“Lực cản” ở bon Bu N’Jang

Mỹ Hằng| 09/04/2015 09:30

Bon Bu N’Jang, xã Trường Xuân (Đắk Song) hiện có 214 hộ với hơn 800 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào M’nông sinh sống.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, mặc dù chính quyền các cấp đã tích cực triển khai các biện pháp giảm nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong bon còn cao. Hiện tại, toàn bon có 68 hộ nghèo (chiếm 30%) và 10 hộ cận nghèo; còn số hộ có thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhận thức còn hạn chế nên người dân trong bon vẫn xả rác bừa bãi, đường làng ngõ xóm chưa được xây dựng đàng hoàng

Theo anh Y Khoa, Trưởng bon Bu N’Jang, nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hộ nghèo trong bon còn cao thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do cách tổ chức sản xuất của người dân còn lạc hậu, chưa quan tâm đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật.

Trong khi đó, đất canh tác lại bạc màu, thiếu vốn đầu tư, một số hộ gia đình vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, thời gian qua, chính quyền các cấp cũng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào, nhưng việc cấp phát còn mang tính chất tượng trưng, nhỏ lẻ nên chưa phát huy được hiệu quả kinh tế.

Mỗi hộ chỉ được cấp 4-5 cây giống như bơ, mít, sầu riêng… nên khi đưa vào trồng thì chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của gia đình. Hơn nữa, một số hộ dân trong bon còn thụ động trong việc phát triển kinh tế để nâng cao đời sống. Điều đáng nói nữa là mặc dù mang danh là hộ nghèo, nhưng các hộ nghèo đều không tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, thậm chí còn muốn như vậy để nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, sinh con nhiều cũng khiến tỷ lệ hộ nghèo trong bon cao. Chị H’Điệp, cán bộ chuyên trách dân số bon cho biết: “Hàng năm, trong khuôn khổ thực hiện chiến dịch truyền thông dân số, các cán bộ đoàn thể, dân số cũng tích cực đi vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức kế hoạch hóa gia đình cho bà con là chỉ nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt, nhưng tình hình cũng chẳng tiến triển gì. Thậm chí, một số hộ gia đình còn nói “khi nào hết trứng thì hết đẻ"".

Vì vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3, thứ 4 trong bon vẫn diễn ra và chuyện sinh con nhiều đã trở thành điều hiển nhiên đối với nhiều gia đình. Có những cặp vợ chồng chưa đến 40 tuổi, nhưng có đến 8 người con mà vẫn đang có ý định tiếp tục sinh chứ không dừng lại...

Cũng theo anh Y Khoa thì do đời sống vật chất còn khó khăn nên việc vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như một số hoạt động của địa phương còn nhiều hạn chế. Có những cuộc họp bon, vận động mãi người dân mới chịu đi, có lúc phải đi đến tận nhà kêu gọi.

Nhận thức còn hạn chế nên người dân ít có điều kiện quan tâm đến đời sống tinh thần của mình. Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cũng không mấy khả quan. Tình trạng xả rác bừa bãi, chăn nuôi gia súc thả rông vẫn diễn ra trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Có thể nói, để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào nghèo ở Bu N’Jang là vấn đề không phải một sớm một chiều là xong ngay được, đòi hỏi phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan. Trong đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước thì quan trọng nhất vẫn là làm sao tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của đồng bào.

Muốn làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần quan tâm, tìm hiểu nhu cầu thực tế của từng gia đình để có biện pháp thích hợp, nhất là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế điểm để người dân có thể học hỏi, noi theo. Đồng thời, việc giúp người nghèo tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như sử dụng vốn vay có hiệu quả cũng cần được quan tâm, chú trọng hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lực cản” ở bon Bu N’Jang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO