Giáo dục học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Mỹ Hằng| 11/05/2012 10:51

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh cũng luôn quan tâm đến việc giáo dục các em học sinh gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình...

ADQuảng cáo

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh cũng luôn quan tâm đến việc giáo dục các em học sinh gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Điển hình như Trường PTDTNT Đắk Mil (Đắk Mil) với đặc thù có đông học sinh dân tộc thiểu số theo học, Ban giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện cho các em được tiếp cận và thể nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài việc trang bị kiến thức thì hàng năm, trường đều tổ chức hàng loạt các hoạt động vui chơi, giải trí, liên hoan văn nghệ, duy trì các ngày lễ truyền thống, mặc trang phục dân tộc 2 ngày/tuần. Thông qua các cuộc thi như: tìm hiểu về phong tục, tập quán các dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc, sưu tầm văn hóa dân gian của địa phương…nhà trường khuyến khích học sinh tham gia, tạo thêm hứng thú trong học tập, sinh hoạt. Hàng tuần, trường đều xây dựng, tổ chức chương trình ngoại khóa với những chủ đề về văn hóa dân tộc để học sinh có thể giao lưu, trao đổi học tập. Ngoài ra, trường cũng đã phối hợp với Phòng Văn hóa -Thông tin huyện mời nghệ nhân về dạy cách đánh cồng chiêng cho học sinh. Hiện trường đã thành lập được hai đội cồng chiêng là học sinh và duy trì sinh hoạt thường xuyên. Nhờ được tiếp xúc thường xuyên với các hoạt động văn hóa, văn nghệ mà học sinh hiểu biết sâu hơn và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trường PTDTNT N’Trang Lơng (Gia Nghĩa) chú trọng giáo dục học sinh gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình

ADQuảng cáo

Không riêng gì ở Đắk Mil mà các trường PTDTNT ở các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô, Đắk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa cũng ra sức giáo dục học sinh của mình tích cực gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Vào các dịp như khai giảng năm học mới, kỷ niệm ngày học sinh, sinh viên hay các ngày lễ lớn trong năm thì các trường luôn đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khuyến khích học sinh thể hiện năng khiếu của mình. Thông qua những hội diễn như vậy mà các trường đã phát hiện được những “hạt nhân” văn nghệ đại diện cho trường đi tham gia các hội diễn mà địa phương tổ chức. Điều đáng nói ở đây là các em học sinh không chỉ biết đến những nét văn hóa truyền thống của riêng dân tộc mình mà còn biết đến văn hóa của các dân tộc anh em thông qua bạn bè cùng trang lứa. Ví dụ như học sinh dân tộc bản địa thì không những biết múa xoang, đánh cồng chiêng, thổi sáo mà còn biết múa sạp, biết làm còn của các dân tộc phía Bắc và ngược lại. Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức dạy tiếng M’nông, Ê đê cho các em cũng như thường xuyên tổ chức, đưa những trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy… vào trong các hoạt động sinh hoạt của học sinh. Các trường còn phối hợp với Phòng Văn hóa- Thông tin các huyện đưa cồng chiêng, dân ca, dân vũ vào giảng dạy trong trường. Từ hoạt động đó nên hiện nay hầu hết các trường PTDTNT huyện đều đã xây dựng được các đội cồng chiêng, đội văn nghệ nòng cốt là học sinh dân tộc thiểu số. Vì vậy, mỗi khi trường có tổ chức các sự kiện văn hóa gì thì học sinh lại thể hiện những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đặc trưng của dân tộc mình để dâng tặng cho thầy cô, bạn bè…

Theo ông Trương Anh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì với đặc thù là nơi có nhiều học sinh dân tộc thiểu số theo học nên các trường PTDTNT luôn là môi trường gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc một cách hiệu quả nhất. Hầu hết những em được tuyển chọn về học tại các trường thường là có ý chí, biết tu dưỡng và có ý thức tự tôn dân tộc ngay lúc còn nhỏ. Ở trong môi trường có nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, học tập nên có rất nhiều điều để các em học tập lẫn nhau; trong đó, bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc chính là vốn quý nhất từng ngày, từng giờ thấm sâu vào nhận thức của học sinh. Sự giao thoa văn hóa đã tạo ra động lực để các em trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như có điều kiện học hỏi lẫn nhau, thấy cái gì tốt, hay thì giữ gìn, nhân lên, cái gì chưa được, thậm chí còn dở, chưa hay thì sửa chữa, bổ sung.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO