Tìm hiểu, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI): Đảng lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa - văn nghệ

Tường Mạnh| 20/01/2015 08:56

Mục tiêu của xây dựng nền văn hóa ở nước ta hiện nay là tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Văn hóa là lĩnh vực tinh thần, tư tưởng, đạo đức và lối sống, là sự nghiệp cách mạng to lớn của nhân dân ta nên cần phải có sự lãnh đạo của Đảng. Kinh nghiệm cho thấy, cứ mỗi lần đất nước có những bước ngoặt thì sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa lại được đặt ra.

Vì vậy, sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa là một vấn đề tư tưởng, có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. Đảng lãnh đạo văn hóa-văn nghệ một cách toàn diện: tư tưởng, chính trị, tổ chức và chuyên môn. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững đất nước” cũng đã tiếp tục khẳng định: xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Chính trị tỉnh (1/1/2004-1/1/2014). Ảnh: Nguyễn Hiền

Có thể nói, văn hóa, văn nghệ có vai trò to lớn trong việc hình thành tư tưởng, đạo đức và lối sống, thái độ chính trị của con người, nên bất cứ giai cấp nào, chính đảng nào cũng muốn nắm văn hóa-văn nghệ để truyền bá tư tưởng, quan điểm của mình, tạo ra xã hội, con người  phù  hợp với lợi ích giai cấp của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động lật đổ ách thống trị của giai cấp thống trị cũ thì tất yếu cũng lật đổ sự thống trị về mặt tư tưởng, chính trị. Đảng phải nắm lấy quyền lãnh đạo văn hóa-văn nghệ để xóa bỏ nền văn hóa cũ, xây dựng nền văn hóa mới như là một tất yếu.

Hiện nay, cuộc đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đạo đức và lối sống đang diễn ra hết sức phức tạp, gay gắt nên để chống lại các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa thì Đảng phải nắm lấy sự lãnh đạo này. Mặt khác, sự suy thoái tư tưởng, đạo đức và lối sống ở nước ta và ở ngay trong Đảng đang có chiều hướng gia tăng nên càng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng.

Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng là dựa trên cơ sở tính đặc thù của văn hóa-văn nghệ. Văn hóa-văn nghệ là lĩnh vực tinh thần, không giống như chính trị, kinh tế, quân sự nên không thể áp đặt mệnh lệnh, kế hoạch, cầm tay chỉ việc, cào bằng máy móc, số đông thắng số ít mà phải tôn trọng sự tự do sáng tạo.

Phương thức lãnh đạo của Đảng về văn hóa-văn nghệ cũng mang tính đặc thù và đa dạng: lãnh đạo trên cơ sở tôn trọng tính đặc thù của văn hóa (hoạt động tinh thần, sáng tạo, gắn với cá nhân), phong phú về hình thức. Đảng khuyến khích sáng tạo những tác phẩm văn hóa - văn nghệ có giá trị, tổ chức các hoạt động sáng tạo có định hướng; động viên khuyến khích thực hiện đường lối văn hóa của Đảng, chính sách văn hóa của Nhà nước.

Để lãnh đạo sự nghiệp xây dựng nền văn hóa ở thời kỳ lịch sử mới đầy khó khăn và phức tạp, Đảng cũng đòi hỏi các cấp ủy, các cơ quan nhà nước cần thay đổi nhận thức về sự lãnh đạo và quản lý. Đó là lãnh đạo và quản lý hoạt động văn hóa-văn nghệ chủ yếu là phải phát huy mọi khả năng sáng tạo, nhằm đưa văn hóa nghệ thuật phát triển. Việc đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn hóa-văn nghệ cũng là yếu tố có ý nghĩa quyết định để khai thác mọi tiềm năng sáng tạo, sự phát triển sự nghiệp văn hóa-văn nghệ một cách thuận lợi.

Đổi mới và nâng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa là không ngừng nâng cao nhận thức của Đảng, của nhân dân về vai trò của văn hóa: là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, vừa bảo đảm cho văn hóa, văn nghệ, báo chí…phát triển theo định hướng chính trị của Đảng, vừa bảo đảm quyền sáng tạo văn hóa, khoa học, văn hóa nghệ thuật của cá nhân, sự hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hóa mang tính nhân dân, do toàn thể nhân dân lao động cùng đội ngũ trí thức cách mạng là người sáng tạo và hưởng thụ các thành tựu văn hóa. Vì vậy, xây dựng nền văn hóa mới là sự nghiệp cách mạng to lớn của nhân dân, phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vì, Đảng là đại biểu đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và của cả dân tộc, được trang bị thế giới quan chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng đúng đắn cho sự phát triển của văn hóa dân tộc. Đảng cũng là lực lượng tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, tâm hồn dân tộc, là người đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, tổ chức, lôi cuốn nhân dân tham gia sự nghiệp đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI): Đảng lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa - văn nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO