Phải thật sự quan tâm, giúp trẻ em phòng chống tai nạn thương tích

Phan Tuấn| 09/05/2016 10:20

Chưa vào hè, nhưng trong những ngày nắng nóng vừa qua, có mặt tại khu vực hồ thủy lợi nằm trên địa bàn các thôn 1 và 6, xã Trường Xuân (Đắk Song) có thể thấy rất nhiều trẻ nhỏ chưa thành thục bơi lội, vẫn rủ nhau ra tắm, ngụp lặn vô tư mà không có sự giám sát của người lớn.

ADQuảng cáo

Trong khi đó, nơi đây  đã từng xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, cướp đi tính mạng, tương lai của nhiều em nhỏ, để lại sự mất mát quá lớn cho các gia đình…Tại khu vực này đã được cắm biển cảnh báo có mực nước sâu nguy hiểm, nhưng xem ra chẳng có ai quan tâm đến việc can ngăn các em nhỏ tiếp tục đến tắm.

Trẻ em “vô tư” tắm ở các ao hồ, sống suối, dễ xảy ra tình trạng đuối nước

Có thể nói, cứ mỗi dịp hè đến là lúc các em học sinh trên địa bàn tỉnh tạm gác lại việc học hành, tự do vui chơi, bay nhảy mà không chịu nhiều đến việc quản lý của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, do điều kiện của tỉnh còn khó khăn, hầu hết các địa phương còn thiếu các sân chơi dành cho trẻ em, nên các em nhỏ thường hay tìm đến các đồi núi, ao hồ, sông suối… để vui chơi, thỏa mãn trí tò mò, sự khám phá. Trong khi đó, những nơi này đều không an toàn và chuyện đáng tiếc, đau lòng có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi các em vừa thiếu các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích vừa không có sự giám sát của người lớn.

ADQuảng cáo

Tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, tình trạng trẻ em ra ao hồ để tắm trong những ngày nắng nóng, dịp hè, rồi dẫn đến những vụ đuối nước đau lòng vẫn là chuyện không hiếm. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh-Xã hội, từ năm 2010 đến hết quý I/2016, trên địa bàn tỉnh có đến 282 trẻ em bị tử vong vì tai nạn thương tích; trong đó, đuối nước chiếm trên 70% . Đây là con số đáng báo động về tình trạng quản lý, chăm sóc trẻ em ở các hộ gia đình có trẻ nhỏ.

Nói về giải pháp giảm thiểu các tai nạn thương tích, ông Trần Xuân Thường, Trưởng Phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em (Sở LĐTB&XH) cho rằng, ngoài trách nhiệm của ngành chức năng thì về phía các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về trẻ em, xây dựng khu dân cư phù hợp với trẻ em. Đặc biệt, các gia đình cần có sự quan tâm đúng mức đến việc phòng tránh các vụ tai nạn gây thương tích cho trẻ em.

Các bậc phụ huynh hãy luôn dành sự quan tâm và có trách nhiệm dạy cho trẻ cách nhận biết các nguy cơ gây tai nạn thương tích. Trong những ngày hè sắp tới này, các tổ chức, đoàn thể, nhất là Đoàn-Đội cần phát huy vai trò của mình trong việc quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ. Cùng với việc tổ chức có hiệu quả các câu lạc bộ, hoạt động sinh hoạt hè, các đoàn thể cũng nên chú trọng đến việc phối hợp mở các lớp dạy kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh, trẻ em.

Thiết nghĩ, giải pháp, biện pháp đã có, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, vào cuộc một cách quyết liệt của ngành chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương. Việc giúp trẻ em phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước phải bằng những hành động, hoạt động cụ thể, thiết thực, chứ không phải là những khẩu hiệu suông, hô hào rồi để đó.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải thật sự quan tâm, giúp trẻ em phòng chống tai nạn thương tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO