Lấy ý kiến đóng góp các dự án luật Báo chí và luật Tiếp cận thông tin

Nguyễn Hiền| 14/03/2016 16:09

Ngày 14/3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật Báo chí và luật Tiếp cận thông tin. Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.

Quang cảnh hội nghị

Dự án luật Báo chí gồm 6 chương và 62 điều; dự án luật Tiếp cận thông tin gồm 6 chương và 38 điều. Cùng với việc thống nhất cao về nội dung, kết cấu chương, điều, sự cần thiết ban hành các bộ luật, các đại biểu đã có một số ý kiến đóng góp.

Cụ thể, đối với dự án luật Báo chí, một số ý kiến cho rằng, tại Điều 42 quy định về họp báo còn chưa chặt chẽ về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trong trả lời về việc họp báo. Vì vậy, luật cần quy định cụ thể theo hướng, trong thời gian quy định, cơ quan quản lý phải có văn bản trả lời về việc xin họp báo. Khi có văn bản trả lời đồng ý của cơ quan quản lý thì mới được họp báo.

Tại Điều 18,  quy định về cấp  giấy phép hoạt động báo chí thì thời gian xem xét để cấp các giấy phép quá dài ngày; chưa quy định chặt chẽ trách nhiệm trả lời khi không cấp giấy phép… Vì vậy, luật nên quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép, hoặc có văn bản trả lời không cấp giấy phép, nêu rõ lý do.

Tại Điều 3, với cách định nghĩa về “báo chí” chưa phản ánh hết được bản chất của báo chí; việc giải thích các loại hình báo chí cần rõ ràng hơn.

Tại Điều 6 nên thêm vào nội dung về hướng dẫn xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy hoạt động của cơ quan báo chí.

Điều 7, nên định danh vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí tại địa phương.

Tại các Điều 26, 27, 28, cần mở rộng đối tượng được cấp thẻ nhà báo; đồng thời cũng cần có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý và sử dụng thẻ nhà báo nhằm tránh trường hợp sử dụng sai mục đích. Điều 39, luật cần quy định cụ thể về yêu cầu cung cấp thông tin, nhất là về thời hạn và thời gian cụ thể.

Đối với dự án luật Tiếp cận thông tin, tại Điều 1, luật cần mở rộng phạm vi chủ thể trong việc tiếp cận thông tin. Điều 2, nên bỏ từ “có sẵn” trong phần giải thích từ ngữ, vì Điều 29 có chia thông tin làm 2 loại: “có sẵn”  và “không có sẵn”.

Điều 4, cần làm rõ khái niệm quyền “yêu cầu cung cấp thông tin” và quyền “tiếp cận thông tin” đối với người mất hành vi dân sự, người dưới 18 tuổi. Luật nên quy định chung  là quyền tiếp cận thông tin. Điều 6, luật nên  thực hiện theo phương án 1, vì ngắn gọn và phần chi tiết thông tin bí mật đã được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước. Điều 25, luật nên quy định rõ về chế tài xử lý thông tin công khai không chính xác…

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phân loại, tổng hợp để xem xét và trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua.

Video clip:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy ý kiến đóng góp các dự án luật Báo chí và luật Tiếp cận thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO