Lênh đênh nghề nuôi cá lồng trên sông Krông Nô

Văn Tâm| 01/04/2021 09:26

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông Krông Nô phát triển khá mạnh. Khi thời tiết thuận lợi, hộ nuôi cá có thể thu về cả trăm triệu đồng, nhưng cũng có thể "trắng tay" nếu xảy ra thiên tai, lũ lụt...

ADQuảng cáo

Những ngày cao điểm của mùa khô, mực nước trên sông Krông Nô rút cạn, hai bờ sông lộ ra nhiều vết xói lở, các bè cá phải dịch chuyển ra xa bờ hơn. Mùa này, người dân bắt đầu chuẩn bị lồng bè, cá giống để bước vào vụ mới.

Nghề nuôi cá chịu khá nhiều rủi ro do dịch bệnh, thiên tai, nhưng thu nhập cũng khá hơn so với sản xuất nông nghiệp. Nếu thuận lợi, trung bình mỗi lồng cá thu hoạch hơn 1 tấn/vụ, đem lại lợi nhuận tầm 20 triệu đồng.

Nghề nuôi cá lồng có nhiều tiềm năng tại huyện Krông Nô

Bám sông giữ nghề

Cách đây nhiều năm, anh Phan Văn Hiền, rời bỏ quê hương Châu Đốc (An Giang) lên Đắk Nông lập nghiệp. Nhận thấy môi trường nước trên sông Krông Nô khá phù hợp để phát triển các loài thủy sinh nước ngọt, nên anh đã quyết định "cắm sào" để neo lồng nuôi cá.

Theo anh Hiền, Châu Đốc vốn là nơi xuất hiện nghề nuôi cá lồng lâu đời nhất ở Việt Nam. Đây cũng là nơi mà anh đã học hỏi rút ra nhiều kinh nghiệm đối với việc nuôi cá lồng.

Nuôi cá lồng trên sông, hồ phải phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường nước tự nhiên, rất khó để kiểm soát được chất lượng nước như nuôi trong các thủy vực ao, đầm. "Vì vậy, nếu may mắn chọn được vị trí thích hợp để neo lồng bè là thành công được một nửa rồi”, anh Hiền chia sẻ.

Việc chọn vị trí neo lồng nuôi cá thường dựa vào các yếu tố như: Nhiệt độ, mức độ nhiễm bẩn của nguồn nước, vật chất lơ lửng, sinh vật gây bệnh, trao đổi nước, dòng chảy, khả năng làm bẩn lồng do rong rêu…

Hơn 6 năm qua, gia đình anh làm lồng nuôi cá diêu hồng trên sông Krông Nô. Cá diêu hồng trên sông phát triển nhanh hơn so với nuôi trong ao, hồ, chất lượng cá cũng cao hơn. Lồng cá đầu tư một lần có thể sử dụng được nhiều năm.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Theo anh Hiền, để nuôi được một lồng cá đạt sản lượng cao, người nuôi không chỉ tốn công sức, tiền thức ăn mà còn đánh đổi bằng những thất bại từ các vụ cá trước đó. Để đàn cá phát triển, riêng tiền mua giống và thức ăn cho cá, anh đã đầu tư khoảng 350 triệu đồng/lồng/vụ. Với 8 lồng cá, tổng chi phí anh phải bỏ ra là hơn 2 tỷ đồng/vụ. Mỗi lồng cá cho thu hoạch trên dưới 10 tấn cá, trừ chi phí, anh có lãi khoảng 20 triệu đồng.

Nghề nuôi cá lồng mang lại nguồn thu nhập tương đối, nhưng mức độ rủi ro lại cao. Bởi nuôi cá lồng chủ yếu rơi vào những tháng mùa mưa, nước sông thường dâng cao tạo môi trường sống thích hợp nên cá nhanh lớn. Nhưng mùa mưa dòng sông luôn chứa đựng những bất trắc, lũ lụt bất ngờ, nên có khi mất trắng.

Theo nghề nuôi cá lồng hơn 6 năm, anh Hiền đã 3 lần "trắng tay" vì bị lũ cuốn trôi các lồng cá. Nhiều lần anh tính đến chuyện bỏ nghề nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên đành tiếp tục bám trụ với nghề. Mùa rét, dù thời tiết lạnh buốt nhưng anh không hề nản lòng để ngâm mình dưới nước kiểm tra lưới, vá lưới...

Anh Phan Văn Hiền, ở thôn Bình Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô) hơn 6 năm nuôi cá lồng trên sông Krông Nô

Phát triển ổn định nghề nuôi cá lồng

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh (Krông Nô), cuối năm 2020, toàn xã có khoảng 200 lồng cá được nuôi trên sông Krông Nô, sản lượng khoảng 2.000 tấn cá/năm. Cá nuôi trên sông Krông Nô đạt chất lượng cao, nên luôn được thương lái bao tiêu sản phẩm.

Không chỉ ở Buôn Choáh, nghề nuôi cá lồng cũng phát triển mạnh ở các xã Đức Xuyên, Nâm N’đir… nơi có sông Krông Nô đi qua. Hầu hết các hộ nuôi cá lồng đều tự phát. Do đó, chính quyền rất khó trong khâu quản lý, nhất là việc hỗ trợ bà con khi xảy ra thiên tai.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô, trên sông Krông Nô có nhiều tiềm năng để phát triển ngành thủy sản của địa phương như nuôi cá lồng. Nhưng những rủi ro mà người dân gặp phải cũng không ít. Thời điểm nuôi cá lồng của bà con thường rơi vào mùa bão, lũ, có thể gây thiệt hại lớn.

Trước thực tế đó, ngoài việc kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc đối với nghề nuôi cá lồng của địa phương, huyện Krông Nô cũng đã và đang xây dựng phương án phát triển bền vững đối với loại hình nuôi cá này.

Trước mắt, ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh chuyển giao cho các hộ nuôi cá áp dụng các quy trình tiên tiến, công nghệ sinh học vào sản xuất. Huyện cũng tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, đa dạng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Từ đó, tạo ra các điều kiện thuận lợi để nghề nuôi cá lồng phát triển tốt.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lênh đênh nghề nuôi cá lồng trên sông Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO