Đắk Nông quyết tâm giải ngân 230 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai
Tỉnh Đắk Nông quyết tâm tổ chức triển khai các dự án, hạng mục sử dụng vốn khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở một cách có hiệu quả, bảo đảm đúng thời gian quy định của Chính phủ.
Ngày 29/12/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 1739/QĐ-TTg về việc hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở. Trong đó, tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ số vốn lớn là 230 tỷ đồng. Đây là số vốn lớn, gấp khoảng 8 lần so với trung bình 1 lần hỗ trợ trước đây của Trung ương về khắc phục thiên tai.
Ngày 4/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về phân bổ kinh phí cụ thể cho các đơn vị, địa phương để thực hiện khắc phục 28 công trình, hạng mục bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, sạt lở gây ra trong năm 2023 với tổng kinh phí thực hiện là 230 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 7, nhiều chủ đầu tư chỉ đang thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án, cụ thể như mới triển khai lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để phê duyệt dự án. Các bước về triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công một số địa phương còn chậm.
Cụ thể như tại huyện Tuy Đức, theo ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai Dự án khắc phục sự cố sạt lở, hậu quả thiên tai Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Quảng Tâm.
Cụ thể, qua làm việc với một số sở, ngành có một số vướng mắc như dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện năm 2024, chưa có trong danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong năm 2024 do HĐND tỉnh thông qua. Dự án cũng chưa được đưa vào quy hoạch tỉnh lộ, nằm trong ranh quy hoạch thăm dò bô xít.
Cũng theo ông Phú, đối với dự án khắc phục thiệt hại do thiên tai, sạt lở gây ra tại bon Bu K’rắc và bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cũng gặp vướng do xây dựng trên một phần diện tích đất (7,5ha/22,2ha) thuộc Dự án di dân phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới huyện Tuy Đức đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tại huyện Cư Jút, theo lãnh đạo UBND huyện, địa phương đang gặp vướng trong triển khai dự án cầu và đường dân sinh từ bon U3 đến cánh đồng Ngàn Phương thuộc thị trấn Ea T’ling.
Đường này là đường hiện trạng, người dân đi lại vận chuyển hàng hóa từ năm 1990. Nhu cầu của người dân đối với triển khai dự án là rất lớn, tuy nhiên, tuyến đường này chưa thể hiện trong quy hoạch chung đô thị Ea T’ling được duyệt.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, một số dự án có sự chênh lệch cao hoặc thấp hơn giữa số vốn được duyệt ban đầu với tổng mức đầu tư khi cơ quan chuyên ngành phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật. Ngoài ra, việc triển khai dự án cũng sẽ gặp khó cho các chủ đầu tư, nhà thầu trong giai đoạn tỉnh đã bước vào mùa mưa như hiện nay dễ dẫn đến chậm hoàn thành các bước ngoài hiện trường, thủ tục để kịp giải ngân vốn trước ngày 31/12/2024.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, mới đây, tại cuộc họp với các chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa khẩn trương triển khai, thực hiện các dự án. Nguyên tắc chung cần bảo đảm là kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, việc thực hiện không phát sinh thêm thủ tục hành chính, bảo đảm đúng quy định về đầu tư, đấu thầu.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh, để làm được điều này, các chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan tăng cường sự phối hợp, linh động trong công tác triển khai, thực hiện các dự án.
Đây là các dự án nhằm khắc phục hậu quả gây ra, tức khắc phục lại tình trạng ban đầu thì sẽ dễ giải quyết được các yếu tố về quy hoạch như đối với bô xít, đô thị, đường giao thông. Tỉnh quyết tâm tổ chức thực hiện và giải ngân vốn này chậm nhất đến ngày 31/12/ 2024 theo đúng quy định.