Ngành Thú y tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm

Thùy Dương thực hiện| 14/02/2014 09:39

Trước tình hình dịch cúm gia cầm xuất hiện tại một số địa phương trong cả nước, ngành Thú y tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống cúm gia cầm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh.

ADQuảng cáo

P.V: Ông có thể cho biết tình hình chăn nuôi cũng như hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Ngô Quốc Hưng: Hiện tại, tổng đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 1,2 triệu con. Ngoài một số trang trại được đầu tư bài bản theo quy mô công nghiệp thì hiện vẫn còn một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh ít xảy ra các loại dịch bệnh nên nhiều người chăn nuôi còn lơ là trong công tác phòng, chống cũng như thực hiện tiêm phòng vắc xin, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời điểm này, nguy cơ nhiễm các loại vi rút cúm gà như H5N1, H7N9, H10N8 là rất cao.

Về hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên, hàng tháng số lượng gia cầm xuất, nhập vào tỉnh tương đối lớn và chủ yếu nhập từ các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Đồng Nai… Riêng trong tháng 1, ngành đã kiểm dịch cho 1.000 gà con làm giống xuất đi các tỉnh, kiểm dịch trên 5.200 con gia cầm để nuôi và 8.600 con gia cầm giết mổ nhập vào địa bàn tỉnh.

Cán bộ thú y Đắk Glong kiểm tra việc buôn bán gia cầm tại chợ trung tâm huyện

P.V: Để bảo vệ người chăn nuôi, ngăn không cho cúm gia cầm bùng phát trên địa bàn tỉnh, ngành đã thực hiện những biện pháp nào, thưa ông?

Ông Ngô Quốc Hưng: Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ngành đã tiến hành lấy 221 mẫu trên đàn gia cầm tại 6 huyện, thị xã để xét nghiệm đánh giá sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm.

Kết quả, tại 3 huyện gồm Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô, ngành đã phát hiện sự lưu hành vi rút cúm gia cầm. Cụ thể, tại huyện Đắk Song có 2/39 mẫu dương tính, huyện Đắk Mil có 1/20 mẫu dương tính, Krông Nô có 1/37 mẫu dương tính.

Ngay sau đó, ngành đã cấp phát 2.400 lít hóa chất để tiến hành tiêu độc khử trùng và tập trung vào những nơi có nguy cơ cao như khu vực giết mổ, nơi buôn bán, đồng thời vận động nhân dân dọn vệ sinh chuồng trại, quét dọn, dùng vôi bột để khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan.

ADQuảng cáo

Cùng với đó, ngành cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị xã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch, thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh đến tận thôn, bon và tập trung vào những địa bàn có nguy cơ cao.

Đối với các huyện có đường biên giới giáp với Campuchia thì ngành đã phối hợp với lực lượng biên phòng cửa khẩu tăng cường kiểm tra việc nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; không cho phép buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm, sản phẩm gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.

Trước, trong và sau tết Nguyên đán, ngành cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn, nhất là việc buôn bán, giết mổ trái phép tại các chợ. Hàng tháng, các trạm kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ ra vào tỉnh đã chủ động kiểm tra, kiểm soát không để gia cầm mắc bệnh lọt vào địa bàn tỉnh.

P.V: Ông có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi và người tiêu dùng trong tình hình hiện nay?

Ông Ngô Quốc Hưng: Sau Tết Nguyên đán là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn. Vì vậy, trong quá trình chọn con giống, bà con nên lựa chọn các con giống đã được ngành chuyên môn kiểm dịch hoặc ở các cơ sở uy tín, bảo đảm con giống sạch bệnh.

Trước khi đưa giống về, người chăn nuôi cần thực hiện tổng vệ sinh bằng các biện pháp cơ giới hoặc sinh học nhằm tạo môi trường chăn nuôi an toàn. Trong quá trình chăn nuôi, nếu phát hiện gia cầm có hiện tượng bệnh, ủ rũ, rù thì các cơ sở, người chăn nuôi phải báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương để kịp thời xử lý.

Về phía người tiêu dùng tuyệt đối không mua gia cầm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi sử dụng thịt gia cầm phải được nấu chín, tuyệt đối không được ăn thịt tái, ăn tiết canh… Người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm động vật bày bán không an toàn hoặc chưa qua kiểm dịch thú y phải báo cho ngành chức năng, lực lượng thú y xử lý kịp thời.

Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Thú y tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO