Những ngày tháng Ba 50 năm trước
50 năm trước, vào những ngày tháng 3 lịch sử, quân và dân đã một lòng làm nên lịch sử trên vùng đất Gia Nghĩa.
Giành thắng lợi nhanh chóng
Trong ký ức của cựu chiến binh Đinh Xuân Tục, nguyên chiến sĩ đặc công E271, vẫn còn nguyên vẹn những hình ảnh hào hùng của quân và dân trong chiến dịch giải phóng Gia Nghĩa.
Nhận lệnh từ cấp trên, đơn vị ông Tục từ miền Đông Nam Bộ hành quân lên Tây Nguyên. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, giữa tháng 3/1975, đơn vị đã có mặt ở Tây Nguyên, sẵn sàng chờ lệnh tham gia chiến dịch.
.jpg)
“Đến sát ngày, tôi mới biết tham gia giải phóng Gia Nghĩa. Qua trinh sát, tôi được biết, tại đây địch đã co cụm các lực lượng về cố thủ tại căn cứ Nhân Cơ (Ðắk R’lấp), Gia Trung (Ðắk Song) và Gia Nghĩa", ông Tục nhớ lại.
Lực lượng của địch tại Gia Nghĩa gồm 2 tiểu đoàn địa phương quân, 1 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn cảnh sát dã chiến và một số lực lượng khác. Tại các vị trí trọng yếu như: trung tâm hành chính tỉnh, sân bay Gia Nghĩa, kho xăng dầu… địch bố trí hệ thống phòng thủ dày đặc với hỏa lực mạnh.
Sau khi đập tan sự kháng cự của địch tại Nhân Cơ vào ngày 17/3/1975, chiến dịch giải phóng Gia Nghĩa được bắt đầu. Sáng ngày 20/3/1975, những loạt trọng pháo 105 ly của quân ta đã dồn dập nã vào các vị trí trọng yếu của địch.
Các đơn vị bộ đội chủ lực là E14, E271 cùng lực lượng quân sự địa phương từ các hướng tiến dần vào Gia Nghĩa. 5 giờ sáng ngày 23/3/1975, lực lượng vũ trang của ta vào tiếp quản địa bàn Gia Nghĩa.
Trưa ngày 23/3/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trước dinh Tỉnh trưởng Quảng Đức, Ty Cảnh sát và các công sở khác.
“Khi quân ta tiến đánh Gia Nghĩa, phần lớn các lực lượng của địch tinh thần đã rệu rã, sức kháng cự rất yếu, tháo chạy. Hầu hết chúng di chuyển qua Lâm Đồng để co cụm phòng thủ bên ấy. Đơn vị tôi cùng các đơn vị khác tiến hành truy kích địch, quyết không cho chúng co cụm”, ông Tục cho biết thêm.
Người dân vui mừng lắm
Ông Lê Trúc Phương, nguyên Thư ký của Ủy ban Quân quản Gia Nghĩa chia sẻ: “Ngày ấy biết quân ta chuẩn bị giải phóng bà con các dân tộc ở căn cứ Nâm Nung và các vùng lân cận mừng lắm. Vì thế nhiều người dân tự nguyện tham gia chiến dịch. Mặc dù còn đói cơm, lạt muối nhưng đồng bào các bon, làng không kể thanh niên nam, nữ, trẻ già rất tích cực tham gia gùi, cõng hàng hóa, đạn dược, đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Các bon, làng đã ủng hộ, đóng góp lương thực, cung cấp thực phẩm, trâu bò, heo, gà”.
Ông Đặng Phi Hải, hiện ở phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, nguyên cán bộ Ban Kinh tài Huyện ủy Khiêm Đức cho biết: “Trong chiến dịch giải phóng Gia Nghĩa, phần lớn người dân đều rất ủng hộ bộ đội. Các đại đội bộ binh đi đến đâu cũng được người dân tiếp tế lương thực, thực phẩm. Người dân còn là tai mắt, cung cấp nhiều thông tin cho bộ đội, che chở nơi đóng quân…”.
Nhờ sự góp sức của người dân mà các đơn vị chủ lực của quân giải phóng đã áp sát các cứ điểm địch, tấn công bất ngờ làm bọn địch không kịp trở tay.
Ông Vũ Quang Phục, một người dân sinh sống tại Gia Nghĩa từ trước ngày giải phóng nhớ lại: “Ngày đó sống trong vòng kìm kẹp của địch, người dân rất khao khát tự do. Khi biết tin quân giải phóng vào giải phóng Gia Nghĩa ai cũng mừng. Ngày 23/3/1975 khi thấy bộ đội ta tiến vào Gia Nghĩa, chúng tôi mừng lắm, nhiều chú bộ đội còn tặng cờ đỏ sao vàng cho người dân”.
Theo ông Lê Trúc Phương, nguyên Thư ký của Ủy ban Quân quản Gia Nghĩa thì khác với những chiến dịch trước như: Giải phóng Đức Lập, giải phóng Buôn Ma Thuột, chiến dịch giải phóng Gia Nghĩa được ta chuẩn bị chu đáo. Trong đó, việc thành lập Ủy ban Quân quản là một việc điển hình.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động Nhân dân không nghe theo luận điệu xuyên tạc của địch, nhiều người dân đã tích cực tham gia ổn định trật tự, bảo vệ tài sản, làm công tác binh vận. Nhiều người dân còn vận động những binh lính đang lẩn trốn ra trình diện để hưởng khoan hồng của cách mạng.
Trước khi quân ta tiến vào giải phóng Gia Nghĩa có một bộ phận người dân bị địch hù dọa, bắt ép chạy theo chúng. Tuy nhiên sau khi được tuyên truyền vận động, chỉ một thời gian ngắn người dân đã trở về nhà, ổn định đời sống.
Ngày 26/3/1975, hàng ngàn hộ dân ở Gia Nghĩa và các vùng lân cận đã tới dự lễ mít tinh mừng Gia Nghĩa giải phóng, cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngập tràn trong lễ trọng đại mang tính lịch sử này"- Ông Phương nhớ lại.
Nhờ sự góp sức của người dân mà các đơn vị chủ lực của quân giải phóng đã áp sát các cứ điểm địch, tấn công bất ngờ làm bọn địch không kịp trở tay.
Ông Đặng Phi Hải, nguyên cán bộ Ban Kinh tài Huyện ủy Khiêm Đức