Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Lê Dung| 19/12/2022 08:49

Thời gian qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang được ngành KH&CN đẩy mạnh. Trong đó, ngành KH&CN đóng góp nhiều dự án khoa học, kỹ thuật, giúp sản xuất hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, các đề tài, dự án và nhiệm vụ KH&CN của tỉnh thường tập trung trong các lĩnh vực chủ yếu như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất một số sản phẩm đặc trưng...

Tiêu biểu như Dự án nông thôn miền núi “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong xây dựng mô hình bón phân thông qua nước tưới cho cà phê vối tại tỉnh Đắk Nông”. Dự án được thực hiện từ năm 2020–2022, nhằm triển khai lắp đặt 10 mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt, với quy mô 2 ha/mô hình tại huyện Đắk Mil.

Thông qua dự án, các tiến bộ kỹ thuật được tích hợp giữa bón phân và tưới nước. Mô hình giúp tiết kiệm chi phí nhân công, giảm thiểu lượng nước tưới cho nông hộ sản xuất cà phê. Mô hình đã giúp tăng năng suất cà phê từ 15- 20%, tiết kiệm chi phí phân bón từ 20 - 30%...

Lan hồ điệp đang được sản xuất tại Trung tâm Thông tin, Kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Đắk Nông

Với Dự án nông thôn miền núi “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa đồng tiền tại tỉnh Đắk Nông” cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Dự án triển khai từ cuối năm 2021 – 2024.

Dự án được Trung tâm Thông tin kỹ thuật và ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) tiếp nhận, làm chủ các quy trình công nghệ trong nhân giống, sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa đồng tiền bằng nuôi cấy mô tế bào và trồng trong nhà lưới.

Từ dự án, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ lắp đặt các thiết bị tự động để điều khiển nhiệt độ và độ ẩm trong nhà lưới giai đoạn phân hóa mầm hoa. Từ đó giúp hoa nở đồng đều và theo ý muốn.

Dự án xây dựng mô hình sản xuất lan hồ điệp trong nhà lưới với quy mô 20.000 cây; mô hình sản xuất hoa đồng tiền trong nhà lưới với quy mô 40.000 cây.

ADQuảng cáo

Nhiều giống cây trồng đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Sở KH&CN

Bên cạnh các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh, hàng năm, Trung tâm đã triển khai sản xuất một số sản phẩm như: cà chua socola, cà chua doufu, dưa leo baby, rau thủy canh…

Ở lĩnh vực công nghệ sinh học cũng đang được ngành KH&CN tập trung thực hiện. Ngành KH&CN đã cấy chuyển, lưu giữ các loại cây giống nuôi cấy mô như: lan gấm, nấm linh chi đỏ; hoa cúc; khoai lang siêu năng suất; khoai lang Nhật Bản; 8 chủng vi sinh vật phục vụ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng...

Hiện nay, các sản phẩm của ngành KH&CN đều áp dụng các tem chứng thực, truy xuất nguồn gốc, được giới thiệu, trưng bày sản phẩm đến người tiêu dùng dưới các hình thức khác nhau.

Giám đốc Trung tâm Thông tin kỹ thuật và ứng dụng KH&CN Lê Xuân Quả cho biết, để kết quả của các mô hình, dự án được nhân rộng trong thực tiễn, thời gian tới, đơn vị mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, doanh nghiệp, trang trại.

Vùng liên kết sản xuất, loại hình sử dụng đất dựa trên thế mạnh của tự nhiên, liên kết sản xuất cần sớm được xây dựng. Theo đó, trong quy hoạch, thay vì tập trung vào các địa danh hành chính thì tập trung vào các vùng sản xuất lớn và các vùng lưu vực.

Mỗi vùng như vậy sẽ có sự đánh giá toàn diện về độ phì của đất, các điều kiện sinh thái, tính ổn định về môi trường và có các biện pháp canh tác tương ứng với từng loại đất.

“Việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật giữa nông nghiệp chính xác và nông nghiệp thuận theo tự nhiên sẽ được chú trọng. Trong đó, các biện pháp nông nghiệp thuận theo tự nhiên sẽ được nghiên cứu, đánh giá tốt hơn”, ông Quả chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO