Ðổi mới tuyên truyền pháp luật, đáp ứng nhu cầu của người dân

Đặng Hiền thực hiện| 04/11/2022 09:32

Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trung Hiếu, TUV, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

PV:Xin ông cho biết những nội dung chủ yếu cần tuyên truyền trong “Ngày Pháp luật” năm nay?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Năm 2022, tròn 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam và tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL. Để đưa việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật và Luật PBGDPL trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, các ngành, địa phương tập trung quán triệt, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội thông qua trong năm 2021, 2022. Trọng tâm là các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, vấn đề của xã hội được dư luận quan tâm, cần định hướng như: Luật Đất đai 2013, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, cải cách hành chính…

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL gắn với biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội...

Đồ họa: Đặng Hiền

PV:Để cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp có thể hiểu và nắm bắt được những nội dung này, những hoạt động tuyên truyền cụ thể nào được triển khai thực hiện, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Ngoài các hình thức truyền thống, tỉnh Đắk Nông tập trung, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng các hình thức PBGDPL thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, mạng xã hội… Đặc biệt, địa phương chú trọng hoạt động tuyên truyền đến những vùng còn khó khăn, trình độ, khả năng hiểu biết pháp luật còn thấp để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận người dân…

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Công tác tuyên truyền, PBGDPL tiếp tục được đổi mới, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn như lồng ghép trong các phong trào, biểu diễn văn hóa văn nghệ; tọa đàm, đối thoại chính sách, giải đáp vướng mắc pháp luật cung cấp miễn phí thông tin; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống, qua tiếp xúc cử tri. Một số đơn vị, địa phương xây dựng các mô hình tại cơ sở như Câu lạc bộ “Phụ nữ phòng, chống tội phạm”, Câu lạc bộ “Không bạo lực gia đình”, các tổ tư vấn, trợ giúp pháp lý...

PV:Theo ông, để công tác PBGDPL nói chung và việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao hơn, trong thời gian tới cần thực hiện những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Để lan tỏa ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng và công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh nói chung đạt kết quả cao, cần thực hiện các giải pháp. Trước hết, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường phối hợp tuyên truyền, PBGDPL cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số... Từng thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL phát huy vai trò, trách nhiệm, nhất là trong việc phối hợp với Sở Tư pháp định hướng nội dung, lựa chọn đối tượng cần tuyên truyền... Từ đó, tập trung nguồn lực để việc tuyên truyền đem lại hiệu quả cao nhất.

Đi đôi với đó, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; có chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc, người uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo… tham gia PBGDPL.

Hình thức PBGDPL tiếp tục tổ chức đa dạng, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của từng địa bàn, đối tượng, nhóm đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đây là giải pháp căn cơ để đổi mới, đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu tự học tập, tìm hiểu pháp luật của người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương phát huy thế mạnh phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan thông tấn, báo chí, các hình thức truyền thông khác; đẩy mạnh truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội…

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðổi mới tuyên truyền pháp luật, đáp ứng nhu cầu của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO