Ổn định dân di cư tự do để giữ rừng

Đức Hùng| 26/08/2020 09:12

Dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh Đắk Nông nhiều, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để ở và sản xuất, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Vì thế, ngoài công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện có, việc ổn định dân di cư tự do là giải pháp tốt để giữ rừng, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Những cụm dân cư trong rừng phòng hộ

Trên địa bàn tỉnh đang có hàng ngàn người thuộc diện dân di cư tự do đang sinh sống tại các khu rừng. Cuộc sống của phần lớn dân di cư tự do còn khó khăn, không ổn định, đất sản xuất và đất ở có nguồn gốc chủ yếu từ việc... phá rừng. Công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Một cụm dân cư nằm trong rừng phòng hộ Đắk R'măng

"Nhảy dù" vào rừng

Những ngày mùa mưa, Thào A Dũng, cán bộ kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng, men theo con đường nhỏ vào các cụm dân cư người Mông sống biệt lập trong rừng để vận động người dân không phá rừng. Vượt qua nhiều ngọn đồi, khe suối, A Dũng, bắt gặp cụm dân cư nằm giữa thung lũng khá bằng phẳng. Hầu hết các căn nhà trong cụm dân cư này đều đóng cửa. Ngôi nhà khang trang nằm ở vị trí trung tâm là điểm sinh hoạt tôn giáo thường xuyên của những người theo đạo tin lành, nhưng cũng "cửa đóng then cài".

Đi sâu vào trong cụm dân cư, A Dũng nhìn thấy những đứa trẻ đang bốc đất chơi phía trước nhà của gia đình ông Giàng A Sì. Ông Sì vừa địu đứa cháu đi từ rẫy về cho biết, mùa này nhà nào cũng đi lên rẫy. Cả cụm dân cư vì thế mà vắng lặng, chỉ có số ít người già và trẻ con ở nhà.

Trong câu chuyện với A Dũng, Giàng A Sì cho biết, năm 2000, ông từ Lào Cai mang theo gia đình "nhảy dù" vào tiểu khu 1752, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng để phát rẫy, làm nhà ở. Thời điểm đó, gia đình ông có 6 người con. Gia đình ông phát rẫy lấy đất để trồng các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi và sống theo hình thức tự cung, tự cấp. Sau đó, ông bắt đầu trồng cà phê. Đến nay, gia đình ông có 4.000 cây cà phê và khoảng 2 ha đất trống.

Gia đình ông Giàng A Sì với 20 năm định cư trên đất rừng, nhưng cuộc sống vẫn chưa ổn định

Trong số những người con của ông Sì, có Tráng A Sấu (con trai đầu) đã cưới vợ được 8 năm và có 3 người con. Đứa con đầu của Sấu đang học lớp 2. Ông Sì đã cho vợ chồng Sấu ra ở riêng và làm một ngôi nhà gỗ cạnh nhà ông. A Sấu đã khai hoang 2 ha đất để canh tác. Cô con gái Tráng Thị Súa của ông Sì cũng đã cưới chồng và sinh được 2 người con. Thị Súa cũng ở riêng cạnh nhà ông Sì và khai hoang được 1 ha đất canh tác.

Sau 20 năm định cư ở Đắk R'măng, đại gia đình ông Sì từ 1 hộ đã có thêm 2 hộ mới. Diện tích đất mà gia đình ông Sì khai hoang để ở và sản xuất vào khoảng 10 ha, tất cả đều có nguồn gốc đất lâm nghiệp. Ông Sì tâm sự, điều kiện cuộc sống của gia đình ông vẫn rất khó khăn. Trồng cà phê chỉ lấy số lượng, chứ kỹ thuật làm như thế nào cho hiệu quả ông vẫn chưa nắm rõ. Mỗi năm, với 4.000 cây cà phê, nhưng thu nhập của gia đình cũng chưa đủ ăn. Do vậy, cuộc sống của gia đình ông vẫn phải "bám" vào rừng là chính. Nghĩa là hằng ngày, gia đình ông còn phải vào rừng săn bắn, phát rẫy trồng cây ngắn ngày để kiếm thêm cái ăn.

Cách đó không xa là đại gia đình của ông Sùng A Pháo, sinh năm 1962. Gia đình A Pháo có 9 người con, 4 trai, 5 gái. Năm 2000, ông Pháo đưa gia đình từ Lào Cai vào đây phát rẫy, làm nhà ở. Ông Phào cho biết, đã có 4 người con lập gia đình. Họ đã được làm nhà ở riêng ngay sát cạnh nhà ông. Mỗi đứa con đều khai phá được một ít đất để canh tác.

Con đầu của ông A Pháo là Sùng A Sính, 35 tuổi, hiện nay đã có 4 người con. Ngoài 1 ha đất của bố mẹ cho, gia đình anh Sính còn mở rộng thêm được tổng cộng 4 ha để trồng cà phê. Theo A Sính, dù đất đai nhiều, nhưng thu nhập của gia đình chỉ được tầm 40 triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống của gia đình A Sính dù không đến nỗi lay lắt, nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào những cánh rừng xung quanh...

7 tiểu khu của rừng phòng hộ Đắk R'măng đều có người Mông xâm canh, định cư

Thào A Dũng đi đến đâu là nghe những câu chuyện về cuộc sống của dân di cư tự do ở đó. Trên những đoạn đường mà A Dũng đi qua, thi thoảng những chiếc xe cày chất đầy phân lầm lũi bò lên những con dốc. Nơi mà những chuyến xe này hướng tới là những đám rẫy vừa được người dân khai phá từ những khu rừng. Mùa này họ trồng lúa, khoai, mì để chờ hết mùa mưa là thu hoạch... Thào A Dũng cho biết, số phận những cánh rừng ở Đắk R'măng đều phụ thuộc vào dân di cư tự do.

ADQuảng cáo

Sức ép phá rừng

Trên toàn bộ lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng hầu như tiểu khu nào cũng đều có người Mông di cư từ phía Bắc vào lấn chiếm, canh tác và sinh sống. Tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm là 2.248 ha, chủ yếu được người dân trồng cà phê và cây ngắn ngày. Số hộ sinh sống và xâm canh trên đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng là 235 hộ, với 1.400 khẩu. Đến nay, dân di cư tự do do ở Đắk R'măng được chính quyền địa phương phân chia thành các cụm dân cư theo thứ tự từ 6 - 13.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng được thành lập từ năm 2017, trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk R’măng. Đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 6.567 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, đất có rừng 3.333 ha, đất không có rừng 3.233 ha.

Ông Trương Trường Giang, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng cho biết, dân di cư tự do thường xuyên phá rừng, lấn chiếm đất để mở rộng diện tích canh tác. Số hộ dân thuộc diện di cư tự do ở Đắk R'măng phát sinh ngày càng đông. Nếu không biện pháp quản lý hiệu quả dân di cư tự do, rất dễ gây nên tình trạng phá rừng tràn lan để lấy đất sản xuất.

Việc người dân định cư và sản xuất trên đất lâm nghiệp khiến cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng không thể phát triển, khôi phục diện tích rừng đã mất. "Được giao đất, nhưng đơn vị không thể đưa vào kế hoạch phát triển rừng được", ông Gia phàn nàn.

Dân di cư tự do ở Đắk R'măng sống thành từng cụm cách xa trung tâm. Những cụm dân cư ở đây hầu như không có hạ tầng thiết yếu, nhất là y tế, giao thông, trường học. Cuộc sống của người dân cũng vì thế mà lạc hậu, khó khăn đủ bề. Theo ông Giang, cuộc sống của dân di cư tự do ở đây hầu hết đều hướng vào rừng hơn là hướng ra ngoài. Vì thế, những cánh rừng ở Đắk R'măng luôn đứng trước sức ép bị tàn phá mỗi ngày.

Phần lớn đất ở, đất sản xuất của dân di cư tự do đều do phá rừng mà có

Cản trở phát triển rừng

Theo thống kê mới nhất của Công an tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 5.743 hộ, với 16.792 khẩu đang sống trên đất lâm nghiệp. Để quản lý số người này là một vấn đề rất khó khăn đối với chính quyền các cấp lẫn lực lượng chức năng. Theo Đại tá Nguyễn Tường Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, những người sống trên đất lâm nghiệp thì không hợp pháp và rất khó kiểm soát.

Nhiều năm qua, dân di cư tự do được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch phát triển rừng. Họ cũng là nguyên nhân chính làm giảm quá trình phát triển rừng, giảm độ che phủ rừng ở Đắk Nông.

Giai đoạn  2014 - 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2.249 vụ phá rừng trái phép, gây thiệt hại 1.053 ha rừng. Cụ thể, năm 2014 xảy ra 345 vụ, thiệt hạ 145 ha rừng; 2015 xảy ra 292 vụ, thiệt hại 384 ha; năm 2016 xảy ra 370 vụ, thiệt hại 154 ha; năm 2017 xảy ra 552 vụ, thiệt hại 283 ha. Năm 2018 xảy ra 485 vụ, thiệt hại 153 ha và năm 2019 xảy ra 458 vụ, thiệt hại 138,25 ha. Mục đích phá rừng chủ yếu là để lấy đất sản xuất.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa được giao quản lý bảo vệ hơn 11.100 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, đất có rừng 3.213 ha, đất chưa có rừng 7.887 ha. Trên lầm phần của đơn vị hiện nay đang có hàng trăm gia đình dân di cư tự do xâm canh đất để ở và sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho biết, quỹ đất để phát triển rừng của đơn vị là những diện tích đất chưa có rừng. Tuy nhiên, quỹ đất này đã bị người dân lấn chiếm và canh tác các loại cây lâu năm. Do đó, đơn vị hầu như không thể phát triển rừng. Ngược lại, các hộ dân di cư tự do đang tạo sức ép lên diện tích rừng hiện có.  

Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Nam Tây Nguyên hiện đang quản lý 23.434 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, đất có rừng 20.463 ha, đất không có rừng bị người dân lấn chiếm, xâm canh 2.766 ha. Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, rừng tự nhiên và đất bị người dân xâm canh, lấn chiếm đang nằm xen kẽ kiểu da báo. Do đó, việc thu hồi đất để công ty sản xuất, kinh doanh và phát triển rừng là rất khó khăn. Nếu trả diện tích đất bị xâm canh về cho địa phương quản lý thì gây áp lực lên diện tích rừng liền kề và phá vỡ quy hoạch lâm nghiệp. Mặt khác, toàn bộ diện tích đất do người dân xâm chiếm thì công ty vẫn phải trả tiền thuê đất hàng năm. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của đơn vị.

>>Kỳ 2: Ổn định dân di cư tự do mới giữ rừng hiệu quả

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổn định dân di cư tự do để giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO