Tăng cường các biện pháp phòng trừ rầy nâu trên lúa vụ đông xuân

Văn Tâm| 18/03/2015 09:19

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì vụ đông xuân năm 2014 – 2015, toàn tỉnh gieo cấy 4.684 ha lúa, tăng 90 ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong những tháng đầu vụ, do tình hình thời tiết diễn biến thất thường, ngày nắng nóng, về đêm nhiệt độ xuống thấp nên đây là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh trên cây lúa.

ADQuảng cáo

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì hiện nay, nguy cơ sâu bệnh, dịch hại, nhất là rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn luôn tiềm ẩn và có khả năng gây hại đối với cây lúa. Do vậy, để triển khai các biện pháp ngăn ngừa, phòng trừ rầy nâu và phòng tránh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá mang hiệu quả, yếu tố quan trọng hàng đầu là nông dân phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi, phát hiện sớm dịch bệnh để có kế hoạch phòng trừ.

Vấn đề còn lại là các cấp, ngành hữu quan, các địa phương và cộng đồng dân cư chủ động phối hợp thực hiện, tập trung ứng dụng các biện pháp kỹ thuật và cương quyết thì mới mong đem lại kết quả cao. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để dập dịch cũng cần được chuẩn bị kịp thời, đáp ứng đầy đủ khi tình huống khẩn cấp xảy ra.

Người dân thôn 15, xã Đắk D’rông (Chư Jút) phun thuốc phòng bệnh cho cây lúa

Tại các địa phương như Đắk R’lấp, Chư Jút, Đắk Song, Krông Nô... những năm trước đây, nhiều diện tích lúa của người dân đã bị nhiễm rầy nâu nhưng được bà con phát hiện và phòng trừ kịp thời nên vẫn đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Ông Nguyễn Văn Phước ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà (Krông Nô) cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những mùa vụ trước, vụ đông xuân này, tôi thường xuyên thăm đồng, quan sát, kiểm tra những nơi nghi có rầy nâu trú ẩn. Nếu trường hợp phát hiện thấy rầy thì tôi sẽ báo cho Trạm Bảo vệ thực vật huyện để được hướng dẫn phun thuốc diệt trừ kịp thời”.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Với cách làm đó, những mùa vụ gần đây, hầu hết người dân ở các địa phương trong tỉnh đã chủ động được việc phòng ngừa, diệt trừ triệt để và ngăn chặn kịp thời tình trạng rầy nâu lây lan ra ngoài vùng phát dịch.

Theo ông Ðặng Quang Sang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút thì những năm qua, việc hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho bà con nông dân luôn được địa phương chú trọng.

Vì vậy, trong vụ đông xuân này, bên cạnh việc diệt trừ các bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn, người dân cũng đồng thời kiểm tra để phát hiện dấu hiệu của rầy nâu trên đồng ruộng. Nhờ đó, việc kiềm chế, quản lý rầy nâu trên đồng ruộng được bà con cảnh giác ở mức cao nhất.

Ngoài ra, việc quản lý rầy nâu còn được các cấp, ngành chuyên môn triển khai ở quy mô tổng thể hơn, trong đó, biện pháp lắp đặt các bẫy đèn theo dõi diễn biến, thời điểm phát sinh rầy nâu để có biện pháp phòng trừ kịp thời cũng đã phát huy hiệu quả. Đồng thời, đơn vị chuyên môn còn tổ chức các lớp tập huấn về các biện pháp phòng, trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho nông dân nên đã đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Có thể nói, việc phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã được kiểm chứng qua thực tiễn sản xuất, bằng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), biện pháp “3 giảm, 3 tăng” (ICM), né tránh rầy đầu vụ... đã tạo ra một giải pháp sản xuất hợp lý, giúp bà con nông dân chủ động trong chăm sóc, phòng trừ dịch hại trên cây trồng. 

Một việc làm ý nghĩa hơn, đó là sự đồng lòng trong cộng đồng dân cư, bà con liên kết với nhau đồng loạt tuân thủ quy trình làm đất, gieo sạ và phòng chống dịch bệnh theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp đề ra cũng đã giúp cho mùa vụ tránh được nhiều mối đe dọa do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường các biện pháp phòng trừ rầy nâu trên lúa vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO