Y tế - Sức khỏe

Nhiều người vẫn chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết

Ngô Đồng 18/06/2024 07:00

Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết nặng

Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Đắk Nông ghi nhận 701 trường hợp mắc SXH Dengue tại 54/71 xã, phường, thị trấn thuộc 8/8 huyện, thành phố. TP. Gia Nghĩa có số ổ dịch SXH cao nhất, với 19 ổ dịch (chiếm 83% toàn tỉnh). Các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song đang có xu hướng gia tăng ca mắc trong các ngày gần đây.

sxh.jpg

Bác sĩ Cao Thị Tài, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết: "Trước đây, trung bình mỗi tháng có từ 5 đến 7 ca nhập viện do bệnh SXH. Tuy nhiên, trong 20 ngày qua, những ngày cao điểm có từ 8 - 10 ca bệnh phải nhập viện do mắc sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Một số bệnh nhân mắc SXH nhập viện khi tình trạng nặng như sốt cao, bị sốc, suy hô hấp, một số ca tổn thương đa cơ quan...".

Nguyên nhân số ca SXH tăng được xác định là do thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hàng ngày dao động trong khoảng từ 26-32°C. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và hoạt động. Chỉ số côn trùng sau xử lý các ổ dịch vẫn cao vượt ngưỡng làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH tại cộng đồng.

Kiểm tra thực tế tại khu vực ổ dịch thôn 1
Kiểm tra thực tế tại khu vực ổ dịch thôn 1, xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp

Đặc biệt, qua thu dung điều trị và kiểm tra thực tế tại các ổ dịch SXH thời gian qua trên địa bàn tỉnh thì tâm lý chủ quan, lơ là, thậm chí coi nhẹ bệnh SXH của người dân còn phổ biến.

Là 1 trong 44 bệnh nhân mắc SXH đang điều trị ngày thứ 6 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh V.H.D ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: "Do chủ quan, nghĩ sức trẻ, chỉ bị cảm sốt thông thường nên tôi không đến viện để khám mà tự mua thuốc về nhà điều trị. Mãi tới khi thấy người lả đi vì mệt, tôi mới chịu nghe gia đình vào viện xét nghiệm thì mới biết mình bị SXH".

Hay như chị H’Ruổi, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa đang điều trị SXH ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay: “Cứ nghĩ chồng bị cảm sốt thông thường nên tôi mua thuốc uống, điều trị tại nhà. Đến khi lây sang, tôi thấy rất mệt nên mới quyết định đi bệnh viện khám. Tại đây, các bác sĩ lấy máu xét nghiệm thì phát hiện ra 2 vợ chồng tôi đều mắc SXH”.

Tương tự, khi Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tình hình dịch tại ổ dịch SXH thôn 1, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp xuất hiện cách đây hơn 1 tháng cho thấy, mặc dù chính quyền, ngành chức năng quyết liệt khiển khai các biện pháp dập dịch nhưng trong cộng đồng dân cư người dân vẫn chủ quan, lơ là phòng, chống dịch bệnh. Bởi xung quanh khu vực ổ dịch có khá nhiều vật dụng tồn đọng nước. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển.

SXH 5
Ổ loăng quăng ghi nhận tại khu vực ổ dịch đang hoạt động

Gia đình chị Nguyễn Thị Thương, xã Đắk Wer có 2 thành viên bị SXH đã điều trị khỏi cho hay: “Bác sĩ, nhân viên ở Trạm Y tế xã khuyến cáo dọn dẹp vệ sinh, đổ nước tù đọng thường xuyên nhưng lu bu, bận nhiều việc lại chủ quan nên tôi quên. Bây giờ được cơ quan chức năng nhắc nhở, gia đình sẽ chú ý thực hiện thường xuyên hơn”.

Môi trường ẩm thấp, mưa nhiều khiến nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và hoạt động
Môi trường ẩm thấp, mưa nhiều khiến nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và hoạt động

Tình trạng trên cũng diễn ra tại một số cụm dân cư trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca bệnh phát sinh liên tục tăng cao. Bà Lê Thị Lân, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cho biết, bà là người đầu tiên trong gia đình mắc SXH nhưng do không đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời dẫn đến lây lan sang tất cả các thành viên trong gia đình và một số gia đình khác trong xóm.

Không chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch, bệnh

Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã chủ động vật tư y tế tổ chức phun khử khuẩn trong bán kính 200m, tính từ ổ dịch đến các khu vực xung quanh. Quá trình phun khử khuẩn bảo đảm hơn 95% số hộ gia đình trong ổ dịch được phun hóa chất. Ngành Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh thường xuyên, liên tục để phát hiện sớm các ổ dịch, thực hiện khoanh vùng, xử lý theo đúng quy định, hạn chế sự lây lan trên diện rộng và giảm thiểu tối đa các trường hợp SXH nặng.

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết: SXH là vấn đề y tế công cộng, bệnh lưu hành ở nhiều tỉnh, thành phố. Bệnh thường có tính chất chu kỳ bùng phát 4 - 5 năm/lần. Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, ngành Y tế tập trung nguồn lực, ưu tiên công tác điều trị bệnh nhân mắc bệnh SXH, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh SXH và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh là chủ yếu. Nhưng hiệu quả phụ thuộc lớn vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân.

SXH 7
Ngành Y tế phun hoá chất diệt loăng quăng, bọ gậy tại khu vực các ổ dịch đang hoạt động

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Với quan điểm “phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở”, Đắk Nông đã và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch SXH nhằm ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng. Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh, bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, nhất là với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Tỉnh thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

BA HANH PCT
Đồ hoạ: N.H

Đồng thời, Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống SXH, hướng dẫn, vận động người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Đối với những trường hợp mắc và nghi mắc SXH tuyệt đối không được chủ quan tự ý điều trị tại nhà, phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nhiều người vẫn chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO