Sức sống mới từ khôi phục rừng ở Đắk Nông
Cấp ủy, chính quyền, đảng viên và cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai đồng bộ trong thu hồi, bảo vệ và trồng lại hàng chục ha rừng thông cảnh quan dọc các tuyến Quốc lộ (QL)14 và QL28.
Chính trị


Quyết tâm trả lại màu xanh của rừng

Hoàng Hoài 23/09/2024 14:40

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Nông cùng với sự quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị ở hai huyện Đắk Song và Đắk Glong đã tăng cường các biện pháp, giải pháp để thu hồi các diện tích đất rừng thông bị lấn chiếm từ nhiều năm qua.

ADQuảng cáo

Quyết tâm chính trị cao

Những năm trước đây, nhất là năm 2019, rừng phòng hộ cảnh quan trên các tuyến QL14, QL28 đoạn qua các huyện Đắk Song, Đắk Glong bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng ngàn cây thông xanh mướt trải dài trên dọc các tuyến QL bị chặt phá, đầu độc đến khô khốc.

dsc07469.jpg
Tuyến đường rừng thông cảnh quan dọc Quốc lộ 28 đoạn qua địa phận xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong là một trong những tuyến đường xanh, đẹp, điểm nhấn nhằm phát triển du lịch của địa phương

Trước thực trạng này, Tỉnh ủy đã thành lập hai đoàn công tác kiểm tra toàn diện công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng phòng hộ cảnh quan ven QL14 và QL28. Nhiệm vụ là làm rõ những nội dung trọng tâm như công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng; quản lý đất đai, bảo vệ rừng ven QL14, QL28; trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Tỉnh ủy cũng tổ chức nhiều cuộc họp nhằm xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan vào cuộc và tìm giải pháp tháo gỡ.

Ngày 8/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 840 về công tác quản lý đất đai và QLBV rừng dọc QL28 đoạn qua các xã Đắk Ha, Quảng Sơn, huyện Đắk Glong giai đoạn 2010-2019. Đặc biệt, năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 19/8/2021 về QLBV, khôi phục và phát triển rừng bền vững; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết số 06 nhấn mạnh đến việc cần tổ chức triển khai có hiệu quả phương án QLBV, khôi phục diện tích rừng thông dọc QL14, QL28.

nj16.jpg
Rừng thông cảnh quan dọc Quốc lộ 14, huyện Đắk Song là con đường thơ mộng, riêng có của địa phương

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Đắk Song và Đắk Glong đã cụ thể hóa công tác QLBV rừng, nhất là rừng thông dọc QL bằng việc ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ. Tại Đắk Glong, Huyện ủy đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 02 ngày 13/10/2020 về tăng cường công tác QLBV và phát triển rừng giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 01 ngày 27/8/2020 về khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, sai phạm được chỉ ra tại Kết luận số 840 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, UBND huyện Đắk Glong đã ban hành Kế hoạch số 104 ngày 7/9/2020 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Huyện còn thành lập ban chỉ đạo thực hiện khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến quản lý đất đai và QLBV rừng dọc QL28. Các thành viên được phân công nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo rà soát các diện tích đất rừng bị vi phạm dọc QL28 đoạn qua các xã Đắk Ha, Quảng Sơn.

Tại Đắk Song, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 05, ngày 19/7/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBV và phát triển rừng; rừng phòng hộ cảnh quan QL14 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình số 12 ngày 5/11/2021 về việc thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy. Trước tình trạng cấp bách rừng thông dọc các QL14, QL28 bị bức tử từng ngày, từng giờ, các địa phương Đắk Glong, Đắk Song đã đưa ra nhiều kịch bản, nhiều giải pháp với quyết tâm cao thu hồi đất rừng.

dsc07372.jpg
Xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong xác định, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng cần thực hiện thường xuyên, liên tục

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Đắk Glong, các xã Quảng Sơn, Đắk Ha đã thành lập các tổ trực tiếp đi tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao lại đất, trong đó bí thư đảng ủy cấp xã làm tổ trưởng. Đảng ủy các xã phân công, giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên, chi bộ, trưởng thôn và tổ chức đoàn thể phối hợp tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi, bằng nhiều hình thức. Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha Nguyễn Thị Quế cho biết: “Ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm chống đối. Nhưng với sự kiên trì, trách nhiệm cao, Tổ đã vận động thành công 9 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện di dời tài sản, vật kiến trúc ra khỏi diện tích đất vi phạm, trả lại 3,9ha đất rừng để xã trồng lại cây thông, không phải thực hiện biện pháp cưỡng chế”.

Còn Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đắk Ha Phạm Quang Thuyết chia sẻ: “Quá trình vận động một hộ dân có khi mất 5-6 tháng là bình thường. Lần đầu họ không tiếp chuyện, lần hai họ không nghe, lần sau thì to tiếng, nặng lời, thậm chí hùng hổ, dọa nạt. Nhưng đây là trách nhiệm, công việc của mình nên muốn yên dân, muốn rừng được bảo vệ thì khó mấy cũng phải làm”.

nj2.jpg
Cán bộ, đảng viên bản Đắk Lép, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông luôn tăng cường vận động Nhân dân nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng

Tương tự, Huyện ủy Đắk Song cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các đơn vị liên quan cần đi trước một bước trong tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các hộ dân đang lấn, chiếm, phá hoại rừng cảnh quan dọc QL14. Việc tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như trực tiếp thành lập đoàn đến gặp gỡ, qua loa đài, hội họp... Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang Trần Văn Thủy cho biết, hàng tháng, Đảng ủy, chính quyền xã đều đưa nhiệm vụ QLBV rừng vào nghị quyết để triển khai thực hiện. Từ đó, các chi bộ, ban tự quản thôn, bản lồng ghép tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của việc QLBV, phát triển rừng.

Quyết liệt hành động

Đối với những hộ dân không tự nguyện di dời tài sản, trả lại đất rừng, các huyện Đắk Glong, Đắk Song đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh, đồng bộ để thu hồi. Giai đoạn 2022 - 2025, Huyện ủy Đắk Glong chọn công tác QLBV rừng là 1 trong 2 vấn đề nổi cộm cần tập trung xử lý, trong đó có rừng thông dọc QL28. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành cưỡng chế thu hồi đối với các diện tích đất nông, lâm nghiệp bị lấn chiếm đoạn qua xã Đắk Ha là 3,99ha và xã Quảng Sơn là 35,41ha.

Đồng chí Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong thông tin, đây là trường hợp cưỡng chế, thu hồi đất chưa có tiền lệ bởi diện tích thu hồi lớn, nếu không giải quyết khéo léo, cương quyết, bám sát quan điểm chỉ đạo dễ dẫn đến sai sót, bị các đối tượng kích động, các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Vì vậy, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện tổ chức họp báo, cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí để đồng hành cùng với địa phương trong quá trình cưỡng chế. Các cấp, ngành địa phương còn phối hợp triển khai đấu tranh bóc gỡ một số trang mạng xã hội đăng các tin, bài có nội dung không chính xác, sai sự thật và kích động một số hộ dân bị cưỡng chế tại xã Quảng Sơn.

Sau đó, đoàn cưỡng chế của huyện đã ra quân, tổ chức cưỡng chế đối với 97 trường hợp lấn chiếm đất rừng trái pháp luật (38 trường hợp tự nguyện tháo dỡ), tổng diện tích 16,241ha, 45 căn nhà, tại địa bàn xã Quảng Sơn. Đặc biệt, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Kết luận số 840 của Tỉnh ủy, đến nay, huyện đã thực hiện giải tỏa 145/154 trường hợp với 35,41ha tại xã Quảng Sơn.

dsc08125.jpg
Nhiều diện tích đất thu hồi dọc Quốc lộ 14 đi qua địa bàn xã Trường Xuân, huyện Đắk Song đã được trồng lại thông để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho tuyến đường

Đắk Song xác định công tác QLBV và phát triển rừng nói chung, rừng phòng hộ cảnh quan QL14 nói riêng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành giữa việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về QLBV và phát triển rừng, bao che, dung túng để xảy ra các vi phạm.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đắk Song đã thành lập các tổ liên ngành kiểm tra, ngăn chặn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép nói chung và rừng phòng hộ cảnh quan QL14 nói riêng; đồng thời ban hành Đề án QLBV và phát triển rừng phòng hộ QL14 với những biện pháp, giải pháp cụ thể, sát thực. Giai đoạn 2022-2023, huyện Đắk Song đã thực hiện cưỡng chế giải tỏa 8 trường hợp lấn chiếm đất rừng và sử dụng sai mục đích đất rừng phòng hộ QL14 với tổng diện tích 2.185,4m², với 66 công trình, hạng mục, vật kiến trúc vi phạm; cưỡng chế 5 trường hợp tái lấn chiếm rừng phòng hộ QL14 để dựng lều quán tại xã Nâm N’Jang và lập biên bản xử lý 5 trường hợp lấn chiếm đất rừng.

Riêng từ tháng 1/2024 đến nay, UBND huyện Đắk Song đã kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 43,5 triệu đồng đối với 4 trường hợp lấn chiếm đất rừng cảnh quan QL14 với tổng diện tích 2.508m²

Đ.c Trung (3)

Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông đánh giá: Cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các địa phương có rừng thông dọc QL14, QL28 đã vào cuộc rất quyết tâm, quyết liệt với tinh thần, trách nhiệm cao. Nhiều giải pháp, biện pháp từ tuyên truyền, vận động, thuyết phục cho đến cưỡng chế, giải tỏa được triển khai thực hiện đồng bộ. Đến nay, dù vẫn chưa thể khắc phục hết các nội dung được chỉ ra trong Kết luận số 840 và các chỉ đạo, yêu cầu của tỉnh, nhưng Đắk Glong, Đắk Song đã từng bước trả lại đất rừng cảnh quan cho hai tuyến QL.

Quyết tâm trả lại màu xanh của rừng