Tọa đàm trực tuyến về phòng, chống hạn và phát triển nông nghiệp bền vững

30/03/2016 09:39

Tình trạng hạn hán đang tác động trực tiếp đến rất nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Điều này không chỉ đòi hỏi phải tăng cường các biện pháp chống hạn cho vụ sản xuất Đông Xuân 2015-2016 mà còn đặt ra nhiều vấn đề lâu dài cho phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh trong tình hình biến đổi khí hậu. Trước tình hình trên, Báo Đắk Nông tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề Phòng chống hạn và các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong tình hình biến đổi khí hậu.

Tham gia tọa đàm có các ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông; Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông; Hoàng Trung Thơ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Nông.

Các đại biểu tham dự chương trình tọa đàm. Ảnh: Đức Hùng

Tháng 3 ở Tây Nguyên trong văn học nghệ thuật đầy chất thơ và hình ảnh hiền hòa: Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương… Nhưng tháng 3 năm 2016, không hẳn như vậy. Tình hình hạn hán đến nỗi nhiều sông suối khô kiệt, điều mà rất nhiều năm nay không xảy ra. Phóng viên Báo Đắk Nông vừa tác nghiệp tại huyện Đắk Mil, có phản ánh mới nhất về tình hình hạn hán ở địa phương này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi phóng sự của Báo Đắk Nông về tình trạng hạn hán tại Đắk Mil, thời gian qua sẽ hiểu một phần khốc liệt của hạn hán đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đắk Mil đối mặt với đợt hạn hán lịch sử

Người dân trên địa bàn huyện Đắk Mil đang đối diện với đợt hạn hán nặng nề khi nhiều công trình hồ đập hết nước, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng…

Video "Đắk Mil đối mặt với đợt hạn hán lịch sử":

Bình thường, công trình hồ 35, thôn 10A, xã Đắk Lao luôn có mực nước dâng khoảng 400.000 m3 khối nước, phục vụ tưới cho 500 ha cà phê của bà con quanh vùng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, hồ đã hết nước. Nước khan hiếm, bà con phải dựng cả lán trại để… canh nước.

Để có nước tưới cà phê, có hộ sống ở lán nhiều hơn ở nhà. Cùng với họ là những chiếc máy bơm chạy xình xịch suốt ngày đêm. Thế nhưng, nhiều vùng xa công trình, nước vẫn chưa thể tới. Ông Nguyễn Bá Đạt, thôn 10A, xã Đắk Lao buồn rầu nói: “Diện tích cà phê của chú được 1 ha. Ở phía dưới, chắc là nước không về được đến nơi. Khoảng 10 ngày nữa mà không có nước thì cây sẽ chết”. Cũng giống ông Đạt, ông Nguyễn Văn Ba thôn 13 A, tâm sự: Nhà tôi có 2 ha cà phê nhưng mà cháy mất hai sào rồi. Trước đây, tôi vẫn  tưới nước từ hồ. Còn giờ hồ này đã hết nước”.

Vườn cà phê của ông Nguyễn Hữu Lý, thôn trưởng thôn 10 A, xã Đắk Lao đã héo lá, vàng lá, khô quả

Được biết, đến nay cả thôn 10 A có trên 200 ha cà phê thì gần nửa diện tích lá đã vàng. Có nơi cà phê cháy quả, khô cành. Ông Nguyễn Hữu Lý, thôn trưởng thôn 10 A đã ở đây hơn 30 năm qua nhưng chưa bao giờ hạn khắc nghiệt như năm nay. “Đến nay, mới được 50% số hộ dân tiếp cận nguồn nước hồ. Có một số diện tích cà phê trái đã héo, cháy lá...” Ông Lý cho biết.

Để cứu hàng trăm ha cây trồng ở địa phương có nguy cơ bị chết cháy, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk Mil đã thực hiện bơm điều tiết nước từ Hồ Tây (Thị trấn Đắk Mil) về công trình hồ 35. Anh Ngô Quốc Dũng, cán bộ kỹ thuật vận hành hệ thống bơm dã chiến tại Hồ Tây cho biết: “Trong tình hình hạn hán gay gắt như hiện nay, chúng tôi trực 100% quân số. Mọi người luôn cố gắng bơm điều tiết nước, cũng như vận hành máy cho đảm bảo, an toàn”. Còn theo ông Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk Mil, toàn huyện có 30 công trình thủy lợi thì hiện 10 công trình hết nước. Những công trình trọng điểm như: Hồ Đắk Ken, hồ 35, 40… đơn vị đã có phương án chống hạn. Cụ thể, từ ngày 16/2 đến nay với 21 máy bơm hoạt động liên tục, nên trường hợp như công trình hồ Đắk Ken đã cứu hạn được 600 ha cà phê.  

Hàng loạt máy bơm chạy hết công suất tại hồ 35 xã Đắk Lao.

Với sự nỗ lực của các đơn vị, người dân thì nhiều diện tích cây trồng ở địa phương này đang còn có nước để tưới. Thế nhưng, theo dự báo của Trung tâm  Khí tượng thủy văn Trung ương, đợt nắng hạn sẽ còn diễn ra gay gắt cho tới cuối tháng 6, năm nay. Theo đó, sẽ có thêm nhiều công trình hồ đập ở Đắk Mil bị kiệt nước… Cũng chính vì vậy mà cuộc chiến chống hạn sẽ còn cam go hơn. Và trước sự thay đổi này, nếu con người không tìm ra cách thích ứng với thời tiết thì sẽ giống như những chiếc máy bơm luôn phải hoạt động hết công suất. Chạy cả ngày và đêm, không ngừng nghỉ để... có đủ nước tưới.

Nhà báo Lê Dung: Thưa các vị khách mời, những thông tin về tình hình hạn hán trên địa bàn huyện Đắk Mil nêu trên có lẽ chỉ nêu được một phần của thực trạng khô hạn. Chắc hẳn số liệu và tình hình hạn hán đến thời điểm này đã rất khác. Vậy xin các vị khách mời cung cấp thêm thông tin về thực trạng khô hạn trên địa bàn tỉnh?

* "Hạn hán vượt mức dự báo ban đầu"

Ông Đỗ Ngọc Duyên:

Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực miền Trung và Tây Nguyên thì từ nay đến tháng 6/2016 dòng chảy trên các sông Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục giảm dần và tình trạng khô hạn ở Tây nguyên đến đầu tháng 6 mới dần được cải thiện. Như vậy, chúng ta thấy rằng hạn hán đối với vụ đông xuân 2015-2016 rất khốc liệt và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại vẫn chưa có điểm dừng...

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh hơn 22.000ha cây công nghiệp phần lớn là cà phê và hồ tiêu thiếu nước tưới đợt 3, đợt 4 và thiếu nguồn nước để chống hạn và không có giải pháp khắc phục. Diện tích lúa bị hạn thêm 85ha trên địa bàn huyện Krông Nô, Đắk G’long, Đắk Song đang thời kỳ trổ bông nhưng thiếu nước tưới, trong đó có 43 ha mất trắng.

Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Đức Hùng

Về nước sinh hoạt, do nắng hạn, lượng mưa trung bình năm 2015 chỉ đạt từ 50-90% lượng mưa trung bình nhiều năm nên các sông suối, ao hồ chứa nước đã ở mức cạn kiệt dẫn đến mực nước ngầm suy giảm nghiêm trọng không thể nạo vét, khoan giếng để bổ sung nước cho sinh hoạt. Một số nơi nhân dân đã phải đi xa để chở nước sinh hoạt hoặc mua với giá từ 60-80 nghìn đồng 1m3 nước như Đắk Mil, huyện Chư Jút, Krông Nô, Đắk G’long.

Nếu đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 vẫn không có mưa sẽ có 7.000 hộ tương đương 28.000 - 35.000 nhân khẩu đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Ông  Lê Viết Thuận:

- Năm 2015-2016 diễn biến thời tiết cực đoan do ảnh hường của EL Nino nên lượng mưa trung bình năm chỉ đạt 50 đến 90% so với trung bình nhiều năm. Mặt khác, mùa mưa lại đến muộn và kết thúc sớm hơn bình thường, ngay cả vụ hè thu người dân vẫn phải dùng nước tưới cho các loại cây trồng. Vì vậy, tình hình nguồn nước hiện tại như sau:

- Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 120 sông suối lớn nhỏ kết hợp với 1.450 đập tạm, đập bồi do nhân dân tự làm phục vụ tưới 28.760 ha cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Đến thời điểm hiện tại, đa số các sông suối lớn nhỏ đã cạn kiệt, trừ các suối lớn ở hạ lưu thủy điện.

- Hiện tại toàn tỉnh đã có 11.000/19.582 ao chứa nước của các hộ dân bị cạn kiệt nguồn nước. Chính vì vậy, 14.200 ha cà phê, hồ tiêu thiếu nước tưới đợt 3 và đợt 4 có nguy cơ khô cành, rụng quả và chết cây rất cao nếu đến giữa tháng 4/2016 không có mưa.

- Toàn tỉnh hiện có 13.144, giếng khơi, giếng khoan do dân tự làm để tưới cà phê. Tuy nhiên, lượng lước ngầm suy giảm sâu nên đa số các giếng khơi đã cạn kiệt. Các giếng khoan cũng thiếu hụt nguồn nước làm ảnh hưởng đến 4.536 ha cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng khác.

- Hiện tại có 19/183 hồ chứa đã cạn kiệt nguồn nước, 10/183 hồ chứa có mực nước đang tụt giảm đến gần mực nước chết. 101/183 công trình hồ chứa có mực nước tương đối ở ngưỡng thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-2m.

Ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Đức Hùng

Nhà báo Lê Dung:Là đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trong tỉnh để phục vụ đời sống và sản xuất, xin ông cho biết tình hình đáp ứng của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2015-2016 như thế nào?

Ông Hoàng Trung Thơ: Đến nay, toàn tỉnh có 216 công trình thủy lợi. Công ty đã được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác 190 công trình thủy lợi. Trong đó, 162 hồ chứa, 17 đập dâng, 5 hệ thống trạm bơm và 6 hệ thống kênh tiêu úng. Tổng dung tích của 162 hồ chứa do Công ty quản lý, khai thác khoảng 130 triệu m³ nước. Vụ Đông Xuân 2015-2016, Công ty có nhiệm vụ tưới, tiêu, cấp nước cho gần 30.000 ha cây trồng các loại.

Mùa mưa năm 2015 được đánh giá là kết thúc sớm, lượng mưa trung bình thiếu hụt so với nhiều năm. Tính đến giữa tháng 10/2015 (cuối mùa mưa) đã có 157/162 hồ chứa tích đến mực nước dâng bình thường. Có 5 hồ chứa không đạt mực nước dâng bình thường là hồ Buôn Buôr (-5m), hồ Cư Pu (-3.4m), hồ Ea Diêr (-3.4m), hồ Trúc Sơn (-1.6m) ở Chư Jút, và hồ Buôn Lang (-1.5m) ở Krông Nô.

Ông Hoàng Trung Thơ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Nông

Vụ Đông Xuân 2015-2016 trên địa bàn tỉnh được nhận định là nắng nóng gay gắt, độ ẩm không khí thấp, bốc hơi nước mặt lớn cùng với nhu cầu tưới cao sẽ gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước và nửa cuối vụ Đông Xuân. Trong đó, các huyện xảy ra hạn hán sớm và có khả năng diễn ra trên diện rộng là 04 huyện: Chư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 21 công trình đã hết nước hoặc dưới mực nước chết làm ảnh hưởng đến trên 2.889ha cây trồng các loại. Trong đó: Diện tích có biện pháp chống hạn trên 1.781 ha; diện tích có nguy cơ giảm năng suất hoặc mất trắng do không có nguồn nước bổ sung là trên 1.108 ha.

Nhận định trong thời gian tới (từ nay tới cuối vụ) có thêm 34 công trình có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán thiếu nước (trong đó 4 công trình xảy ra hạn hán cục bộ), làm ảnh hưởng thêm trên 4.134ha cây trồng các loại nâng tổng diện tích hạn hán vụ Đông Xuân 2015-2016 lên trên 7.024 ha. Trong đó: Diện tích có biện pháp chống hạn là trên 2.943 ha, diện tích có nguy cơ giảm năng suất hoặc mất trắng là trên 4.081ha.

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Mặc dù đã được dự báo và tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán vụ Đông Xuân  2015-2016. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mức độ ảnh hưởng do hạn hán vẫn không thể kiểm soát được, vượt với dự báo ban đầu như đã nói ở trên.

Bản đồ vùng nguy cơ hạn tỉnh Đắk Nông

Ông Lê Viết Thuận:

Theo thống kê, đánh giá của Chi cục Thủy lợi: Tỷ lệ cây trồng có tưới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến thời điểm hiện tại mới đạt 67%-68%. Trong đó công trình thủy lợi mới đáp ứng được 34% diện tích cây trồng cần nước tưới. Còn lại 33% -34% diện tích cây trồng được tưới từ sông suối, đập tạm, ao, hồ chứa nước nhỏ, giếng khoan, giếng đào của nhân dân...

Tuy nhiên nhờ vào hệ thống hồ chứa mà mực nước ngầm ở các khu vực hồ chứa rất ổn định, ít bị suy giảm. Đặc biệt là các sông suối hạ lưu hồ chứa được duy trì lượng nước đủ để tưới cho hàng chục ngàn ha cây trồng (Suối Đắk Sô, Suối Đắk Gang..)

Giếng đào, giếng khoan ở xa hồ chứa có mực nước suy giảm nhanh và không ổn định. Nguyên nhân do thiếu nguồn nước bổ sung cho nước ngầm, nhân dân khai thác nước ngầm quá mức (Gần như hộ gia đình nào làm rẫy cũng có giếng đào, giếng khoan và khai thác không tuân thủ quy trình, quy phạm nào)

Nước sinh hoạt: Thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 103/230 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động, hầu hết đều sử dụng nguồn nước từ giếng khoan (nước ngầm). Do nước ngầm tụt giảm chỉ đáp ứng được 50% - 60% công suất thiết kế của các công trình cấp nước.

Trong 103 công trình đang hoạt động hiện có 20 công trình hoạt động bền vững, chiếm khoảng 20%; 53 công trình hoạt động trung bình chiếm 51%; 30 công trình hoạt động kém bền vững chiếm 29%. (Do công tác quản lý khai thác, do thiếu hụt nguồn nước...).

Các nhà báo đang tác nghiệp

Nhà báo Lê Dung: Thưa quý vị khán giả, trước tình hình hạn hán có thể diễn ra gay gắt, ngay từ quý IV/2015, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện yêu cầu các địa phương bảo đảm cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Đông  Xuân 2015 -2016 và Hè Thu 2016. Trên cơ sở này, tỉnh Đắk Nông cũng đã có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể. Vậy xin các vị khách mời cho biết các chỉ đạo và giải pháp ấy là gì và quá trình triển khai thực hiện cụ thể ra sao?

* "Thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu"

Ông Đỗ Ngọc Duyên:

Giải pháp trước mắt:

Tiếp tục theo dõi và cảnh báo diễn biến về thời tiết, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến người dân sử dụng nước tiết kiệm, điều tiết nguồn nước, củng cố các đập tạm, đập bổi để giữ nước.

Triển khai lắp đặt các trạm bơm dã chiến, ống dẫn, chuyển nước tưới cho vùng cây trồng thiếu nước, khắc phục tình trạng hạn hán.

Chuẩn bị phương án, kinh phí hỗ trợ tiền điện, tiền dầu tưới vượt cấp cho người dân chống hạn. Riêng nước sinh hoạt, đã xây dựng phương án dùng xe bồn chở nước cấp cho các vùng bị thiếu nước sinh hoạt; tìm nguồn đấu nối từ các giếng có nước để điều hòa, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Giải pháp lâu dài

Tiếp tục nâng cấp các công trình thủy lợi đã xuống cấp, đồng thời đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi trọng điểm ở vùng thường xảy ra hạn (Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil....)

Tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn triển khai áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Rà soát quy hoạch nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu.

Có cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân đầu tư các công trình thủy lợi nhỏ, ao hồ, giếng khơi để bảo đảm nguồn nước phục vụ nhu cầu nước tưới và sinh hoạt.

Xây dựng phương án tích trữ nguồn nước ở các hồ chứa, các ao hồ gia đình và trên các hệ thống sông suối bằng các đập tạm. Tăng cường và duy trì công tác quản lý, quản lý chặt các nguồn nước hiện có.

Ông Lê Viết Thuận:

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 183 hồ chứa nhỏ với dung tích 120 triệu m³ nước chỉ bằng 1 hồ Ea Súp hay hồ Krông Pák hạ của Đắk Lắk. Trong khi đó, Đắk Lắk còn đầu tư thêm hồ Krông Búc hạ, hồ Ea H’leo với tổng mức đầu tư hơn 10 ngàn tỷ đồng...

Theo quy hoạch tổng thể Thủy lợi tỉnh Đắk Nông thì cần đầu tư xây dựng 153 hồ chứa lớn, nhỏ với dung tích gần 300 triệu m3 nước và kết hợp với các hồ thủy điện, các ao hồ chứa nước nhỏ, hệ thống giếng đào mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước tưới và nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Như vậy tình trạng thiếu nước, hạn hán vẫn thường trực đối với sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông đang triển khai nhiều dự án như Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên do (ADB) tài trợ. Tổng mức đầu tư gần 300 tỷ (Huyện Krông Nô và Chư Jút) quý III/2016 đấu thầu và kết thúc quý IV 2018.

Dự án an toàn đập WB8 do ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm nâng cấp bảo đảm an toàn công trình hồ chứa và nâng cao dung tích hồ chứa được triển khai từ năm 2017 và kết thúc 2021 (Tổng số 18 công trình hồ chứa, tổng mức đầu tư 250 tỷ).

Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước từ các công trình Thủy lợi (ADB8) Do Ngân hàng Châu Á tài trợ khoản vay. Tổng mức đầu tư 300 tỷ cho 2 tiểu dự án ở huyện Đắk Mil, Krông Nô và huyện Chư Jút. Dự án đang chuẩn bị và thực hiện từ năm 2018 đến 2022.

Ông Hoàng Trung Thơ: Nhận định vụ Đông Xuân 2015-2016, tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ hạn hán diễn ra sớm hơn mọi năm và có khả năng diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là khu vực phía Bắc tỉnh Đắk Nông. Rút kinh nghiệm từ các vụ Đông Xuân trước; ngay từ đầu vụ, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công trình, phi công trình nhằm chủ động đối phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước diễn ra như:

Theo dõi, cập nhật kịp thời thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước trữ tại các hồ chứa, đập, sông, suối; đưa ra những nhận định tình hình hạn hán, thiếu nước và có các biện pháp chủ động đối phó với từng công trình, từng khu tưới cụ thể.

Ngay từ đầu vụ, Công ty đã chỉ đạo cán bộ, công nhân viên lao động trong Công ty tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nguồn nước, sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả.

Xây dựng kế hoạch cấp nước trong toàn vụ Đông Xuân 2015 - 2016 trên cơ sở lịch thời vụ của địa phương và thực hiện cấp nước hợp lý theo kế hoạch gieo trồng từng khu tưới; các chi nhánh cũng đã ban hành các thông báo mở nước ngắn hạn, từng đợt cho địa phương; thực hiện điều tiết tưới luân phiên (xa trước, gần sau; cao trước, thấp sau).

Phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng tưới có khả năng thiếu nước, khuyến cáo để người dân biết, chủ động chuyển đổi giống cây trồng, ưu tiên những giống cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới, có giá trị kinh tế cao, chủ động gieo cấy sớm, tránh những thiệt hại do hạn hán gây ra.

Chủ động tích nước sớm đối với công trình có nguy cơ xảy ra hạn hán.

Hoàn thiện công tác đắp nâng cao ngưỡng tràn nhằm tăng dung tích hồ chứa cho 36 công trình thêm khoảng 700.000 m³  nước.

Triển khai đắp 42 đập dâng, đập tạm ngăn nước trên các suối để trữ nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016.

Triển khai sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế máy móc và các thiết bị hư hỏng, đồng thời nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh mương, cửa vào cống lấy nước, cửa vào các bể hút trạm bơm; sửa chữa khắc phục kịp thời các vị trí hư hỏng kênh, công trình trên kênh đảm bảo không để thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Mặc dù công tác chuẩn bị từ đầu vụ là rất kỹ lưỡng, nhưng do tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí thấp, lượng bốc hơi nước mặt cao, cùng với đặc thù địa hình các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đa phần là công trình nhỏ; sông, suối có độ dốc lớn, khả năng giữ nước không cao; mực nước ngầm trong những năm trở lại đây xuống thấp đã gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước. Đặc biệt là khu vực phía Bắc tỉnh Đắk Nông. Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp khi hạn hán xảy ra như:

Bơm chuyển nước từ Hồ Tây cung cấp nguồn nước chống hạn sang hồ Đắk Ken (2 nhánh Đắk Ken và nhánh suối Buôn Xơri) và Hồ 35, Hồ 40 thuộc huyện Đắk Mil.

Triển khai điều tiết nước từ Hồ Tây, hồ Đắk Sắk, hồ E29 về Đập dâng Đắk Sôr – Long Sơn để cấp nước cho địa bàn xã Long Sơn huyện Đắk Mil và xã Nam Xuân, huyện Krông Nô.

Sử dụng máy bơm dã chiến cung để cung cấp nước chống hạn Đập dâng Bon Phung, đập dâng Thôn 2 xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức…

Khơi thông kênh dẫn, lắp đặt hệ thống điện 3 pha để người dân bơm tưới chống hạn tại công trình thủy lợi Buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Chư Jút, đồng thời triển khai hỗ trợ nhiên liệu bơm tưới cho người dân.

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và 5 tỉnh Tây nguyên đã tổ chức Hội nghị phòng chống hạn khu vực Tây Nguyên vừa tổ chức tại Đắk Nông nhằm phân tích tình hình hạn hán và cách phòng, chống hạn hán cũng như đưa ra một số giải pháp cụ thể, như: Tham mưu cho Chính phủ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn có tính chất chiến lược đã có để bảo đảm an toàn và nâng cao dung tích hồ.

Khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia đầu tư các công trình thủy lợi nhỏ, ao hồ chứa nước nhỏ, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến.

Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, rà soát, điều chỉnh quy hoạch để cân bằng nguồn nước với cây trồng.

Rà soát quy hoạch đầu tư trồng rừng đầu nguồn các hệ thống sông suối và hồ đập.

Nắm tình hình thiệt hại để kịp thời hỗ trợ người dân, dứt khoát không để người dân đói, khát vì hạn hán gây ra; chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ người dân về nước uống, cứu đói...

Nhà báo Lê Dung: Thưa các vị khách mời, gần đây ở thị xã Gia Nghĩa và vùng lân cận đã có 2 trận mưa. Đã có bài báo cho rằng trận mưa đó giúp cho hàng ngàn ha cây trồng được “giải khát”. Đó là tín hiệu đáng mừng. Đáng mừng hơn là ở một số vùng, người dân đã chủ động có những ứng phó với những bất lợi của thời tiết. Phóng viên Báo Đắk Nông có ghi nhận về những việc làm này của người dân.

Tưới nước tiết kiệm: Nông dân vẫn gặp khó

Để đối phó với hạn hán, nhiều nông dân đã tìm đến giải pháp tưới nước tiết kiệm. Thế nhưng để làm được điều này vẫn không dễ.

Video "Tưới nước tiết kiệm: Nông dân vẫn gặp khó":

Nhiều cái lợi từ tưới tiết kiệm

Mặc dù trời nắng, nhưng vào giữa trưa, anh Trần Đức Trung, khối 5, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) vẫn thong dong vặn khóa, bật máy bơm tưới nước cho vườn rau của mình. Để làm được điều này, vườn rau 1 ha của anh Trung đều được tưới bằng hệ thống béc tiên tiến. Đây là một trong số những mô hình có quy mô lớn và đi đầu trên địa bàn huyện Đắk Mil, đưa công nghệ tưới béc vào sản xuất trong điều kiện khô hạn.

Nói về cách làm này, anh Trung cho biết: “Với công nghệ tưới Israel này, đầu tư một sào chi phí vào khoảng 4-5 triệu. Tưới béc vừa giảm bớt công lao động, lại có thể tưới thời gian nào cũng được, mà không sợ bị xói mòn đất. Còn rau không bị dập như tưới bằng tay...”. Anh Trung nhẩm tính, trước đây mỗi tháng tôi chỉ thu về từ 20- 25 triệu, nay đưa công nghệ tưới về, thu gần 30 triệu đồng.

Anh Trần Đức Trung đã đầu tư hệ thống tưới béc cho 1 ha rau của mình.

Tương tự, anh Lê Quang Phi, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt hơn 1 năm nay, nhờ được hỗ trợ 100% kinh phí từ Dự án Triển khai mô hình thử nghiệm các công thức phân bón NPK hòa tan chuyên dùng cho cây hồ tiêu. Nói về lợi ích từ cách làm này, theo anh Phi, mình chỉ cần mua phân, thuốc bảo vệ thực vật hòa tan với nước và tưới. Tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước hoàn toàn. Nước không bị bốc hơi…

Theo UBND xã Nâm N’Jang, toàn xã có trên 2.200 ha hồ tiêu nhưng mới chỉ có 5 sào của gia đình anh Phi là có hệ thống tưới tiết kiệm.

Nhưng áp dụng không dễ

Tuy nhiều nông dân đã nhìn thấy lợi ích từ tưới tiết kiệm nước. Nhưng thực tế, toàn tỉnh vẫn chưa có nhiều hộ áp dụng mô hình này. Theo ngành Nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 10 mô hình tưới nước tiết kiệm. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Số 68/ QĐ- TTg, ngày 14/11/ 2013 về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Trong đó việc đầu tư hệ thông tưới tiết kiệm được ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay. Tuy vậy, thực tế người dân vẫn chưa tiếp cận được vốn này. Mặt khác, để áp dụng được mô hình tưới nước tiết kiệm hiện đại, bà con còn gặp không ít khó khăn về vật tư, kỹ thuật.

Theo anh Phi, tưới béc phải có máy. Nếu như mình nổ máy thời gian dài, tốn chi phí điện, dầu lớn... Chưa kể, trường hợp cây tiêu cần nước khá lớn, nên bắt buộc phải tưới thêm ở ngoài (tưới bằng vòi truyền thống-PV). Mặt khác, chi phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước có giá từ khoảng 30-70 triệu đồng/ha. Với mặt bằng chung, số tiền đầu tư lớn như vậy thì nhiều nông dân không đủ khả năng để làm. Và nếu Nhà nước hỗ trợ 50% vốn thì bà con mới có thêm cơ hội đầu tư trên diện rộng…

Theo anh Lê Quang Phi, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) thì đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, đường ống hay bị vỡ, gãy… nên bà con bà con luôn phải cẩn trọng.

Có thể nói, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra ngày càng gay gắt. Việc bà con nông dân trong tỉnh chủ động lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm nước được coi là giải pháp khả thi cho vấn đề này. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư khá lớn thì nhiều nông dân vẫn còn băn khoăn dài dài.

Nhà báo Lê Dung: Như vậy là, người dân đã có những cố gắng của người dân trong việc chủ động tiết kiệm nước tưới và tư duy sản xuất bền vững. Tuy nhiên, còn rất nhiều vùng, nhiều hộ gia đình vẫn chịu ảnh hưởng và thiệt hại lớn từ khô hạn. Chúng tôi được biết, UBND tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ nông dân để khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Xin các vị khách mời cung cấp thêm thông tin cụ thể về việc hỗ trợ này?

Ông Đỗ Ngọc Duyên:

Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 127,124 tỷ đồng (Đã hỗ trợ 17,6 tỷ) dùng để duy tu, sửa chữa công trình, nạo vét kênh dẫn, hỗ trợ tiền điện, tiền dầu vượt định mức. Kinh phí cấp bù thủy lợi phí: 7 tỷ đồng chi đắp đập dâng, đập tạm, nạo vét kênh mương, thuê nhân công dẫn và điều tiết nước. 2,8 tỷ đồng Chi hỗ trợ phân bón, dầu tưới, hỗ trợ cứu đói...

* Mức hỗ trợ: Theo Điều 2 Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 09/02/ 2015 của Bộ Tài chính kèm theo QĐ của UBND tỉnh.

* Nguyên tắc hỗ trợ: Theo Điều 4; Điều 5 của  QĐ số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 và Điều 4, Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 09/02/ 2015 của Bộ Tài chính.

* Thời điểm nhận hỗ trợ: Ngay tại thời điểm xảy ra thiên tai, hạn hán (Cứu đói, nước sinh hoạt, tiền dầu, tiền điện vượt định mức) nhưng phải có biên bản thống kê, xác nhận thiệt hại của: UBND huyện thẩm định, cán bộ chuyên môn của sở chuyên ngành, Sở Tài chính tham mưu bố trí nguồn vốn được UBND tỉnh quyết định nguồn vốn...

Đối với chăm sóc phục hồi vườn cây được thực hiện sau vụ tưới và trình tự, thủ tục vẫn như trên.

* Khả năng điều tiết phục vụ nước tưới đến cuối vụ:

Những khu vực không có giải pháp (hồ hết nước, sông suối, ao hồ cạn kiệt,giếng đào, giếng khơi hết nước) thì không thể điều tiết được.

Những công trình còn nước cho đến 15/4/2016 chủ công trình (công ty quản lý khai thác) vẫn thường xuyên khuyến cáo nhân dân tưới đúng, tưới đủ nguồn nước và duy trì điều tiết nước hợp lý kết hợp với bơm chuyển nước cho các vùng lân cận để bảo đảm nuôi dưỡng cây trồng.

Nếu hết tháng 4/2016 thời tiết vẫn bất lợi thì các hồ chứa ở phía Bắc tỉnh Đắk Nông (Đắk Mil, Krông Nô, Chư Jút, Đắk Song và Đắk G’Long) sẽ cạn và khả  năng điều tiết nguồn nước hết ức khó khăn.

* Thứ tự ưu tiên phục vụ nước tại các công trình thủy lợi: Nước sinh hoạt và chăn nuôi, nước cho cây công nghiệp, cây ăn quả , nước cho lúa và rau màu.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình hạn tại Tâm Thắng, Chư Jút

Nhà báo Lê Dung: Thưa các vị khách mời, theo dự báo sắp tới Tây Nguyên sẽ tiếp tục khô hạn hơn. Vậy ở Đắk Nông, hiện sẽ như thế nào?

Ông Đỗ Ngọc Duyên:

Như đã phân tích các nội dung ở trên và đặc biệt theo dự báo của Đài KTTV khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, nếu kịch bản diễn biến thời tiết như dự báo thì không phải các huyện phía Bắc tỉnh Đắk Nông mà các huyện phía Nam cũng chịu ảnh hưởng về hạn nặng nề.

Đối với lúa thì đã thu hoạch không ảnh hưởng nhiều nhưng diện tích cây công nghiệp thì diện tích mất trắng, chết cây sẽ diễn ra ở các huyện phía Bắc tỉnh Đắk Nông và diện tích giảm năng suất sẽ diễn ra đối với các huyện phía Nam. Nước sinh hoạt cũng có nguy cơ thiếu.

Nhà báo Lê Dung: Trước những dự báo ông Duyên vừa cho biết thì khả năng điều tiết và phục vụ của các công trình thủy lợi trên địa bàn như thế nào? Thưa ông Thơ!

Ông Hoàng Trung Thơ: Nhận định từ nay đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 (cuối vụ Đông Xuân 2014-2015) là thời kỳ cao điểm hạn hán. Số công trình hết nước, dưới mực nước chết xảy ra hạn hán tiếp tục tăng trong thời điểm từ nay đến cuối vụ. Để kịp thời ứng phó tình hình hạn hán đến cuối vụ. Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Đắk Nông triển khai các biện pháp sau:

Một là tiếp tục tăng cường thực hiện công tác quản lý nguồn nước, vận hành điều tiết nước luân phiên, phân phối nước hợp lý; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các đơn vụ quản lý thủy nông và chính quyền địa phương huyện, xã, thôn.

Hai là tiếp tục công tác bơm chuyển nước chống hạn từ Hồ Tây sang hồ Đắk ken, suối Buôn Xơ Ri, hồ 35, hồ 40 xã Đắk Lao huyện Đắk Mil. Hỗ trợ người dân tiền điện và dầu để tiếp tục bơm chống hạn tại công trình thủy lợi Buôn Buôr, huyện Chư Jút.

Ba là tiếp tục triển khai điều tiết nước từ Hồ Tây, Hồ Đắk Sắk, Hồ E29 về Đập dâng Đắk Sôr – Long Sơn để cấp nước cho địa bàn xã Long Sơn huyện Đắk Mil và xã Nam Xuân, huyện Krông Nô.

Bốn là triển khai mua thêm 6 máy bơm dã chiến nâng tổng số máy do Công ty hiện có lên 14 máy bơm với tổng công suất là 5.900 m³/h. Triển khai phương án bơm chống hạn từ dung tích chết lòng hồ, sông, suối đủ nguồn để chống hạn khi công trình, khu tưới xảy ra hạn hán, thiếu nước.

Năm là đối với các trạm bơm: Phối hợp với Công ty Thủy điện Buôn Kốp (Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah giữ mức điều tiết nguồn nước về hạ lưu như từ đầu vụ đảm bảo phục vụ tưới vùng hạ du. Đồng thời, Công ty sẽ bố trí cán bộ, công nhân viên tăng cường bơm tưới, kể cả giờ cao điểm.

Sáu là đối với các vùng, khu tưới hạn hán diễn ra phức tạp, Công ty tiến hành bố trí, hợp đồng thêm công nhân thời vụ tăng cường công tác điều tiết, quản lý nguồn nước và công tác chống hạn.

Nhà báo Lê Dung: Khô hạn ở Tây Nguyên đã được nhắc tới từ lâu và nguyên nhân của nó cũng được đề cập từ nhiều khía cạnh. Một trong những nguyên nhân như đã đề cập đó là diện tích rừng ngày càng thu hẹp, dân số và nhu cầu đất sản xuất, kéo theo đó là nhu cầu về nước tưới, đảm bảo đời sống người dân…ngày càng tăng. Mức thiệt hại do hạn hán cũng rất lớn.

Những cảnh báo trước mắt và lâu dài đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Những  giải pháp về công trình có vẻ như chưa thể giải quyết triệt để bài toán phát triển bền vững mà cần những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn.

Xin các vị khách mời cho ý kiến về vấn đề này?

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Trước hết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi thời tiết. Đồng thời việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xâm hại diện tích rừng cũng cần được khắc phục. Kèm với đó là công tác trồng rừng thay thế để tăng độ che phủ rừng, kết hợp giữ đất rừng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư gắn với quản lý xã hội, thông qua việc triển khai các dự án ổn định dân di cư tự do cũng cần được thực hiện đồng bộ.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, xây dựng các khu công nghiệp để thu hút lao động vào các thành phần kinh tế khác. Giảm lao động sản xuất nông nghiệp cũng đồng nghĩa với giảm phá rừng, giảm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất và giảm nhu cầu sử dụng nước tưới.

Về lâu dài, triển khai các đề án nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, để nâng cao giá trị nông sản. Mặt khác, việc xây dựng chiến lược cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, góp phần không để tình trạng giá cả bấp bênh, lên xuống thất thường, được mùa-mất giá như thực tế hiện nay.

Hồ 35 (Đắk Mil) cạn trơ đáy

Nhà báo Lê Dung:Trong các giải pháp để phát triển bền vững có giải pháp về thủy lợi. Xin ông Thuận cho biết thêm thông tin về định hướng phát triển thủy lợi trên địa bàn thời gian tới?

Ông Lê Viết Thuận:

Theo thống kê, đánh giá của Chi cục Thủy lợi: Tỷ lệ cây trồng có tưới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến thời điểm hiện tại mới đạt 67%-68%. Trong đó công trình thủy lợi mới đáp ứng được 34% diện tích cây trồng có tưới. Còn lại 33% -34% diện tích cây trồng được tưới từ sông suối, đập tạm, ao, hồ chứa nước nhỏ, giếng khoan, giếng đào của nhân dân.

Tuy nhiên nhờ vào hệ thống hồ chứa mà mực nước ngầm ở các khu vực hồ chứa rất ổn định, ít bị suy giảm. Đặc biệt là các sông suối hạ lưu hồ chứa được duy trì lượng nước đủ để tưới cho hàng chục ngàn ha cây trồng...

Giếng đào, giếng khoan ở xa hồ chứa có mực nước suy giảm nhanh và không ổn định. Nguyên nhân do thiếu nguồn nước bổ sung cho nước ngầm, nhân dân khai thác nước ngầm quá mức (gần như hộ gia đình nào làm rẫy cũng có giếng đào, giếng khoan và khai thác không tuân thủ quy trình, quy phạm nào)

Nước sinh hoạt: Thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 103/230 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động, hầu hết đều sử dụng nguồn nước từ giếng khoan (nước ngầm). Do nước ngầm tụt giảm chỉ đáp ứng được 50% - 60% công suất thiết kế của các công trình cấp nước.

Trong 103 công trình đang hoạt động hiện có 20 công trình hoạt động bền vững, chiếm khoảng 20%; 53 công trình hoạt động trung bình chiếm 51%; 30 công trình hoạt động kém bền vững chiếm 29%. (Do công tác quản lý khai thác, do thiếu hụt nguồn nước.....)

Các đại biểu trả lời câu hỏi của khán giả gửi về chương trình

Muốn phòng, chống hạn được lâu dài thì phải chủ động về nguồn nước tưới. Muốn chủ động được nước tưới thì phải có công trình thủy lợi hoặc người dân phải tự đào ao, hồ hoặc giếng. Vậy, việc người dân tự đào ao, hồ, giếng thì có được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hay không? (Ông Lê Khánh Huy, trú tại thôn 7, xã Đắk Buk So (Tuy Đức))

* "Xây dựng đề án hỗ trợ dân đào ao chứa nước"

Ông Lê Viết Thuận: Lâu nay việc đào ao, hồ hoặc giếng ở địa bàn tỉnh đều dân tự làm là chính, còn Nhà nước chưa có hỗ trợ nào. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dụng Đề án hỗ trợ dân đào ao chứa nước nhỏ. Đề án này đang trong quá trình xem xét thông qua. Nếu được thông qua thì người dân sẽ được hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để thực hiện; đồng thời còn được hỗ trợ kỹ thuật, máy móc, thiết bị.

Gia đình tôi sản xuất 0,3ha lúa, nhưng năm nay do hạn hán bị mất mùa. Vậy gia đình tôi có được hỗ trợ thiệt hại hay không ? Nếu được thì được hỗ trợ bằng cách gì và thủ tục như thế nào ? (Ông Nguyễn Văn Đường, thôn 4, xã Đắk R’Tíh (Tuy Đức)

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Trường hợp gia đình anh là đối tượng được hỗ trợ. Để được hỗ trợ thì gia đình anh cần báo với chính quyền địa phương lập danh sách kiểm tra, rồi chính quyền xã, cơ quan chuyên môn thẩm định. Nếu đúng thiệt hại do hạn hán mất mùa gây ra thì sẽ được hỗ trợ. Bị hạn mà không thông báo thì không thể biết để hỗ trợ.

Hồ hạn ở Chư Jút

Nhà báo Lê Dung: Những giải pháp về công trình có vẻ như chưa thể giải quyết triệt để bài toán phát triển bền vững mà cần những giải pháp căn cơ, lâu dài. Vậy xin các vị khách mời cho ý kiến về vấn đề này?

Ông Lê Viết Thuận: Như tôi đã nói ở trên Tỉnh Đắk Nông cần đầu tư thêm 153 hồ chứa lớn, nhỏ kinh phí ước tính 12.800 tỷ đồng cho việc xây dựng các công trình, chưa tính chi phí đền phù giải tỏa và các chi phí khác. Đây là vấn đề hết sức nan giải với tỉnh mới thành lập và nguồn thu khó khăn như tỉnh Đắk Nông.

Mặt khác, do địa hình chia cắt mạnh, độ dốc sườn đồi và sông suối lớn nên các hồ chứa có quy mô nhỏ và rất nhỏ là chủ yếu, khi xây dựng công trình chi phí đền bù giải tỏa có khi cao hơn chi phí đầu tư xây dựng công trình. Bất lợi khác đó là có những công trình diện tích giải tỏa lại lớn hơn diện tích được hưởng lợi.

Như ta đã thấy 10 năm qua mặc dù Nhà nước đã đầu tư rất nhiều vốn cho công trình thủy lợi. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi cũng chỉ đáp ứng được 34% diện tích cây trồng có tưới, còn lại 33% đến 34% là do dân tự đầu tư bằng các công trình khác (ao, hồ nhỏ, giếng đào, giếng khơi, đập tạm....).

Do vậy, theo tôi định hướng phát triển thủy lợi, mức độ đầu tư và phát triển cần thực hiện như sau:

Giải pháp trước mắt:

- Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, rà soát, điều chỉnh quy hoạch để cân bằng nguồn nước với cây trồng.

- Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các hồ chứa đã xuống cấp để bảo đảm an toàn và nâng cao dung tích hồ chứa phục vụ nhu cầu dân sinh kinh tế của vùng hưởng lợi.

- Tập huấn, tuyên truyền, vận động khuyến khích người dân thành lập các tổ chức dùng nước ở cơ sở (tổ dùng nước, HTX dùng nước) tạo điều kiện cho nhân dân quản lý tốt nguồn nước hiện có và áp dụng khoa học kỹ thuật trong tưới và thâm canh tăng năng suất cây trồng.

- Sớm phê duyệt và triển khai đề án đầu tư xây dựng các ao, hồ chứa nước nhỏ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để trữ nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên cần lưu ý về vấn đề kỹ thuật và quản lý về thiên tai.

- Quản lý tốt việc khai thác nước ngầm, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia đầu tư các công trình thủy lợi nhỏ, ao hồ chứa nước nhỏ, kết hợp áp dụng công nghệ tưới tiên tiến phù hợp với từng loại cây trồng.

Triển khai đồng bộ các công nghệ phụ trợ trong tưới tiên tiến (Đo độ ẩm đất, phân hòa tan....) và rà soát lại quy trình tưới đối với đặc tính riêng của cây cà phê để người dân triển khai rộng vấn đề tưới tiên tiến.

Giải pháp lâu dài:

Hoàn chỉnh quy hoạch và thường xuyên rà soát các quy hoạch thủy lợi trên địa bàn các huyện, thị để xây dựng kế hoạch đầu tư công trình phù hợp với kế hoạch tài chính và dân sinh kinh tế.

Lập kế hoạch đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi có dung tích từ 2 triệu m³ trở lên ở những vị trí chiến lược có tầm ảnh lớn đối với vùng hưởng lợi về nước mặt, nước ngầm, môi trường, sinh thái và du lịch. Vì chiến lược nên có thể phải hy sinh mất mát một ít quyền lợi ban đầu của người dân do giải tỏa, mất đất và di dời nơi ở, nơi canh tác (khoảng 10 công trình).

Tạo cơ chế, hành lang pháp lý để xã hội hóa trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư vào thủy lợi. (hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ mặt bằng nhiên liệu, vật liệu, vốn vay....) để tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các công trình thủy lợi vừa và nhỏ.

Ông Hoàng Trung Thơ: Trong những năm trở lại đây, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra thường xuyên, liên tục với cường độ ngày càng mạnh. Để có thể giải quyết căn cơ được tình trạng hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân lâu dài. Tôi xin đề xuất một số giải pháp lâu dài như sau:

Thứ nhất: Công tác phòng, chống hạn hán chủ yếu nằm ở khâu phòng hạn hán xảy ra từ đầu vụ, do đó công tác dự báo, đánh giá cần có đủ hệ thống, trang thiết bị đo đạc, phân tích trên cơ sở khoa học để đưa ra những nhận định sát với thực tế. Từ đơn vị quản lý công trình, địa phương có nhưng biện pháp chủ động để đối phó, hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước diễn ra.

Thứ hai: Khi hạn hán xảy ra, sự phối hợp giữa đơn vị cấp nước, người hưởng lợi và chính quyền địa phương là yếu tố quyết định để công tác chống hạn thành công, hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra. Do đó cần tăng cường công tác phối kết hợp giữa địa phương, người hưởng lợi với Công ty trong việc triển khai cung cấp nước phục vụ sản xuất.

Thứ ba: Nâng cao hiệu quả các công trình hiện hữu bằng biện pháp công trình như: nâng cấp hồ theo hướng tăng dung tích, nạo vét lòng hồ, gia cố các hạng mục đầu mối chống thất thoát…để nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi hiện hữu (Phù hợp với Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi)

Thứ tư: Xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, tập trung vào các công trình trọng điểm để tạo ra được nguồn nước dồi dào, điều tiết được vùng rộng lớn

Thứ năm: Triển khai mô hình tưới tiết kiệm cũng là biện pháp hữu hiệu đối với các vùng có nguồn nước khó khăn

Thứ sáu: Rà soát lại quy hoạch nông nghiệp, bên cạnh vấn đề khí hậu, thổ nhưỡng… tài nguyên nước và hiện trạng công trình thủy lợi là yếu tố đầu vào quan trọng cần tính đến kỹ hơn.

Nhà báo Lê Dung:Với các giải pháp phi công trình, về lâu dài những giải pháp nào được coi là “con át chủ bài” cho phòng chống khô hạn và phát triển nông nghiệp bền vững?

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Về lâu dài phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch cây trồng phù hợp. Chọn cây trồng phù hợp để thích ứng với thời tiết, chịu được hạn nhưng có năng suất cao, sản phẩm mang tính đặc trưng và có thị trường tiêu thụ.

Trang trại có nhu cầu đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho 60ha sầu riêng gia đình, nhưng chi phí quá lớn. Hỏi Nhà nước có sự hỗ trợ nào không? (Ông Tô Minh Triết, Chủ hội Quản lý VietGAP Trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa)).

* "Nhà nước hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt"

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Hiện nay, trang trại Gia Trung là một trang trại có quy mô lớn và là điểm của tỉnh. Nhà đầu tư trang trại cũng là một người có trình độ khoa học kỹ thuật. Trong triển khai hỗ trợ nông nghiệp Chính phủ đã có Nghị định quyết định hỗ trợ người dân làm trang trại có nhu cầu đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Và ở huyện Chư Jút đã có một số người được hỗ trợ. Anh có thể lên Phòng Nông nghiệp thị xã hoặc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông để được giúp đỡ.

Gia đình tôi muốn mở trang trại để mở rộng sản xuất, nhưng xin thủ tục, giấy tờ rắc rối, khó khăn quá. Xin hỏi làm như thế nào để người dân bớt phiền hà hơn? (Ông Lê Thái Giám, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức)

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Nhà nước đang khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Người dân nên liên hệ phòng nông nghiệp gần nhất. Tuy nhiên, bà con phải xác định đúng về hiệu quả trang trại để đảm bảo hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Nhà báo Lê Dung: Thưa quý vị và các bạn! Trong thời gian có hạn của buổi tọa đàm chắc hẳn chúng ta đã có được những nhìn nhận nhất định về tình trạng khô hạn trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2015 -2016. Dù vẫn còn nhiều nội dung mà cuộc tọa đàm này muốn đề cập và còn nhiều câu hỏi chưa thể trả lời đầy đủ. Qua buổi tọa đàm chúng tôi hi vọng mọi người sẽ có cái nhìn, hướng đi và các hành động tích cực hơn không chỉ trong vụ sản xuất Đông Xuân 2015 -2016, vụ Hè Thu 2016 mà còn có cái nhìn tổng thể về sự phát triển bền vững trên địa bàn trong tình hình biến đổi khí hậu.

Xin cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.

Video Tọa đàm phòng, chống hạn và phát triển nông nghiệp bền vững (phần 1):

Video Tọa đàm phòng, chống hạn và phát triển nông nghiệp bền vững (phần 2):

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm trực tuyến về phòng, chống hạn và phát triển nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO