Y tế - Sức khỏe

Đừng để trẻ chết vì bệnh dại

Ngô Đồng 22/06/2024 14:22

Mặc dù chính quyền, cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo nhưng người bị chó dại cắn và tử vong vẫn diễn ra đáng báo động, nhất là trẻ em ở các vùng quê.

Vì đâu nên nỗi

Chị H.T.H ở thôn Tân Bình, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil nghẹn ngào khi nhắc đến đứa con trai nhỏ là cháu N.H.B.Q (SN 2013) vừa mới tử vong vì bệnh dại cách đây gần 2 tháng.

benh-dai-2(1).jpg
Em L.M.C (SN 2016), xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức được nhân viên y tế kiểm tra vết thương do bị chó dại cắn. Ảnh Hương Ly

Chị H.T.H. cho biết, vào tháng 1/2024, cháu Q bị chó nhà hàng xóm cắn rách da chân trái, gây một vết thương sâu, chảy nhiều máu nhưng lại không báo cho bố mẹ biết mà tự xử lý vết thương. Sau đó, gần cuối tháng 4, thấy cháu có nhiều triệu chứng bất thường, gia đình đã đưa cháu Q đến Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil và tiếp đó là chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk với chẩn đoán mắc bệnh dại nhưng đã quá muộn. Đến ngày 30/4/2024, cháu Q tử vong. Cái chết của cháu Q thực sự đã để lại cú sốc rất lớn cho gia đình, vì không theo dõi, cứu chữa kịp thời.

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil, khi nhận được thông báo của Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên về trường hợp cháu N.H.B.Q, đơn vị đã phối hợp với địa phương triển khai điều tra, xác minh thông tin. Kết quả ghi nhận cả cháu N.H.B.Q (SN 2017), em gái của bệnh nhân N.H.B.Q cũng bị phơi nhiễm vi rút dại vì bị chính con chó trên cắn. Rất may, hiện bé gái Q vết thương đã lành và không thấy dấu vết. Qua điều tra mới biết, con chó cắn 2 cháu đã chết cách đó khoảng 45 ngày và chủ nuôi không theo dõi được các dấu hiệu bất thường của chó trước khi chết. Trước tình hình trên, trung tâm đã tiến hành các biện pháp giám sát, hướng dẫn người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định.

Tương tự, vào trung tuần tháng 4/2024, tại thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, trong khi đang chơi gần nhà, 2 em V.T.N (SN 2016) và L.M.C (SN 2016) đã bị 1 con chó nhà hàng xóm nghi mắc dại cắn vào môi và cánh tay trái. Đồng thời, con chó nghi mắc dại cắn thêm 4 con chó khác trong khu vực.

o dich

Điều đáng nói, tất cả các trường hợp tử vong trên đều do chó cắn và không tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ em tử vong do mắc bệnh dại, đồng thời ghi nhận 15 trường hợp chó bị phơi nhiễm vi rút dại.

Từ năm 2019 đến 2023 tại tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 8 ca mắc bệnh dại và cả 8 trường hợp này đều tử vong; trong đó có đến 3 trường hợp là trẻ em.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đắk Nông

Có thể phòng tránh được

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Cụ thể, người dân cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh dại như: nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ. Trong quá trình nuôi phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo…

Thời gian qua, UBND tỉnh luôn ban hành các văn bản chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại, nhất là thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại. Ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể, địa phương luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống bệnh dại.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh dại. Cộng đồng dân cư được khuyến khích tích cực tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý.

Từ năm 2019 đến 2023, toàn tỉnh đã tiêm được 15.860 liều vắc xin phòng bệnh dại trên người và 2.187 lượt người tiêm huyết thanh kháng dại. Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh cũng tiêm được 910 liều vắc xin phòng bệnh dại trên người. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại chủ yếu thực hiện ở các điểm dịch vụ vì hiện nay, tỉnh chưa có chính sách tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho các đối tượng nguy cơ cao, người nghèo, người thuộc diện chính sách.

Đối với công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật, năm 2023, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho 41.347/64.356 con chó, mèo, đạt tỷ lệ 64,2%. Riêng năm 2024, tỉnh chưa triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho động vật.

Cộng đồng nâng cao nhận thức

Theo đánh giá của Sở Y tế, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo nhưng thực tế cho thấy, nhận thức của một bộ phận người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại vẫn còn chưa cao, chưa tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo, thậm chí chủ quan không tiêm phòng vắc xin dại khi bị phơi nhiễm.

Trong khi kinh phí địa phương còn hạn chế để triển khai và duy trì các hoạt động phòng chống bệnh dại trên địa bàn, tỉnh không có kinh phí của chương trình mục tiêu y tế - dân số dành cho phòng chống bệnh dại.

vac xin benh dai

Điều đáng quan tâm hơn là công tác quản lý đàn chó ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Người nuôi chó không chấp hành việc nuôi nhốt, dẫn đến tình trạng chó thả rông cắn người trọng thương, tử vong. Hầu hết các địa phương chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ thấp hơn so với mục tiêu chương trình đặt ra. Số lượng chó, mèo được tiêm phòng thấp hơn tổng đàn thuộc diện tiêm.

Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm theo quy định. Công tác giám sát phát hiện chó nghi mắc bệnh dại còn hạn chế tại một số địa phương. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, khi bị chó, mèo cắn không khai báo, điều trị dự phòng…

Để phòng chống bệnh dại trong cộng đồng đạt hiệu quả cao thực tế còn rất nhiều việc phải làm, nhất là tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp bị phơi nhiễm với vi rút dại, ca bệnh dại

Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông

Ngành Y tế tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ cho người bị phơi nhiễm với dại thuộc các đối tượng nguy cơ, dễ bị tổn thương (người nghèo, cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, cán bộ y tế làm công tác phòng, chống bệnh dại...). Qua đó, hàng năm tỉnh cấp kinh phí để mua vắc xin, huyết thanh triển khai điều trị cho người bị phơi nhiễm với dại theo quy định”.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đừng để trẻ chết vì bệnh dại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO