Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn dòng học sinh bỏ học

Nguyễn Hiền thực hiện| 01/04/2022 08:39

Thời gian gần đây, ở các địa phương, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

P.V: Thưa ông, vì sao tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng thời gian qua lại có xu hướng tăng?

Ông Phan Thanh Hải: Giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng là một trong những vấn đề được toàn ngành Giáo dục chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên hàng năm tỷ lệ học sinh đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, bước vào năm học 2021-2022, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng lại có chiều hướng tăng, chủ yếu là học sinh con em dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, tập trung ở các trường thuộc huyện Đắk Glong lên đến 200 em. Điển hình như Trường THCS Đắk Nang ở xã Đắk Som có 50 học sinh bỏ học; Trường THCS Quảng Hòa ở xã Quảng Hòa có 30 em bỏ học; Trường THCS Hoàng Văn Thụ có 26 em bỏ học…

Qua rà soát, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng tăng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân học sinh bỏ học giữa chừng, trước hết là do một bộ phận người dân chưa coi trọng việc học tập của con em; phụ huynh cho con nghỉ học để có thêm lao động của gia đình; một số học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn; học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là học sình người Mông lập gia đình sớm...

Cùng với những nguyên nhân trên thì nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học nhiều thời gian gần đây là do thay đổi trạng thái dạy và học liên tục từ online qua trực tiếp, rồi từ trực tiếp qua online ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Thời gian học online kéo dài, một số em không tiếp cận được bài học do không đủ phương tiện, dẫn đến nản chí và nghỉ học. Từ đó, nhiều em nghỉ học đi làm xa, rồi lập gia đình sớm.

Đồ họa: Nguyễn Hiền

P.V: Với tình trạng học sinh bỏ học gia tăng như vậy, ngành Giáo dục đã triển khai những giải pháp nào để khắc phục?

Ông Phan Thanh Hải: Sở GD-ĐT đã yêu cầu các đơn vị rà soát lại hết số lượng và nguyên nhân học sinh bỏ học để có kế hoạch tuyên truyền vận động các em quay trở lại trường. Lãnh đạo UBND tỉnh đã có buổi làm việc riêng với UBND huyện Đắk Glong, ngành Giáo dục và chỉ đạo sát việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học hiện nay.

ADQuảng cáo

Sở đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng GD-ĐT ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. Đối với các phòng GD-ĐT cần thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục pháp luật trong nhà trường, thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nội dung giáo dục về hôn nhân gia đình, dân số, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực …

Các phòng chủ động tập huấn cho giáo viên giáo dục thể chất, phụ trách đoàn, đội các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, tăng cường các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh.

Cùng với quan tâm đến nhóm học sinh có nguy cơ bỏ học cao như có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường, có học lực yếu để kịp thời hỗ trợ, các trường tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá lại năng lực của học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số để kịp thời có kế hoạch củng cố, phụ đạo kiến thức khi các em đi học tập trung.

P.V: Tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra hàng năm, theo ông, các địa phương, các cơ sở giáo dục cần tập trung vào những việc cụ thể gì?

Ông Phan Thanh Hải: Để giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Sở đã yêu cầu các nhà trường nâng cao hơn nữa vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chính là người gần gũi các em, cần tìm hiểu được nguyên nhân sâu xa học sinh của mình bỏ học. Giáo viên có thể chia thành các nhóm nguyên nhân để tìm biện pháp khắc phục như hoàn cảnh gia đình khó khăn, do tập tục tảo hôn và chú trọng hơn công tác phối hợp với phụ huynh, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường…

Về lâu dài, để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng thì việc nâng cao nhận thức, dân trí vẫn là then chốt. Vấn đề học sinh bỏ học không còn chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thống kê, toàn huyện Đắk Glong hiện có khoảng trên 6.000 người dân mù chữ. Đây cũng là trở ngại khi giáo viên, nhà trường phối hợp với phụ huynh trao đổi những vấn đề liên quan đến việc học tập của con em.

Cùng với đó, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể rất quan trọng, nhất là cán bộ cấp xã, thôn, bon, người uy tín trong cộng đồng. Chính quyền, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác hỗ trợ người dân trong xóa đói giảm nghèo và nâng cao nhận thức, quan tâm việc học tập con em mình, đấu tranh chống những quan niệm và tập quán lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn dòng học sinh bỏ học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO