có hộ gia đình ở địa phương gặp khó khăn, anh đã không ngần ngại đứng ra hỗ trợ. Ngoài việc sẵn sàng ủng hộ vài chục triệu đồng, anh còn vận động thêm các hộ khác đóng góp thêm để giúp gia đình nghèo xây dựng căn nhà hoàn chỉnh…

Tuy nhờ báo chí làm “cầu nối” để hỗ trợ những người khó khăn, nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề đưa tên lên danh sách ủng hộ thì anh từ chối ngay. Theo anh, việc giúp đỡ người khác không phải để người ta biết ơn đến mình, rồi được báo chí đưa tin mà điều quan trọng nhất là giúp bằng cái tâm của mình. Qua báo chí, anh chỉ hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm ủng hộ cho những người nghèo khó khác.

Thường xuyên đọc báo, anh Hoàng Văn Vũ, ở tổ dân phố 9, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) xem đó là kênh thông tin quan trọng để học hỏi kiến thức sản xuất. Hiện tại, anh Vũ đang nuôi hàng trăm con gà rừng, đem lại thu nhập tương đối cao.

ADQuảng cáo

Thấy chúng tôi đến tìm hiểu mô hình nuôi gà rừng, gia đình anh Vũ rất hào hứng. Theo anh Vũ, qua báo chí, không chỉ giới thiệu được mô hình nuôi gà rừng của mình, mà anh còn tạo được sự kết nối với nhiều người khác.

Qua “kênh” báo chí, anh Hoàng Văn Vũ đã thành công trong việc ấp trứng gà rừng quy mô lớn. Ảnh: Công Tính

“Khi biết có những nông dân khác cũng nuôi gà rừng nhưng không thành công, tôi rất hiểu và muốn chia sẻ kinh nghiệm. Thế nhưng, một khi chưa ai biết đến mô hình của mình thì muốn nói hay giúp đỡ ai đó cũng khó. Chính vì vậy, thông qua báo chí, tôi sẵn sàng giúp đỡ bà con có nhu cầu tìm hiểu mô hình nuôi gà rừng”, anh Vũ tâm sự.

Có thể nói, đối với các nhà báo, khi xây dựng mối quan hệ với người dân không chỉ để có tác phẩm báo chí hoàn chỉnh, mà còn là nơi học hỏi kiến thức, trau dồi thêm vốn sống của mình. Vì vậy, đôi lúc chính người dân lại đóng vai như một đồng nghiệp, một cộng tác viên, hay là một bạn đọc thân thiết…

Qua quá trình tìm hiểu từ thực tế, tôi nhận thấy, nhiều nông dân xem báo chí không chỉ là kênh thông tin, mà còn là nơi để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình. Không ít nông dân còn xem các nhà báo như là người bạn thân thiết của mình…Và có nói gì đi nữa, để giữ được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và báo chí, điều quan trọng hơn hết là phải xuất phát từ cái tâm của cả hai phía.

Riêng đối với những người làm báo, để đáp lại tấm thịnh tình đó của bà con nông dân thì cần phải luôn có cái tâm, trung thực, trách nhiệm trong quá trình hành nghề, có những tác phẩm báo chí thật sự chất lượng, có nội dung thông tin cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa soạn - Bạn đọc: “Kênh” thông tin quan trọng của nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO