Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền

Nguồn SGGP| 19/11/2014 19:51

Các vấn đề được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trong phiên chất vấn ngày 19/11, có phạm vi khá rộng, từ chế độ tiền lương; bảo hiểm xã hội; chất lượng, hiệu quả của công tác dạy nghề - đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn; công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn trong phiên họp ngày 19/11. Ảnh: Lã Anh

Tăng lương như cơn gió chưa đủ mát!

Là người đầu tiên đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội (LĐ,TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) quan tâm đến chính sách tiền lương trong DNNN và trong DNNN cổ phần hóa và giải pháp nâng cao năng suất lao động.

Cũng ở nhóm vấn đề về lương, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhận xét: “Quyết định tăng lương vừa qua là cố gắng lớn của Chính phủ, nhưng sau 2 lần trì hoãn lộ trình tăng lương, khoản tiền 11.000 tỷ đồng lần này như làn gió, nhưng chưa đủ làm “mát” cuộc sống của người lao động có thu nhập thấp. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp cải thiện tình hình”?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền công nhận, hiện vẫn còn thiếu một nội dung hướng dẫn về xây dựng thang bảng lương cho DN; do khi áp dụng chính sách lương mới theo quy định của Bộ Luật Lao động thì còn khoản “thu nhập khác” phải xác định rõ để đưa vào tính thu nhập đóng BHXH.

“Trong tháng 12, Bộ sẽ bổ sung hướng dẫn này”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cam kết.

Theo Bộ trưởng, đúng là tiền lương hiện nay mới chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu cho người lao động và lần này có tăng cũng chưa giải quyết được cơ bản. “Nhưng điều kiện của nền kinh tế và khả năng của ngân sách chỉ có vậy, chúng ta buộc phải giãn lộ trình” - Bộ trưởng phân trần.

Giải đáp thắc mắc của ĐB Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật về tiền lương tối thiểu vùng, theo đó tiền lương tối thiểu ở khu vực miền núi lương là thấp nhất, vậy có khuyến khích DN đến đầu tư phát triển ở khu vực này không?. Bộ trưởng lập luận: “Tiền lương tối thiểu được quy định trên cơ sở  đảm bảo cuộc sống tối thiểu, có tính đến yếu tố thu hút đầu tư, nếu quy định lương tối thiểu ở miền núi cao quá thì DN không đến”.

Giải quyết sớm nợ BHXH, đừng “khẩn trương, tiếp tục, đẩy mạnh”!

Nêu vấn đề nợ bảo hiểm xã hội tồn đọng lớn và có số liệu không thống nhất trong các báo cáo, ĐB Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực UB Pháp luật của QH thắc mắc: Vì sao việc thanh tra Bảo hiểm xã hội (BHXH) lại được chuyển giao sang BHXH. ĐB nhấn mạnh: “Xin Bộ trưởng hãy nói rất cụ thể nguyên nhân và giải pháp xử lý nợ BHXH, đừng nói theo công thức “khẩn trương, tiếp tục, đẩy mạnh”.

Trả lời ĐB Ngô Văn Minh, người đứng đầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội phân tích: “Nợ BHXH theo số liệu của Bộ là 7.000 tỷ đồng; con số 12.000 tỷ đồng mà ĐB nhắc đến bao gồm cả nợ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Để xảy ra nợ đọng có nhiều nguyên nhân, như chủ sử dụng lao động không nghiêm chỉnh thực thi pháp luật, cũng có DN gặp khó khăn thật sự trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nhưng một nguyên nhân quan trọng là mức xử phạt còn nhẹ quá, DN thà vay nợ còn hơn đi vay ngân hàng”.

Một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng nợ đọng BHXH đó là tổ chức công đoàn ở các địa phương thường không phản ánh kịp thời. Bộ trưởng đề nghị tới đây ở các địa phương, doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động. Khi biết doanh nghiệp chây ì trong việc đóng BHXH cho người lao động, Công đoàn phải phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng để vấn đề được xử lý sớm hơn.

Có cùng mối quan tâm đến lĩnh vực này, ĐB Đặng Ngọc Tùng chỉ rõ, khi lĩnh lương, người lao động (NLĐ) đã đóng xong BHXH mà chủ doanh nghiệp (DN) không nộp BHXH đó cho cơ quan BHXH thì đó là trách nhiệm của chủ DN. Trong khi đó, NLĐ không được hưởng chế độ vì lý do mà cơ quan BHXH đưa ra là DN chưa đóng BHXH.  “Tại sao NLĐ lại bị bắt làm “con tin” như vậy? Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, có khắc phục được tình trạng này hay không? Là Trưởng ban dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình QH lần này, Bộ trưởng có thấy rằng trong dự thảo có sự ưu tiên cho NLĐ làm việc trong khu vực Nhà nước, mà xem nhẹ quyền lợi của những NLĐ làm việc trong khu vực ngoài nhà nước hay không? Nếu thấy thì Bộ trưởng có đồng tình với sự bất bình đẳng này hay không”?, ĐB Đặng Ngọc Tùng chất vấn.

Thừa nhận trách nhiệm của ngành mình trong công tác kiểm tra giám sát phát hiện và xử lý tình trạng “trốn” đóng BHXH, song Bộ trưởng cho biết, do toàn ngành chỉ có trên 400 cán bộ nhân viên làm công tác thanh tra, ở Bộ có khoảng 55 người; ở địa phương từ 5-7 người, lại phải thanh tra ở rất nhiều lĩnh vực nên số cuộc cần kiểm tra trong lĩnh vực này còn rất ít. Đây chính là lý do Bộ đồng ý với đề xuất giao cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh tra về thu bảo hiểm. Việc thanh tra Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm và thực hiện chính sách bảo hiểm, theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (đang chờ Quốc hội thông qua) vẫn do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đảm nhiệm.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng sau đó đã yêu cầu Bộ trưởng Hải Chuyền nghiên cứu, tiếp thu một số góp ý hợp lý của ĐB Đặng Ngọc Tùng.

Kiên quyết trục xuất lao động nước ngoài trái phép

Theo phản ánh của ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), trong khi hàng vạn sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm thì có tình trạng lao động nước ngoài không phép tràn vào Việt Nam. Đáng chú ý là lao động nước ngoài không có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao, thậm chí có cả những trường hợp vi phạm pháp luật nhập cảnh vào Việt Nam theo nhiều đường khác nhau.

“Có nhiều hệ lụy từ quản lý không phép, Bộ đã nghiên cứu về vấn đề này thế nào?” – ĐB Đỗ Thị Hoàng nêu vấn đề.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, ngoài những lao động vào làm việc tại Việt Nam theo Nghị định 102/2013/NĐ-CP ngày 5/9/2013 của Chính phủ về quản lý lao động ngoài nước, cũng có những lao động không có chuyên môn, nghiệp vụ nhưng các doanh nghiệp vẫn sử dụng, phần đông là lao động Trung Quốc. Hiện có khoảng 78.000 lao động nước ngoài ở Việt Nam, đa số là lao động kỹ thuật, số ít không có kỹ thuật là lao động của Trung Quốc. Giải tỏa lo lắng của ĐB, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói: Bộ LĐTBXH đã có cơ chế phối hợp với ngành công an thực hiện kiểm tra các đối tượng này để xử lý trục xuất theo quy định, yêu cầu các chủ sử dụng lao động phải công bố công khai tuyển dụng lao động.

Tổng kết phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài: “Bộ trưởng cần rà soát, tham mưu cho Chính phủ cơ chế quản lý thông thoáng nhưng phải đúng phép tắc, phù hợp với điều kiện của đất nước trên nguyên tắc ưu tiên sử dụng lao động trong nước”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO