Thương mại, dịch vụ chiếm 40,39% cơ cấu kinh tế Gia Nghĩa
Thương mại, dịch vụ ở TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) ngày càng chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Người dân hưởng lợi nhiều mặt
Bà Nguyễn Thị Lê, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân, có hơn 30 năm sinh sống tại TP. Gia Nghĩa. Theo bà Lê, thương mại, dịch vụ Gia Nghĩa những năm qua có bước phát triển rất mạnh.
Đặc biệt, giai đoạn từ khi Gia Nghĩa lên thành phố, hàng hóa phong phú, dịch vụ ngày càng mở rộng, phát triển đa dạng cả về loại hình, quy mô nên người dân được hưởng lợi nhiều mặt.

Bà Lê nhớ lại, cách đây khoảng 20 năm, việc giao thương của gia đình bà rất khó khăn do giao thông kém, cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ ít.
Bà lấy ví dụ, trước đây gia đình bà muốn về quê hay đi đâu ngoài tỉnh thì chủ yếu phải phụ thuộc vào một số nhà xe hoạt động đường dài liên tỉnh.
Nhưng hiện nay, số nhà xe trong thành phố chạy các tuyến rất nhiều. Trong số này, có nhiều nhà xe chất lượng cao. Gia Nghĩa có nhiều dịch vụ như tắc xi nội thành, thuê xe đưa đón tận nơi... rất thuận lợi.

Cũng theo bà Lê, những năm gần đây, không chỉ người dân trên địa bàn mà nhiều người từ các tỉnh, thành phố khác cũng đến Gia Nghĩa lập nghiệp, mở cơ sở kinh doanh, buôn bán, dịch vụ.
Từ trung tâm thành phố cho đến dọc các trục đường tại các phường, xã Đắk Nia, Đắk R’moan..., chỗ nào người dân cũng mua được hàng hóa, sử dụng được các dịch vụ theo nhiều hình thức.
"Bây giờ, người dân Gia Nghĩa rất thuận lợi trong các hoạt động thương mại, dịch vụ, chỗ nào cũng có hàng hóa. Đời sống của người dân vì thế được nâng cao rất nhiều”, bà Lê chia sẻ.

Anh Lê Như Thạnh, chủ hộ cửa hàng bách hóa Hoàng Hảo tại chợ Gia Nghĩa cho biết, gia đình anh hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ từ nhiều năm nay.
Gia đình kinh doanh các sản phẩm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng với chủng loại, mẫu mã đa dạng. Quy mô, số lượng hàng hóa của cửa hàng đã tăng gấp 5 so với trước.
Từ năm 2019, gia đình anh mở thêm một cửa hàng mới cũng tại khu vực chợ Gia Nghĩa. Hàng tháng cũng như các dịp lễ tết, khi nhu cầu của người dân tăng thì cửa hàng của anh tăng lượng hàng nhập vào đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Không chỉ tăng về quy mô, số lượng, anh Thạnh luôn chú ý đến nguồn hàng với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt để nâng cao khả năng phục vụ người tiêu dùng.
Động lực tăng trưởng quan trọng
Theo UBND TP. Gia Nghĩa, những năm qua, quy mô thương mại, dịch vụ luôn tăng. Tính đến 31/12/2024, toàn thành phố có 5.310 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động.
Trong đó, 4.554 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và 756 doanh nghiệp. Toàn thành phố có 340 hộ kinh doanh cá thể thành lập mới, tổng vốn điều lệ 129 tỷ đồng, tăng 171 hộ so với năm 2023. Số lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên 17.100 người.

Hiện thành phố có 9 ngân hàng, tổ chức tín dụng đang hoạt động. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận.
Thành phố có 56 cơ sở kinh doanh lưu trú, 7 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường và nhiều quán ăn cơ bản đáp ứng nhu cầu khách đến nghỉ dưỡng.

Các cơ sở kinh doanh ăn uống đa dạng ẩm thực, đặc sản các vùng miền, một số nhà hàng có quy mô lớn có sức chứa từ 1.000 - 2.500 chỗ ngồi.
Hiện nay, thành phố đang phát triển mạnh mẽ các mô hình du lịch gắn với cảnh quan, sản xuất nông nghiệp, tạo điểm vui chơi, tham quan cho người dân trên địa bàn thành phố và du khách trong và ngoài tỉnh.
Năm 2024, tổng giá trị sản phẩm ngành thương mại, dịch vụ của TP. Gia Nghĩa ước đạt 2.890 tỷ đồng, tăng 7,38% so với năm 2023 (2.691 tỷ đồng); tổng giá trị sản phẩm ngành theo giá hiện hành ước đạt 5.018 tỷ đồng. Khu vực dịch vụ, thương mại chiếm tỷ trọng 40,39% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Trong đó thương mại chiếm tỷ trọng 19,03%; dịch vụ chiếm tỷ trọng 21,36%.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Gia Nghĩa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu trọng tâm là chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Đây là một trong 4 khâu đột phá hàng đầu của thành phố trong nhiệm kỳ này.
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa, địa phương đã tập trung phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trong đó, thành phố lấy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch là mũi nhọn, tạo cơ sở thực hiện các bước đột phá chiến lược khác. Thành phố tăng cường các nguồn lực đầu tư, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng.

Đến nay, Gia Nghĩa đã cơ bản hoàn thiện hệ thống phân phối từ các hàng hóa thiết yếu đến cao cấp, đáp ứng nhu cầu mua sắm, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân.
Thương mại, dịch vụ có bước phát triển về quy mô, chất lượng, thể hiện vai trò động lực, đóng góp quan trọng vào tốc độ phát triển kinh tế.
Gia Nghĩa đã xây dựng một số nhãn hiệu sản phẩm OCOP và hình thành một số nhà phân phối, nhiều cửa hàng, đại lý lớn trên địa bàn các phường, xã.
Năm 2025, TP. Gia Nghĩa hướng đến một số mục tiên lớn của lĩnh vực thương mại, dịch vụ như giá trị cơ cấu ngành chiếm 40,61% trong tổng giá trị toàn ngành kinh tế địa phương.

Thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh để kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe Nhân dân.
Gia Nghĩa phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái, cộng đồng và bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, mang đậm bản sắc riêng của địa phương. Thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.