Đưa cây vải thiều vào cơ cấu cây trồng

Đức Hùng| 14/01/2016 10:28

Từ mô hình trồng vải thiều thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Nam Đà, ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô đang triển khai nhân rộng, đưa cây vải thiều vào cơ cấu cây trồng của huyện.

ADQuảng cáo

TỪ MÔ HÌNH ĐIỂM

Năm 2004, sau khi dành thời gian 3 tháng đi học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải tại vùng trồng vải nổi tiếng phía Bắc, anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà bắt tay vào trồng vải thiều. Trải qua những khó khăn, thất bại ban đầu, anh Minh đã biết cách giúp cây vải thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.

Từ mô hình vườn vải của anh Minh, ngành Nông nghiệp huyện xây dựng dự án phát triển vùng chuyên canh vải trên địa bàn

Theo anh Minh thì trước đây bố anh Minh đã mang 50 cây vải giống từ Bắc Giang vào trồng thí nghiệm trong vườn nhà. Vườn vải phát triển xanh tốt nhưng không ra hoa, đậu quả. Sau khi dùng nhiều cách để thúc ép, kích thích mới có 3 cây ra trái, nhưng chỉ có 1 cây ăn được, còn 2 cây thì trái chua phải chặt bỏ. Với một cây cho quả, gia đình bán được 1 triệu đồng.

Xác định là loại cây khó trồng nhưng đổi lại trồng được thì giá trị rất cao, Minh bắt đầu lao vào học trồng vải, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bước đầu không xác định được giống nào là phù hợp nên Minh trồng thử nghiệm cả 5 giống vải trong vườn nhà mình, rồi từ quá trình chăm sóc, sàng lọc, chiết ghép, chọn được giống cho hiệu quả kinh tế cao để giữ lại và nhân rộng. Hiện nay, trong vườn chủ yếu là giống U Hồng cho năng suất cao, quả  đẹp và chống chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết.

Anh Minh cho biết: Bây giờ, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng vải rất nhiều, chi tiết, nhưng quan trọng nhất là vùng đất mình canh tác khí hậu ra sao. Khi đưa giống vải vào đây trồng, áp dụng kỹ thuật theo tài liệu, hay cách làm ở vùng trồng vải phía Bắc thì trật lất hết nên tôi phải tự mày mò, nghĩ cách xử lý như thế nào cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Qua thực tế cho thấy, việc chăm sóc vải không tốn nhiều công, về kỹ thuật cần tập trung chủ yếu vào thời kỳ vải ra hoa. Trước lúc vải ra hoa khoảng 2 tháng phải xử lý để hoa ra đều, đúng thời điểm thì coi như đã thành công được hơn 90%.

Hiện nay, với 1,5 ha, khoảng 450 cây vải, mỗi năm anh Minh thu hoạch được khoảng 30 tấn, thu về hơn 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn chiết ghép, sản xuất cây giống bán cho nhiều hộ dân trên địa bàn và sẵn sàng đến tận vườn để tư vấn, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng vải thiều.

NHÂN RỘNG, XÂY DỰNG VÙNG CHUYÊN CANH

Sau quá trình theo dõi quá trình sinh trưởng, thích nghi với điều kiện khí hậu, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng dự án phát triển vùng trồng cây vải tại địa bàn các xã Nam Đà, Đắk Drô, Nâm Nung, Tân Thành, Đắk Sôr, Nâm N’đir, với diện tích phấn đấu đạt 45-50 ha.

Riêng năm 2016, cây vải triển khai ở 3 xã Nam Đà, Đắk D'rô, Nâm Nung với 11 ha, khoảng 20 hộ gia đình tham gia. Việc xây dựng vùng chuyên canh trồng vải nhằm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, lựa chọn các loại cây trồng có lợi thế trong tiêu thụ sản phẩm, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Các vùng đất trước đây có các loại cây trồng không phù hợp, hiệu quả kinh tế thấp như vườn cà phê già cỗi, vườn tạp, nguồn nước tưới ít được chuyển sang trồng cây vải.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Nô thì qua quá trình theo dõi một số mô hình trồng vải trên địa bàn huyện cho thấy, cây vải phát triển tốt, năng suất cao, thích nghi được với điều kiện khí hậu địa phương nên có thể nhân rộng với diện tích vừa phải.

Qua việc phát triển cây vải, huyện cũng mong muốn từng bước hình thành được vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, có sản lượng hàng hóa lớn, ổn định, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của vùng. Nông dân có thể gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa cây vải thiều vào cơ cấu cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO