Đắk Nông tập trung thu hút nông dân tham gia kinh tế tập thể
Tỉnh Đắk Nông đang tập trung thu hút nông dân tham gia kinh tế tập thể, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp bền vững
Nông dân hưởng lợi nhiều mặt
Đắk Nông hiện có 181 tổ hợp tác và 294 HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Các HTX có tổng vốn điều lệ trên 338 tỷ đồng, thu hút 17.831 thành viên, thành viên liên kết là nông dân; tạo việc làm cho trên 8.200 lao động.
HTX đang phát huy vai trò dẫn dắt nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã dẫn dắt nông dân phát triển cà phê hữu cơ. Hiện tại, HTX có 35 thành viên đang chăm sóc 70ha cà phê theo hướng hữu cơ.
Chị Lâm Thị Thoan, thành viên HTX cho biết, gia đình có gần 20 năm trồng cà phê, nhưng trước đây chưa hiểu biết về cà phê hữu cơ và giá trị của nó.
Do đó, chị lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc cà phê, giá trị không cao.
“Trở thành thành viên, tôi được HTX Bechamp Đắk Nông chia sẻ kiến thức, kỹ thuật trồng cà phê theo hướng hữu cơ đã tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình. Với 3 ha cà phê, năm vừa rồi tôi thu về 5 tấn cà phê theo hướng hữu cơ bán giá cao hơn thị trường và khoảng 2 tấn cà phê xô, thu về trên 600 triệu đồng”, chị Thoan chia sẻ.
Không chỉ biết sản xuất cà phê hữu cơ, chị Thoan và các thành viên HTX còn được tham gia chế biến, kinh doanh sản phẩm từ đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
HTX SXTMDV Bình Minh ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã giúp hàng ngàn nông dân có kiến thức phát triển hồ tiêu bền vững. Hiện nay, HTX Bình Minh đã liên kết với 825 hộ nông dân sản xuất khoảng 1.000ha hồ tiêu bền vững.
Anh Hoàng Văn Thủy có hơn 1.000 trụ hồ tiêu cho năng suất ổn định 2,5 tấn/năm. Anh Thủy chia sẻ trở thành thành viên của HTX Bình Minh từ năm 2019.
“HTX giúp tôi biết các kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu. Tôi được HTX hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại, biết quy trình chăm sóc hồ tiêu bền vững từ đó nâng cao giá trị sản phẩm”, anh Thủy chia sẻ.
Mục tiêu 20% nông dân tham gia kinh tế tập thể
Là một tỉnh nông nghiệp, Đắk Nông luôn chú trọng phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, tháng 3/2023 UBND tỉnh Đắk Nông ban hành kế hoạch số 127 về thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ, Chương trình hành động số 54-CTr/TU của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Tháng 4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 272 về thực hiện Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Các kế hoạch đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể của Đắk Nông năng động, hiệu quả, bền vững, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.
Kinh tế tập thể góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 300 tổ hợp tác với trên 4.200 thành viên; 360 HTX với 17.000 thành viên và 5 liên hiệp HTX với 25-30 HTX thành viên.
Tỉnh phấn đấu trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá; trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Đến năm 2030, Đắk Nông có trên 70 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045, Đắk Nông thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; bảo đảm trên 90% đơn vị hoạt động có hiệu quả, trong đó ít nhất 75% tham gia chuỗi liên kết. Các HTX đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.
Giải pháp phát triển
Hiện nay, Đắk Nông đang tập trung tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể.
Phát huy tinh thần đoàn kết trong khu vực kinh tế tập thể, coi trọng sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau làm giàu cho từng thành viên.
Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, vận động thành lập mới HTX theo đúng nguyên tắc tổ chức hoạt động của Luật HTX, chính sách phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng mô hình HTX kiểu mới.
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông cho biết: Liên minh HTX tiếp tục phát huy vai trò làm cầu nối cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Một trong những vấn đề Đắk Nông đặc biệt chú trọng đó là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách của địa phương về khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Trong đó, tỉnh tập trung nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương đối với HTX, tổ hợp tác như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới.
Tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nhất là HTX phù hợp với tình hình thực tiễn trong giai đoạn phát triển mới.
Trong đó tập trung các chính sách: hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực; đất đai; tài chính, tín dụng; khoa học và công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường.
Tỉnh cân đối nguồn vốn đầu tư công, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.