Hiệu quả phòng ngừa bệnh dại chưa cao

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 01/11/2021 09:10

Đắk Nông là một trong những địa phương có nhiều vật nuôi mắc bệnh dại nhất trên cả nước. Số người bị vật nuôi mắc bệnh dại cắn cũng nhiều, trong đó có những trường hợp phải chịu hậu quả nặng nề về sức khỏe, tâm lý, thậm chí tử vong.

ADQuảng cáo

Chị Nguyễn Thị Nga, ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), cho biết, chị rất sợ hãi những con chó thả rông. Cách đây khoảng 2 năm, khi đang điều khiển xe máy trên đường, chị bị một con chó rượt theo cắn vào bàn chân.

Vết chó cắn khá sâu, khiến chị lo sợ nguy cơ mắc bệnh dại. Mặc dù đã đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng bệnh dại nhưng tâm lý của chị vẫn bị ảnh hưởng suốt thời gian dài.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2017-2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 126 vật nuôi (chó dại, nghi dại) cắn người, khiến 5 trường hợp tử vong (Đắk Glong 3 trường hợp, Đắk Song 2 trường hợp).

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình hình kiểm soát bệnh dại tại Đắk Nông vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng cơ bản vẫn là do chưa quyết liệt trong việc quản lý vật nuôi theo quy định.

Tỉnh hiện chưa triển khai xây dựng được vùng an toàn đối với bệnh dại; chưa thành lập được các tổ bắt chó, mèo thả rông theo quy định; chưa áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi không chấp hành quy định...

Một nguyên nhân khác là tỷ lệ tiêm phòng dại cho vật nuôi trên địa bàn tỉnh còn thấp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo hàng năm của Đắk Nông chỉ đạt từ 20-32,7%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung cả nước (49,2%).

Tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó của Đắk Nông thấp hơn trung bình cả nước, chỉ đạt từ 20 - 32,7%/1 năm

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Hiện nay, hoạt động nuôi chó, mèo của người dân ngày càng nhiều, nên nguy cơ xuất hiện bệnh dại cũng gia tăng. Trên địa bàn một số huyện đang tồn tại một số ổ bệnh dại cũ, dễ bùng phát trở lại. Ý thức người dân về phòng, ngừa bệnh dại trên vật nuôi chưa cao...

Theo ngành chức năng, để từng bước khống chế bệnh dại ở chó, mèo, trước hết, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân. Trong đó, ý thức về quản lý vật nuôi, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho vật nuôi là rất quan trọng.

Chính quyền cấp xã phải giám sát chặt chẽ việc đăng ký vật nuôi, quản lý vật nuôi của người dân theo quy định. Đối với người dân, cần có ý thức cao trong việc chăn, dắt động vật. Người dân cần phải xích, nhốt vật nuôi trong khuôn viên gia đình; khi đưa vật nuôi ra khu vực công cộng phải đeo rọ mõm...

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, các cơ quan thú y, y tế tiếp tục làm tốt công tác phối hợp để giám sát sự lưu hành của vi rút dại ở chó, mèo.

Các cơ quan chuyên môn cần kịp thời phát hiện, xử lý các ổ bệnh dại kịp thời, hiệu quả, không để lây lan. Việc nâng cao tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo cũng rất quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Những trường hợp không tuân thủ quy định về chăn nuôi động vật, để phát sinh, lây lan bệnh dại cũng cần được xử lý nghiêm theo quy định để răn đe, giáo dục trong cộng đồng...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - PTNT, giai  đoạn 2017- 6/2021 cả nước có 1.554.567 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, tăng 561.840 người so với giai đoạn 2012-2016. Trong 5 năm qua, cả nước ghi nhận 378 người tử vong do bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả phòng ngừa bệnh dại chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO