Kinh tế

Gia Nghĩa - Từ vùng chiến sự đến đô thị phát triển

Thanh Nga 23/03/2025 05:03

Gia Nghĩa (Đắk Nông) từng là vùng chiến sự ác liệt. 50 năm sau ngày giải phóng, Gia Nghĩa đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế - chính trị Đắk Nông, mang dáng dấp hiện đại, văn minh.

Vùng chiến sự ác liệt

“Tất cả các loại bom đạn, vũ khí Mỹ dùng ở miền Nam Việt Nam thì vùng đất Gia Nghĩa chúng rải không thiếu loại nào. Mỹ dùng cả máy bay B52 rải bom, cài mìn cóc, mìn nhái… khắp vùng đất Gia Nghĩa”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh hiện sinh sống tại tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, kể lại.

Ông Khanh năm nay đã 85 tuổi. Ông từng trực tiếp chiến đấu để giải phóng Gia Nghĩa. Lúc đó, ông Khanh làm công tác hậu cần và vận tải tại Gia Nghĩa.

img_3558(1).jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh hiện sinh sống tại tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cùng người vợ xem lại huân chương kháng chiến hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng

Trải qua các thời kỳ lịch sử, địa danh Gia Nghĩa nhiều lần thay đổi tên gọi và có địa giới hành chính khác nhau. Ngày 23/1/1959, tỉnh Quảng Đức được thành lập theo Sắc lệnh số 24-NV của Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa; tỉnh lỵ là thị xã Gia Nghĩa. Gia Nghĩa bị chiếm đóng, biến thành vùng căn cứ quan trọng của địch.

Với âm mưu “tát nước bắt cá”, từ năm 1962, trên địa bàn Quảng Đức, chính quyền Sài Gòn đã triển khai gom dân lập ấp chiến lược để loại lực lượng cách mạng của ta nhưng chúng không đạt được kết quả như mong muốn.

Năm 1966, chúng buộc phải co cụm, chủ trương dồn các bon đồng bào dân tộc lập thành các ấp chiến lược mới nằm ven thị xã Gia Nghĩa.

Về phía chính quyền cách mạng, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược, tháng 12/1960, Trung ương quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức (lấy mật danh B4), thuộc Liên tỉnh 4, do Liên khu 5 trực tiếp chỉ đạo.

Đến tháng 5/1971, tỉnh Quảng Đức giải thể lần thứ 4. Lúc này, Gia Nghĩa thuộc huyện Khiêm Đức trực thuộc tỉnh Lâm Đồng dưới sự chỉ đạo của Khu 6.

img_3571(1).jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh cùng vợ là cụ Phạm Thị Hương hiện sinh sống tại tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa

Để chỉ đạo kháng chiến trên mặt trận Gia Nghĩa, tháng 11/1974, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã cử đồng chí Trần Thành, Thường vụ Tỉnh ủy sang trực tiếp chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Gia Nghĩa và Khiêm Đức.

Phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Gia Nghĩa là minh chứng sinh động cho một địa phương có bề dày truyền thống đấu tranh kiên cường. Mốc son đó là giải phóng Gia Nghĩa vào sáng 23/3/1975.

Ngày 10/3/1975, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), huyện Đức Lập (nay là huyện Đắk Mil) được giải phóng, mở đầu cho sự tan rã của toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên. Từ ngày 18 - 22/3/1975, địch tháo chạy khỏi Gia Nghĩa và các huyện lân cận.

img_3602(1).jpg
Các huân chương, huy chương của cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh

Nhớ lại những ngày tháng hào hùng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh kể: Ngày 21/3/1975, ban đầu địch rục rịch rút quân do biết ở Đức Lập, Buôn Ma Thuột đã bị thất bại và hoang mang vì nguồn tiếp tế về hậu cần không được chi viện.

Tối 21/3/1975, chúng đốt kho đạn ở đồi pháo tại Gia Nghĩa với mục đích không để quân ta sử dụng được vũ khí, súng đạn của chúng. Ý định của chúng rút về hướng Đức Xuyên (nay là huyện Krông Nô), rồi về Buôn Ma Thuột.

Thế nhưng, khi về đến Đức Xuyên thì chúng bị bộ đội của ta chặn đánh. Lúc đó, địch quay trở lại quốc lộ 28, qua sông Đồng Nai để rút về Lâm Đồng nhưng cũng bị ta chặn đánh thảm bại.

img_3598(1).jpg
Niềm vui của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh khi chia sẻ niềm vui khi quân và dân giải phóng Gia Nghĩa 23/3/1975

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh chia sẻ, lúc đó quân số của địch khoảng 100 tên, bộ đội ta chỉ khoảng 50 người địa phương và Trung đoàn 66. Trung đoàn 66 của ta được phân công giải phóng Quảng Đức nhưng khi vào đến nơi thì địch đã rút hết và tự tan rã.

“Sau khi địch rút thì bộ đội ta tiếp quản Gia Nghĩa. Khoảng 6 - 7 giờ sáng ngày 23/3/1975, quân giải phóng của ta kéo cờ Ngụy xuống và treo cờ mình lên”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh thuật lại.

img_3587(1).jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh vui vẻ khi nhớ về thời tuổi trẻ đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc

Sáng ngày 24/3/1975, Ủy ban Quân quản Gia Nghĩa chính thức được thành lập do đồng chí Trần Thành làm Chủ tịch. Gia Nghĩa - Đắk Nông được hoàn toàn giải phóng vào ngày 23/3/1975 là sự tiếp nối của chiến thắng Đức Lập và chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Chiến thắng Gia Nghĩa có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở rộng hành lang chi viện cho các tỉnh Nam Bộ; hoàn thành sứ mệnh lịch sử kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, góp phần vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh

Đổi thay của Gia Nghĩa sau 50 năm

Bà Phạm Thị Hương, năm nay 71 tuổi, vợ của cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh, một trong số người dân sinh sống ở Gia Nghĩa hơn 50 năm trước.

Bà Hương chia sẻ: Trước giải phóng, ở Gia Nghĩa dân cư rất ít. Ngày 23/3/1975, tôi cùng gia đình bị địch lùa dân kiểu như làm con tin đi bộ qua Lâm Đồng.

Chúng bắt người dân đi trước cho đến khi đến sông Đồng Nai có 1 máy bay bị rớt thì không đưa dân đi nữa và những máy bay khác cũng rút hết.

Khi đó, lính nó cũng giải tán đi đâu chúng tôi không biết. Sau đó, chúng tôi tự đi qua Lâm Đồng. Khi đến Đức Trọng, chúng tôi xin cơm nước ăn uống xong ở đó khoảng 1 tháng.

Sau khi thống nhất đất nước, tôi cùng gia đình ở đó làm ăn một thời gian rồi về Buôn Ma Thuột và sau nữa mới quay về Gia Nghĩa.

img_3576(1).jpg
Cụ Phạm Thị Hương vui mừng vì chứng kiến sự phát triển của đô thị Gia Nghĩa trong 50 năm qua

“Gia Nghĩa lúc bấy giờ vẫn ít dân sinh sống và bộn bề khó khăn bởi xuất phát điểm thấp lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Được Đảng, bộ đội và chính quyền tuyên truyền vận động nên dân Gia Nghĩa quay về nhiều hơn. Chúng tôi yên tâm vì đã giành được độc lập, từng bước khắc phục khó khăn phát triển kinh tế. Từ đó, đời sống ngày càng phát triển”, bà Hương chia sẻ.

Trước năm 2004, huyện Ðắk Nông là một trong những địa phương nghèo của tỉnh Đắk Lắk. Sau khi tái lập tỉnh năm 2004, Ðảng bộ TP.

Gia Nghĩa qua các nhiệm kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra quyết sách đúng đắn, huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khơi dậy khát vọng vươn lên của Nhân dân các dân tộc, tạo đà phát triển nhanh và bền vững.

thuong-mai-dich-vu-cua-gia-nghia-co-buoc-phat-trien-ro-net(1).jpg
Thương mại, dịch vụ của Gia Nghĩa có bước phát triển rõ nét

Qua 20 năm, đến nay TP. Gia Nghĩa đã thoát khỏi tình trạng của một huyện nghèo trước đây và đạt những thành quả mang ý nghĩa quyết định trên hành trình xây dựng và phát triển.

Đời sống Nhân dân các dân tộc ở Gia Nghĩa không ngừng được cải thiện nâng lên về mọi mặt. Thành phố Gia Nghĩa hôm nay đã và đang dần đổi thay từng ngày phát triển theo hướng đô thị xanh, hiện đại, thông minh.

Kinh tế của Gia Nghĩa phát triển khá năng động, với tăng trưởng đạt trên 8% trong năm 2024. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhiệm kỳ 2020 - 2025 ước đạt trên 34.680 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng trung bình ước tính của nhiệm kỳ 2020 - 2025 của thành phố là 11,76%/năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt trên 4.631 tỷ đồng. Khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 17.218 tỷ đồng.

Khu vực dịch vụ ước đạt 12.830 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của Gia Nghĩa năm 2024 đạt khoảng 54,23 triệu đồng/người và năm 2025 dự kiến ước đạt 57,05 triệu đồng/ người.

nguoi-dan-gia-nghia-kha-hai-long-vi-hang-hoa-phong-phu(1).jpg
Người dân Gia Nghĩa khá hài lòng vì hàng hóa phong phú

Thu ngân sách năm 2024 của Gia Nghĩa ước tầm 1.100 tỷ đồng. Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 7.157 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế của Gia Nghĩa chuyển dịch theo đúng định hướng của tỉnh, Trung ương đó là tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp.

Về hạ tầng đô thị, giao thông được nâng cấp, hoàn thiện với hầu hết các đường liên xã đã được nhựa hóa, đường liên thôn được bê tông hóa. Đến nay, Gia Nghĩa có 100% đường đô thị được nhựa hóa và bê tông hóa.

Tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa và bê tông hóa chung toàn thành phố đạt 76,77%. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa 67,72%. Tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 96%.

sau-20-nam-tai-lap-tinh-gia-nghia-phat-trien-ro-net-mang-dang-dap-do-thi-hien-dai-do-thi-xanh(1).jpg
Sau 20 năm tái lập tỉnh, Gia Nghĩa phát triển rõ nét, mang dáng dấp đô thị hiện đại, đô thị xanh

Tỷ lệ đô thị hóa 78%. Tỷ lệ chiếu sáng các đường phố chính 100%. 100% số hộ dân đã được tiếp cận điện lưới quốc gia. Hệ thống cấp nước sạch đã phủ rộng, với gần 100% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Dáng dấp để trở thành "đô thị bô xít"

Ngày 31/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1757/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Đắk Nông tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội theo mô hình “Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển”. TP. Gia Nghĩa là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ của Đắk Nông.

nui-song-gia-nghia-hien-hoa(1).jpg
Đô thị Gia Nghĩa đang vươn mình phát triển nhanh, bền vững

TP. Gia Nghĩa là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh. TP. Gia Nghĩa tiếp nhận sự phát triển lan tỏa của vùng, quốc gia thông qua ba cực động lực tăng trưởng, bốn hành lang kinh tế, lan tỏa đến bốn tiểu vùng phát triển.

Gia Nghĩa có vai trò, vị trí quan trọng trong cực động lực tăng trưởng của Đắk Nông. Theo quy hoạch, Gia Nghĩa có vai trò đô thị hạt nhân trung tâm của cực động lực trung tâm hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R’lấp - Gia Nghĩa - Quảng Khê.

gia-nghia-co-vi-tri-chien-luoc-trong-lien-ket-phat-trien-voi-cac-vung-kinh-te-nang-dong-nhu-tp.-ho-chi-minh-cac-tinh-dong-nam-bo-va-tay-nguyen(1).jpg
Gia Nghĩa có vị trí chiến lược trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế năng động như TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên

Theo quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Gia Nghĩa sẽ được đầu tư phát triển mạnh về giao thông.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, Đắk Nông sẽ có 2 tuyến đường cao tốc là: Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – Gia Nghĩa (Đắk Nông).

Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia sẽ xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành, thuộc tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Về phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh, sẽ đầu tư tuyến đường kết nối TP. Gia Nghĩa và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).

Đắk Nông đang tập trung phát triển đô thị Gia Nghĩa trở thành đô thị loại II, theo hướng văn minh, hiện đại, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trong đó, thành phố huy động các nguồn lực triển khai các quy hoạch xây dựng phù hợp với quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, quy hoạch chung của đô thị Gia Nghĩa đến năm 2050.

nui-song-gia-nghia-hien-hoa(2).jpg
Đô thị Gia Nghĩa hiền hòa như bức tranh thủy mặc

Thành phố nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch đô thị gắn với bảo vệ địa chất, cảnh quan, môi trường theo định hướng “Phố trong rừng, rừng trong phố” và đa dạng cây trồng bản địa.

Phát triển đô thị Gia Nghĩa là một đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường. Thành phố đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, du lịch, đặt trong mối quan hệ với hệ thống đô thị vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và hội nhập sâu rộng.

Phát triển đô thị Gia Nghĩa gắn với nhiệm vụ chiến lược quan trọng là làm hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy, lan tỏa, phát triển tới các huyện trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận trong vùng. Gia Nghĩa thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân vào để phát triển.

thanh-pho-gia-nghia-phat-trien-theo-huong-do-thi-xanh-thong-minh-ben-vung(1).jpg
Đô thị Gia Nghĩa đang vươn mình phát triển

Gia Nghĩa định hướng phát triển một cách khoa học, hợp lý hệ thống các khu chức năng và hiện đại hóa các hạ tầng kỹ thuật, tạo nét đặc trưng về không gian kiến trúc đô thị độc đáo riêng của đô thị, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông chia sẻ: “Nhiều người bạn của tôi từ các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… khi đến với Gia Nghĩa họ ngỡ ngàng với sự phát triển nhanh của đô thị Gia Nghĩa !”.

Thành tựu của Gia Nghĩa của hôm nay rất đáng được khích lệ nhưng đó mới chỉ là kết quả của một thời gian ngắn. Gia Nghĩa - một đô thị còn rất trẻ.

dong-chi-tran-quoc-huy-nguyen-uy-vien-t.u-dang-nguyen-bi-thu-tinh-uy-dak-nong(1).jpg
Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông

Muốn cho Gia Nghĩa sắp đến phát triển nhanh hơn, bền vững đáng sống, cùng bè bạn bước vào kỷ nguyên mới nằm trong tốp những đô thị đẹp đáng sống, có thương hiệu được nhiều người yêu mến thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Trước hết, phải có ý chí quyết tâm tạo sự thống nhất cao không những trong hệ thống chính trị mà còn phải toàn xã hội; không chỉ nhận thức mà còn biến thành tình cảm, ý chí khát vọng của các thị dân tình yêu quê hương, xứ sở nơi mình sinh sống.

Cùng với trí tuệ, thành phố huy động được sức dân để mỗi người dân Gia Nghĩa, nhất là lớp trẻ, tự hào về nơi mình sống với tình yêu thương đậm đà sâu sắc. Gia Nghĩa rất cần thiết xem xét bối cảnh mới để có nhận thức kịp thời, khoa học.

gia-nghia-duoc-thien-nhien-ban-tang-nhieu-loi-the-de-phat-trien-du-lich(1).jpg
Gia Nghĩa được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế để phát triển du lịch

Đồng chí Trần Quốc Huy cũng phân tích, TP. Gia Nghĩa nằm trong vùng có quỹ đất bazan dồi dào, phong phú trên cao nguyên M’nông.

Gia Nghĩa có những sản phẩm nông nghiệp đặc sản, có giá trị cao, có tầm quốc tế như cà phê, hồ tiêu, ca cao, nhiều loại trái cây và rau củ ngon…

dong-chi-tran-quoc-huy-nguyen-uy-vien-t.u-dang-nguyen-bi-thu-tinh-uy-dak-nong-chia-se-voi-phong-vien-bao-dak-nong-ve-huong-phat-trien-do-thi-gia-nghia-1-.jpg
Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông chia sẻ với phóng viên Báo Đắk Nông về hướng phát triển đô thị Gia Nghĩa

Gia Nghĩa còn nằm trong vùng phía Nam của Đắk Nông có trữ lượng bô xít chiếm gần 2/3 tổng trữ lượng bô xít cả nước. Chế biến alumin đang phát triển tốt.

Nhà máy điện phân nhôm sắp được khánh thành và Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch chế biến sâu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó sẽ là động lực rất lớn, con đường đi thứ hai phát triển Gia Nghĩa để trở thành “đô thị bô xít”.

gia-nghia-con-nhieu-tiem-nang-khai-thac-de-phat-trien-kinh-te(1).jpg
Gia Nghĩa có vị trí chiến lược trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế năng động như TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Gia Nghĩa - Từ vùng chiến sự đến đô thị phát triển
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO