Chiến thắng Gia Nghĩa - Tiếp đà thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh
Chiến thắng Gia Nghĩa vào ngày 23/3/1975 góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chớp thời cơ
Vào ngày 16/3/1975, tại Quảng Đức, ta bắt được 3 tên thám báo của địch đang trên đường đi Đức Xuyên. Qua khai thác, quân ta phát hiện địch đang tìm đường rút chạy và thăm dò lực lượng quân giải phóng đang chuẩn bị đánh Gia Nghĩa.

Quân ta tiếp tục nghi binh và phao tin sư đoàn chủ lực đang ở phía Bắc và Tây Gia Nghĩa. Sau đó, quân ta thả 3 quân thám báo về Gia Nghĩa. Sau khi ta giải phóng Đức Lập, Kiến Đức và Buôn Ma Thuột, địch ở Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoang mang cực độ.
Bộ máy của địch trong các ấp hoàn toàn tê liệt, hệ thống phòng ngự ở phía Bắc và Tây thị xã Gia Nghĩa lúc này hầu như tan rã. Quân địch thất thủ ở các nơi đã tháo chạy về Gia Nghĩa.
Trước tình hình đó, quân ta khẩn trương tổ chức lực lượng chặn đánh địch rút quân từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng theo đường số 8. Đồng thời, quân ta tấn công nổi dậy giải phóng Gia Nghĩa.
Theo kế hoạch, ngày 22/3/1975, Trung đoàn 271 chủ lực tiến đánh, tiêu diệt địch ở tiểu khu Gia Nghĩa, giải phóng tỉnh Quảng Đức. Đồng thời, tại các vị trí Hàng No, Kinh Đạ, Huyện ủy Khiêm Đức, quân ta bố trí lực lượng du kích và bộ đội địa phương phục sẵn để đánh địch rút theo đường số 8.

Tại Hàng No, bị quân ta chặn đánh, địch tháo chạy hoảng loạn, bỏ lại 4 xe bọc thép, 6 khẩu pháo 105mm và hàng chục xe tải.
Số còn lại địch tiếp tục chạy về Kinh Đạ để xuống Di Linh cũng bị lực lượng địa phương K1 và K6 của tỉnh Lâm Đồng bám đánh, bắn cháy 2 xe bọc thép, bắt sống gần 200 quân. Chỉ còn một bộ phận nhỏ trốn vào rừng chạy về hướng sông Đồng Nai.
Chiều 22/3/1975, địch rút khỏi ấp Khiêm Cần, Khiêm An. Các đội công tác của ta vào hết các ấp chiến lược tiếp quản và ổn định tình hình Nhân dân trong ấp.
Tối 22/3/1975, một tiểu đoàn chủ lực của ta từ Đức Lập cũng đến Gia Nghĩa. Khoảng 10h đêm quân ta vào chiếm sân bay Gia Nghĩa, tòa nhà Tỉnh trưởng, Đoàn bảo an và một số điểm quân sự.
Cũng trong tối 22/3/1975, một bộ phận lực lượng vũ trang của huyện vào Gia Nghĩa để hỗ trợ với quân chủ lực tiếp quản thị xã. Vào lúc 5h sáng ngày 23/3/1975, lực lượng vũ trang của ta làm chủ hoàn toàn Gia Nghĩa.
Thiếu tá Tỉnh trưởng Quảng Đức vội vã bỏ lại tất cả, lên máy bay về Sài Gòn. Trưa 23/3/1975, cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trước dinh Tỉnh trưởng Quảng Đức, Ty Cảnh sát và các công sở khác của Ngụy quyền. Gia Nghĩa hoàn toàn giải phóng.
Nghi binh, căng kéo địch
Cùng với việc hoàn tất phương án tác chiến, các lực lượng của ta đã thực hiện nghi binh, căng kéo địch tại Gia Nghĩa hết sức hiệu quả. Địch đã bị các hoạt động nghi binh chiến dịch của ta làm cho lạc hướng.

Trước đó, ngày 18/2/1975, trong cuộc họp với các tướng lĩnh để kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch phòng thủ quốc gia, Nguyễn Văn Thiệu vẫn cho rằng: “Quân khu 2 sẽ là chiến trường trọng điểm; Quân khu 1 và 3 là chiến trường phối hợp. Cần đề phòng Cộng sản có thể đánh vào một số thị trấn nhỏ, nhất là các thị xã hẻo lánh ở Tây Nguyên như Quảng Đức, Kon Tum”.
Sau cuộc họp ở Phủ Tổng thống về, Phạm Văn Phú, Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu 2 kiêm Tư lệnh Quân đoàn 2 Ngụy đã triệu tập các chỉ huy trưởng đơn vị, các tiểu khu trưởng trong quân khu để nhận định tình hình, bàn kế hoạch đối phó.
Chúng cho rằng, hình thức bố trí lực lượng của đối phương “nhẹ đuôi nặng đầu” (các sư đoàn chủ lực đều tập trung ở hai tỉnh Kon Tum, Pleiku).
Nếu đánh lớn, đối phương sẽ lấy Kon Tum - Pleiku làm điểm, chiến sự sẽ diễn ra ác liệt. Nơi diễn ra sôi động thứ hai có thể là Quảng Đức vì hiện Cộng sản đã chiếm được Phước Long nên cần đánh Quảng Đức để mở thông hành lang Đông Trường Sơn. Do đó, Quảng Đức có thể nổi lên trong tình hình hiện nay.

Vào lúc này, công tác chuẩn bị lực lượng, địa bàn để phối hợp với bộ đội chủ lực tổng tấn công và nổi dậy ở Tây Nguyên của ta cũng đã được triển khai tích cực.
Dưới sự chỉ đạo của các Tỉnh ủy Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phước Long, các huyện Kiến Đức, Đức Lập, Khiêm Đức, Đức Xuyên đều xây dựng kế hoạch củng cố lực lượng vũ trang và các đội công tác, sẵn sàng phối hợp tấn công địch, phát động Nhân dân nổi dậy giành chính quyền.
Hướng Khiêm Đức, Tỉnh ủy Lâm Đồng cử đồng chí Trần Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến trực tiếp chỉ đạo địa bàn, huy động lực lượng địa phương. Trong đó, gồm có 2 trung đội và 22 cán bộ đội công tác làm nhiệm vụ bám cơ sở vận động quần chúng nổi dậy phối hợp.
Hướng Đức Xuyên, lúc đầu Tỉnh ủy và Tỉnh đội Đắk Lắk quyết định điều động một tiểu đoàn bộ binh, một đại đội trợ chiến xuống phối hợp với bộ đội H7 và du kích các xã Nâm Nung, Nam Ka làm nhiệm vụ giải phóng quận Đức Xuyên.
Nhưng sau đó, ta nhận định khi chiến dịch nổ ra, Đức Xuyên bị cô lập và địch sẽ phải rút chạy, nên không điều động lực lượng vũ trang tỉnh xuống địa bàn, chủ yếu giao cho bộ đội huyện, du kích địa phương và các đội công tác làm nhiệm vụ phối hợp tấn công, nổi dậy.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị về mọi mặt, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu bằng các trận đánh nghi binh và lần lượt giành thắng lợi ở các địa bàn chiến lược, trong đó có Gia Nghĩa.
Hồ hởi, vui mừng khi tiếp quản Gia Nghĩa
Cựu chiến binh Lê Văn Ly, nguyên Trung đội trưởng Đại đội Đặc công 90, Tỉnh đội Quảng Đức là một trong những người trực tiếp tham gia giải phóng Gia Nghĩa.

Theo ông Ly, sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, ở Gia Nghĩa, quân địch đã lung lay. Đơn vị của ông được lệnh về Gia Nghĩa để tham gia chiến dịch "da beo" (cắm cờ), làm nhiệm vụ tiến sâu vào lòng địch.
Từ đó gây tiếng nổ và giữ chân địch lại. Lúc này, địch rất hoang mang, lo sợ có lực lượng vào nên không dám đi chi viện cho những nơi khác.
“Quân ta cắm cờ tạo hình “da beo” khắp khu vực Gia Nghĩa. Cứ cờ đỏ sao vàng ở đâu là đất của cách mạng ở đó. Gặp địch thì đánh. Gặp dân thì tuyên truyền”, ông Ly thông tin.
Ông Ly kể lại, khi được tin Buôn Ma Thuột giải phóng, người dân ở Gia Nghĩa bị địch tuyên truyền, kích động, bỏ chạy dọc tuyến quốc lộ 28 về Kênh Đà.
Đơn vị của ông sau khi nhận được lệnh, lập tức đã ra đón dân, tuyên truyền cho dân. Đồng thời, yêu cầu người dân khi cách mạng vào, có nổ súng thì chui xuống hầm, để tránh thương vong.
Theo ông Ly, vào tối 22/3/1975, tầm 3 - 4h sáng 23/3/1975, đơn vị của ông đã tiếp cận, bắt được liên lạc với bộ đội chủ lực và trực tiếp tiến công cắm cờ ở dinh Tỉnh trưởng lúc 5h sáng 23/3/1975.
“Lúc tiếp cận được căn cứ, cắm cờ khẳng định giành được chủ quyền, trong lòng chúng tôi rất phấn khởi, hồ hởi vui mừng. Tuy nhiên, tất cả lực lượng vẫn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu vì lúc này chưa giải phóng hoàn toàn được miền Nam”, ông Ly xúc động.

Cựu chiến binh Trần Văn Quang, làm nhiệm vụ giao liên trong các trận tiến công giải phóng Gia Nghĩa cho biết, khi bộ đội chủ lực của ta tấn công vào, quân địch náo loạn bỏ chạy. Đồ đạc ném tung tóe, ngổn ngang dọc đường.
“Nhiều khu vực như: dinh Tỉnh trưởng, đồi bảo an, địch cho nổ hết các kho đạn. Trên khu vực Tỉnh đội, dưới cầu Đắk Nông, chúng cũng đốt cháy đồ đạc, phá hủy quân trang, quân dụng... Đồng thời, chúng cởi bỏ hết quân phục, vũ khí, giả làm dân thường và lôi kéo dân chạy loạn theo chúng”, ông Quang nhớ lại.
Lúc này, Đại đội Đặc công 90 được phân công nhiệm vụ đóng quân tại khu vực nhà máy đường. Tại đây, vừa đề phòng trường hợp địch phản kích, vừa làm nhiệm vụ phát thanh, tuyên truyền đường lối cách mạng cho dân, cùng dân dọn dẹp, sắp xếp nơi ăn, chốn ở…
Tạo đà giải phóng hoàn toàn miền Nam
Chiến thắng Gia Nghĩa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Việc nhanh chóng chớp thời cơ khi nhiều địa bàn quan trọng ở khu vực Tây Nguyên đã được giải phóng, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng chủ lực, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Đức đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để tấn công, truy kích, tiêu diệt địch và giải phóng Gia Nghĩa.

Gia Nghĩa có vị trí chiến lược là án ngữ đường 14 nối Buôn Ma Thuột với tỉnh Bình Phước và khởi nguồn đường số 8 nối sang tỉnh Lâm Đồng.
Do vậy, sau khi Gia Nghĩa giải phóng đã cắt đứt tuyến đường chi viện của địch từ Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên theo quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28, làm cho địch rơi vào thế bị động, mất phương hướng chiến đấu.
Chiến thắng Gia Nghĩa đã góp phần thúc đẩy khí thế cách mạng của toàn dân tộc. Bởi sau khi mất Gia Nghĩa, tinh thần quân địch suy sụp nghiêm trọng, mở đường cho các đòn tấn công tiếp theo vào các vị trí trọng yếu khác của ta.
Thắng lợi này là một trong những bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam vào ngày 30/4/1975.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gia Nghĩa nói riêng và Quảng Đức nói chung là chiến trường luôn bị chia cắt, đồng thời ở xa sự chỉ đạo của Trung ương, của các khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu.
Tuy nhiên, những nỗ lực và ý chí tự lực, tự cường của Đảng Bộ, quân và dân Quảng Đức, Gia Nghĩa đã được giải phóng một cách nhanh chóng.

Sự kiện 23/3/1975 là minh chứng rõ nét cho lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường của quân và dân Gia Nghĩa, Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.