Quốc hội thống nhất cao việc bỏ đăng ký giữ quốc tịch

Nguồn SGGP| 18/06/2014 08:24

Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam; việc gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 1/7/2014.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật. Vì vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là rất cần thiết và cấp bách để bảo đảm cho công dân quyền có quốc tịch Việt Nam sau thời điểm 1/7/2014.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại khoản 2 Điều 13 và trường hợp mất quốc tịch tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng: người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam (theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam còn giá trị sử dụng (theo quy định tại Điều 11 của Luật này) thì đăng ký với Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ. 

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, những người đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam từ ngày 1/7/2009 đến nay mà đã được xác nhận là có quốc tịch Việt Nam thì được cấp hộ chiếu Việt Nam (nếu họ có yêu cầu).

Về trình tự, thủ tục xem xét, thông qua dự án Luật và thời điểm có hiệu lực của Luật, do các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng quốc tịch của một bộ phận không nhỏ đồng bào ta vào thời điểm ngày 1/7/2014 nên Ủy ban đề nghị Quốc hội cho phép quy định Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố để bảo đảm thi hành trước khi hết thời hạn nói trên.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, qua thảo luận cho thấy, hầu hết các ĐBQH tán thành nhất trí cao việc sửa để bảo đảm quyền công dân có quốc tịch Việt Nam. “Các ĐBQH đề xuất không nên quy định thời hạn cũng như quy định việc đăng ký có quốc tịch, mà chỉ để giải quyết các trường hợp kiều bào mất giấy tờ thì phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam. UBTV sẽ chỉ đạo ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng này để trình Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt lại.

Tuyệt đại đa số ĐBQH cũng đồng tình với việc Việt Nam gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thống nhất cao việc bỏ đăng ký giữ quốc tịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO