Tìm hiểu về thời gian, địa điểm và cách thức bỏ phiếu

Quốc Sỹ| 19/05/2021 10:10

(Theo luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015)

1. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 được ấn định vào ngày nào?

Quốc hội quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23-5-2021.

2. Việc thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu được tiến hành thế nào?

Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.

3. Việc bỏ phiếu được tiến hành trong thời gian nào?

Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.

Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.

4. Trong ngày bầu cử, việc bỏ phiếu có được tạm nghỉ không?

Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

5. Ngày bỏ phiếu có được hoãn hoặc bỏ phiếu sớm hơn không?

Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

6. Cử tri bỏ phiếu ở đâu?

Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bổ dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.

7. Khi đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, mỗi cử tri có quyền bỏ mấy phiếu bầu?

Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.

8. Khi đến bầu cử, cử tri phải tuân thủ quy định gì?

Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

9. Cử tri có quyền nhờ người khác đi bầu cử thay mình không?

Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

10.Trường hợp nào được nhờ người khác viết phiếu hộ?

Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

11. Việc viết phiếu bầu được quy định thế nào?

Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

12. Cách thức bỏ phiếu và gạch phiếu bầu?

Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.

Quốc Sỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu về thời gian, địa điểm và cách thức bỏ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO