Ngày ấy chúng tôi vào giải phóng, tiếp quản Gia Nghĩa
Cách đây tròn 50 năm, tỉnh lỵ Quảng Đức (cũ), nay là TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) được giải phóng. Trong tâm trí của những người trực tiếp tham gia giải phóng, tiếp quản vùng đất này vẫn còn vẹn nguyên ký ức tươi đẹp.
Nhanh chóng làm chủ trận địa
Ông Lê Trúc Phương, năm nay 82 tuổi, ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa. Ông nguyên là cán bộ Ban Hành lang tỉnh Quảng Đức, nguyên Thư ký Thường trực Ủy ban Quân quản Gia Nghĩa (Quảng Đức cũ). Ông cũng là người trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Gia Nghĩa vào tháng 3/1975.
Ông Phương nhớ lại, sau khi quân giải phóng đánh chiếm Đức Lập, Kiến Đức (ngày 9/3/1975), Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975), quân địch thất thủ ở các nơi và tháo chạy về Gia Nghĩa, tạo nên sự rối loạn nơi đây.
.jpg)
Hệ thống phòng ngự của địch ở phía Bắc và Tây Gia Nghĩa hầu như tê liệt. Trước tình hình đó, Huyện ủy Quảng Đức (cũ) họp đề ra nhiệm vụ giải phóng Gia Nghĩa. Huyện ủy đề ra mục tiêu trước mắt tổ chức chặn đánh địch rút quân từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng theo đường số 8.
Ngày 22/3/1975, địch ở Gia Nghĩa rút chạy theo đường Kim Đa xuống Di Linh bị lực lượng địa phương bám đánh, bắn cháy 2 xe. Địch hoảng hốt bỏ cả xe, pháo chạy trốn vào rừng về phía sông Đồng Nai.
5h sáng 23/3/1975, lực lượng vũ trang của ta vào tiếp quản Gia Nghĩa. Trưa 23/3/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trước dinh Tỉnh trưởng Quảng Đức, Ty cảnh sát và các công sở khác.
Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn được giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Quảng Đức kết thúc thắng lợi.
“Trước khi tiến hành chiến dịch giải phóng Gia Nghĩa, quân giải phóng đã thành lập Ủy ban Quân quản để tiếp quản Gia Nghĩa, ổn định tình hình và làm công tác an dân”, ông Lê Trúc Phương cho biết.
Cũng theo lời kể của ông Phương, chiều 26/3/1975, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Gia Nghĩa để chào mừng chiến thắng và chào mừng sự ra mắt của Ủy ban Quân quản.
Tại Lễ mít tinh, đồng chí Trần Thành, Chủ tịch Ủy ban Quân quản đọc bản “Chương trình hoạt động” của Ủy ban Quân quản. Chương trình đề ra các nhiệm vụ: tổ chức và lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình mọi mặt; khẩn trương xây dựng hệ thống chính quyền mới; trấn áp và truy quét bọn phản động còn đang ẩn náu; tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân.
Tiếp quản, an dân
Trước sức tấn công như vũ bão của quân và dân ta, địch ở Quảng Đức khiếp sợ, tháo chạy, thậm chí nhiều tài liệu quan trọng chúng chưa kịp tiêu hủy.
Ông Phương kể: "Trưa ngày 23/3/1975, chúng tôi vào giải phóng tiếp quản Gia Nghĩa. Địa điểm đầu tiên chúng tôi có mặt là Tòa hành chánh tỉnh Quảng Đức (cũ). Tại đây, chúng tôi thu hồi nguyên một kho tài liệu còn ngăn nắp, đánh dấu từ năm 1960 - 1975. Đặc biệt nhất là chúng tôi còn thu hồi được con dấu của viên Tỉnh trưởng Quảng Đức lúc bấy giờ là Trung tá Nghìn khi tháo chạy không kịp mang theo”.
.jpg)
Ông Phương cho biết, ngoài Tòa hành chánh Quảng Đức, Ủy ban Quân quản còn thu hồi được một số tài liệu tại Ty Cảnh sát (hiện nay là khu vực khách sạn 19/8). Tuy nhiên, trước khi rút chạy, địch đã kịp tiêu hủy nhiều tài liệu và phá hủy nơi này.
“Ngoài nhiệm vụ tiếp quản, thu hồi tài liệu thì công tác quan trọng nhất của Ủy ban Quân quản lúc bấy giờ là tuyên truyền, vận động Nhân dân và ổn định đời sống người dân”, ông Phương khẳng định.
Cũng theo ông Phương, thời điểm đó, trước khi tháo chạy, địch đã phao tin khắp dân chúng là quân giải phóng đánh vào sẽ “tắm máu”, trả thù, đóng đinh vào đầu…, gây hoang mang cho người dân.
Mục đích của địch là gây chia rẽ, làm người dân sợ quân giải phóng. Mặt khác, chúng còn thúc ép người dân tháo chạy cùng chúng. Địch biết rằng, khi tháo chạy có người dân đi theo, quân giải phóng sẽ khó tấn công.
“Thực tế, khi chúng tôi vào giải phóng, tiếp quản Gia Nghĩa, phần lớn người dân đã bị địch thúc ép bỏ chạy cùng chúng, chủ yếu theo đường số 8 sang Lâm Đồng. Tại Gia Nghĩa, địch đã phá nhiều nhà dân ở khu phố, nay là chợ Gia Nghĩa. Nhiều nhà dân bị địch cướp bóc của cải, trang sức, tan hoang”, ông Phương kể.
Trước tình hình đó, Ủy ban Quân quản đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ âm mưu của địch, đồng thời vận động người dân trở về nhà ổn định đời sống. Ngoài ra, Ủy ban Quân quản còn tổ chức cứu đói, chữa bệnh cho người dân.
“Lúc bấy giờ, chúng tôi đã điều xe ô tô xuống khu vực sông Đồng Nai để đón người dân trở về. Chủ yếu là người dân ở các ấp chiến lược quanh Gia Nghĩa, còn lại là đồng bào ở các bon. Những người bị ốm đau, bị thương thì đưa về bệnh viện chữa trị”, ông Phương cho biết.
Để chữa bệnh cho người dân và cả binh lính địch đầu hàng, lẩn trốn ra đầu thú, Ủy ban Quân quản đã yêu cầu y tá, bác sĩ… trước đây công tác ở bệnh viện Quảng Đức làm việc cật lực. Sau khi được vận động, tuyên truyền, họ đều đồng ý làm việc như trước đây.
“Đối với binh lính địch, Ủy ban Quân quản kêu gọi họ ra đầu thú. Sau khi học tập 3 ngày để hiểu chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta, phần lớn họ đều được trở về nhà”, ông Phương chia sẻ.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hết tháng 5/1975, Ủy ban Quân quản Gia Nghĩa hoàn thành sứ mệnh. Sau đó, ông Lê Trúc Phương chuyển sang công tác khác, ông cũng là một trong số ít nhân chứng lịch sử về ngày giải phóng Gia Nghĩa sinh sống trên địa bàn TP. Gia Nghĩa.
Đã 50 năm trôi qua song tôi không bao giờ quên những ngày tháng hào hùng đó của dân tộc. Tôi tự hào vì đã góp phần nhỏ trong thắng lợi chung của quân và dân ta.
Ông Lê Trúc Phương, nguyên Thư ký Thường trực Ủy ban Quân quản Gia Nghĩa